Ra biển, phải bắt đầu từ bờ Hà Văn Thịnh Vòng đàm phán thứ 12 Việt - Mỹ là vòng đàm phán cuối cùng để bước vào "con tàu" WTO mà Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức của "thuỷ thủ đoàn" thương mại thế giới. Có thể nói, "duyên nợ" Việt - Mỹ luôn kịch tính đến phút chót. Cách đây 52 năm, tại Hội nghị Geneva đã từng xảy ra chuyện tương tự: Tranh luận và mâu thuẫn, hoà giải và thống nhất ý kiến... cho đến tận... sáng! "Ngôi nhà" WTO là một ngôi nhà thoáng, rộng nhưng lại có vô số những quy tắc khắt khe. Nếu không, thì đã chẳng mất thời gian để đàm phán nhiều đến thế. Sự tăng trưởng khá đồng bộ của nền kinh tế và các bước chuyển mình về xã hội chứng tỏ định hướng kinh tế thị trường XHCN của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn. Bây giờ thì cửa đã mở rồi. Vậy mà vẫn lo, thậm chí là trăn trở khá bộn bề. Năm ngoái, bà Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt Virginia Foote nói rằng, Việt Nam phải tháo gỡ cho bằng được 271 văn bản cản trở đến tự do kinh doanh. Hà Văn Thịnh Cho đến thời điểm này, hầu như chúng ta chỉ mới hứa "chắc chắn" chứ sự thật thì vẫn đang còn nghiên cứu! Nếu "nghiên cứu" quá chắc, e rằng đến lúc bước chân vào WTO rồi, ta sẽ vướng mắc mọi đường. Nếu vừa đi vừa gỡ những gai góc, dây leo bám víu đủ bề chắc sẽ chẳng thể đi nhanh, nếu không muốn nói là lợi bất cập hại. Đây là điều phải quan tâm giải quyết một cách rõ ràng trước khi cùng con tàu WTO rời bến. Ra biển, phải bắt đầu từ bờ. 10 năm qua, kinh tế nước ta mắc vào 25 vụ kiện lớn nhỏ về các biện pháp bảo đảm công bằng trong các quan hệ thương mại. Thực tế, ta chỉ "thắng" có 6 vụ cực nhỏ! "Thắng" có nghĩa là không bị áp thêm thuế, thật ra phải nói là không thua. Tỉ lệ thất bại hơn 75% là một tỉ lệ quá lớn. Điều đó chứng tỏ rằng trong cái "sân chơi" phức tạp của nền kinh tế thế giới, ta vẫn đang còn là một cầu thủ nghiệp dư. Nghiệp dư sẽ phải chịu thua thiệt đủ bề. Làm thế nào để giải một bài toán khó? Nâng cao trình độ cạnh tranh, nâng cao hiểu biết..., là những điều rõ như ban ngày. Nhưng cũng có một thông tin làm tất cả mọi người phải giật mình: Một nước có gần 2 vạn tiến sĩ, nhưng năm 2005 chỉ có một đơn xin cấp bản quyền sáng chế gửi lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WPO)(?). Rõ ràng kích cỡ của nền kinh tế tri thức của chúng ta hiện nay nhỏ nhoi quá, bằng cấp nhiều thành ra nhiều giấy quá. Khả năng sáng tạo kém như thế làm sao nâng mình lên đúng tầm, ngang tầm? Cửa đã mở, nhưng vẫn chỉ là mở một cách dè dặt. Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) vẫn chưa được Quốc hội Hoa Kỳ xem xét. Chừng nào chưa có PNTR, chừng đó hoạt động thương mại và cả các tác động xã hội của nó vẫn làm cho sự phát triển của Việt Nam thiếu tính ổn định cao. Mặt khác, ngoài lợi thế của một số ngành như xuất khẩu gỗ và đồ gỗ, dệt may, hải sản...; các mặt hàng khác phải chuẩn bị đầy đủ về cả thế lẫn lực trước khi "cơn bão" hàng hoá tràn vào ngay sau WTO. Trong "cơn bão" đó, không thể không tính tới vị trí đáng kể của hoạt động tài chính, ngân hàng. Chẳng hạn, một khi các ngân hàng nước ngoài được quyền có 30% cổ phần thì hoạt động tài chính sẽ khác hẳn về tính chất, phạm vi, mức độ ảnh hưởng... Phải mất biết bao công sức, thời gian, quyết tâm và không thể không ít những chịu đựng, cánh cửa mới có thể mở. Nói theo cách nói của Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến thì "mây đã tan". Sau cánh cửa ấy là một ngôi nhà thênh thang nhiều hy vọng phát triển hay là một căn phòng bề bộn những trăn trở, âu lo? Đó là câu hỏi mà chúng ta không thể nhờ ai hoá giải, chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình. Nỗ lực nhưng phải sáng tạo. Tỉnh táo nhưng cũng rất cần chấp nhận những cơn đau. Cắt bỏ một định kiến, một lề thói cũ là những điều khó. Tuy nhiên, không có cánh cửa nào muốn mở được mà lại không cần có một không gian thoáng đãng, tin cậy, trong lành. Mây đã tan, nhưng bầu trời của sự cạnh tranh đã bắt đầu vần vụ. Đó là điều buộc chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận. |
▪ Co cụm khu vực (14/05/2006)
▪ Tôn vinh khác đãi ngộ (15/05/2006)
▪ Cảng Trần Đề (Sóc Trăng): Vẫn chưa là điểm hẹn của những con tàu (15/05/2006)
▪ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI: Nhân sự cấp cao sẽ trình bày cương lĩnh hành động (13/05/2006)
▪ Luật pháp cũng kêu cứu (13/05/2006)
▪ Giá vàng thế giới tiếp tục tăng (12/05/2006)
▪ Chỉ thị của Thủ tướng về phát động thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X (09/05/2006)
▪ Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua (10/05/2006)
▪ Thất học vì... thiếu trường (10/05/2006)
▪ "Chết" vì ăn theo! (11/05/2006)