Còi cọc vì học quá nhiều
Các Website khác - 03/03/2006
Kết quả điều tra mới đây của Viện dinh dưỡng và Tổng cục Thống kê cho thấy, học sinh Việt Nam đang thấp lùn hơn so với học sinh nhiều nước trên thế giới và cả những nước lân cận.
Trẻ càng lớn càng còi cọc đi và chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chưa phát triển được bao nhiêu. Hiện thanh niên nam trưởng thành chỉ mới đạt 1,62m, nữ là 1,52m.

Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta mới chỉ lo nhiều đến trẻ nhỏ mà quên rằng cuộc đời của một con người có ba đợt phát triển chiều cao: trong bụng mẹ, 1 - 5 tuổi, 9 - 11 tuổi (khi thiếu niên trở thành người lớn). Về chiều cao của lứa tuổi dậy thì thì cả các bậc phụ huynh và xã hội đều quên rằng trẻ ở lứa tuổi này đang phải học quá nhiều (chủ yếu là lý thuyết, ít thực hành), mà thiếu vận động thể lực. Được biết hiện nay mặc dù môn thể thao học đường đã có tăng cường, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Mỗi tuần học sinh chỉ được học 1 đến 2 tiết thể dục, không chỉ quá ít về thời lượng, tiết học còn chạy theo lý thuyết kỹ thuật mà quên mất mục đích tăng cường sức khỏe và phát triển thể chất cho học sinh. Biện bạch cho vấn đề này, đã có giáo viên nói rằng, mục đích đến trường là "lo cái đầu", là học văn hóa, còn thể thao chỉ là phần hỗ trợ và thuộc về trách nhiệm của các gia đình.

Điều mà nhiều bậc phụ huynh hiện đang lo lắng là con mình hay kêu mệt mỏi, ốm yếu, ăn không ngon, lúc nào cũng buồn ngủ... Tuy nhiên, phần lớn khi phải chọn lựa cho con mình con đường giữa học và ăn uống, vui chơi thì họ đều ưu tiên cho học. Nhiều người than phiền, con họ đang phải học quá nhiều. Ngoài học chính khóa, các cháu còn phải học thêm toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ. Thậm chí có cháu còn nói, vào những buổi học ngoại khóa này thầy cô thường cho "bài tủ" để làm bài kiểm tra trong giờ chính khóa hôm sau. Vì thế bằng mọi cách các cháu phải đi học thêm mặc dù trong lòng không muốn và sức khỏe quá đuối. Có gia đình lại ép con học thêm các môn năng khiếu khác như nhạc, họa. Do vậy giờ học của phần lớn học sinh lên đến 18 giờ/ngày. Một số phụ huynh phàn nàn, con họ từ khi thức giấc đến khi nhắm mắt ngủ... chẳng bao giờ dùng đến chân. Nhiều cháu ăn ngủ trên xe bố mẹ, đến trường và về nhà đều gắn chặt với bàn, ghế.

Việc đùn đẩy trách nhiệm trong phát triển thể chất cho học sinh và con em mình mà nhà trường và phụ huynh đang cố làm thời gian qua đã và đang vô tình đẩy các cháu lâm vào tình trạng ngày càng bị suy dinh dưỡng. Theo các nhà chuyên môn, học quá tải là thủ phạm thứ hai sau nguyên nhân khó khăn về kinh tế hoặc thiếu hiểu biết về dinh dưỡng làm cho học sinh ngày càng thấp còi đi. Bên cạnh thế hệ học sinh gầy còm, suy dinh dưỡng đang xuất hiện không ít học sinh phát bệnh béo phì, thừa cân. Điều này khiến cho các nhà dinh dưỡng học hoang mang vì nếu không nhanh chóng bắt tay vào các chương trình hành động nhằm cải thiện giống nòi thì không biết đến thế hệ nào chúng ta mới thoát khỏi tình trạng thấp - lùn.

Theo Theo Đại đoàn kết