Còn tranh cãi về phí dịch vụ chung cư 40 triệu đồng/năm...
Các Website khác - 07/03/2006

(VietNamNet) - Sau khi VietNamNet đăng phản hồi của Ciputra về mức phí quản lý bị cho là "quá đắt", người dân khu đô thị này tiếp tục gửi kiến nghị: "Những lời ông Trưởng phòng quản lý công sản nói là không đúng sự thật".

>> Hà Nội: Ở chung cư, nộp phí dịch vụ 40 triệu đồng/năm

Quy chế quản lý sử dụng nhà ở, chung cư cao tầng chưa có-
nguyên nhân ''khúc mắc'' về ''phí'' tại các Khu đô thị! (Ảnh: Trần Vũ)

Mỗi bên mỗi lí...

Những cư dân này cho rằng, Ciputra không nhìn nhận một thực tế là có hầu hết các hộ dân Việt Nam phản đối mức phí quản lý mà Ciputra áp đặt. Họ phân tích: tháng 8/2005, toàn khu Ciputra chỉ có khoảng 60 hộ (chủ yếu là khu biệt thự), tuy việc liên lạc không được cập nhật (vì chủ các căn hộ ở nơi khác) nhưng khi nhận được hóa đơn thu phí quản lý thì có tới 50 hộ trong số này họp bàn và kiến nghị. ''Vậy 50/60 hộ phản đối quyết định của Ciputra là việc nhỏ?''- người dân thắc mắc.

Cư dân các căn hộ cao tầng ở Ciputra cũng cho rằng, mức phí thời điểm đưa ra áp dụng cho các hộ tại G02, G03, nơi phần lớn các chủ hộ, đa số là người nước ngoài (được cơ quan chi trả phí dịch vụ nơi ở), đã đóng tiền. ''Còn 41 hộ người Việt Nam, có thể nói 100%, đều cho là phi lý. Gần 100% các hộ dân thuộc diện phải đóng tiền phản đối quyết định của Ciputra mà Ciputra lại cho là con số nhỏ?''.

Người dân ở Ciputra nêu, cả hai lần các hộ dân gửi thư kiến nghị, Ciputra đều không trả lời dân và chưa một người dân nào nhận được bất kỳ một giấy mời họp nào của Ciputra gửi.

Trong khi người dân nêu như vậy thì phía Ciputra, ông Micheal Schmitt (Trưởng phòng quản lý công sản) lại khẳng định, 40 hộ phàn nàn về mức phí là số phần trăm nhỏ, tính trên toàn bộ số cư dân của giai đoạn 1. ''Không biết sao người dân lại biết rõ như thế, họ không thể biết cả Ciputra thời điểm đó có bao nhiêu hộ sống!''

Ông Schmitt phân tích, số hộ thấp tầng (khu biệt thự) kiến nghị chỉ là 8,5% không thể đưa ra quyết định cho 100% cư dân (390 nhà thấp tầng đã được bán và bàn giao nhà). Ciputra cũng đã kiểm tra, trong 50 hộ có chữ ký kiến nghị thì ít nhất 15 hộ là chữ ký của người thuê nhà, ''người thuê thì không có quyền đưa ra quyết định thay mặt chủ nhà''.

Tuy nhiên, ý kiến của 40 hộ nói trên không phải là không có ý nghĩa đối với ban quản lý. Ông Trưởng phòng Quản lý công sản khẳng định, những phàn nàn của người dân đã được phản hồi, và Ban quản lý sẽ cân nhắc việc thu phí.

''Cái lý'' chưa gặp nhau!

Ông Trưởng phòng Công sản Ciputra cho biết, với thiện chí dành cho cư dân trong KĐT, Công ty và Ban quản lý đang cân nhắc không tiếp tục tính phí năm 2005 và trong thời gian đó cũng chưa thu phí của nhà thấp tầng vì lý do khu vực đó chưa được hoàn thiện 100%.

Ông này cũng cho biết, Ciputra vừa quyết định giảm phí gửi xe ôtô trong KĐT xuống còn 300.000 đồng/tháng.

Người dân cho rằng, ''người dân đã gửi những ý kiến của mình tới Ciputra bằng văn bản, Ciputra không phúc đáp dân bằng văn bản, một hình thức kiến nghị văn minh, thể hiện sự nghiêm túc chuyên nghiệp có tính chất pháp lý cao nhất. Chúng tôi không nghĩ Ciputra coi việc người dân ồ ạt kéo đến với đủ mọi thái độ phản ứng là nghiêm túc, chuyên nghiệp mang tính pháp lý cao hơn?''.

Phía Ciputra lại cho rằng, trong khi khách hàng (cư dân-NV) vẫn đến đây hàng ngày nêu những thắc mắc với phòng quản lý công sản để cùng xử lý thì tiếc là những hộ dân gửi đơn kiến nghị lại chưa một lần đến dù đã có thư mời.

Ông Micheal Schmitt khẳng định và cho rằng, văn phòng ở đây mở ra để phục vụ mọi cư dân; tất cả họ đều biết số điện thoại của văn phòng.

Ông này dẫn chứng, trong các thư gửi toàn cư dân, Ciputra bao giờ cũng viết ''Chúng tôi khuyến khích các thành viên cư dân đến Văn phòng Quản lý công sản tại tầng trệt nhà Câu lạc bộ nằm giữa tòa nhà G02 và G03, hoặc gọi điện trực tiếp đến số 758 2124/5/6 để có thêm thông tin nếu cư dân có yêu cầu hoặc bất kỳ câu hỏi nào dành cho chúng tôi''.

Một năm qua, những khúc mắc của ''hai bên'' chưa một lần được đặt lên bàn để cùng thảo luận.

Một điều rất đơn giản là người dân thiệt hại thì đến quản lý KĐT để thắc mắc, kiến nghị; hoặc quản lý thấy dân không đồng ý thì có thể tìm đến dân để giải quyết (đây còn là trách nhiệm của bộ phận quản lý KĐT). Tại sao hai bên không ngồi với nhau để cùng bàn, dù quyền lợi của cả hai gắn liền với nhau, và họ ở rất gần nhau?

"Không cùng ngồi bàn bạc" không chỉ xuất hiện ở Ciputra, mà còn là tình trạng chung của rất nhiều khu chung cư tại Hà Nội hiện nay. Hầu hết các cư dân và ban quản lý chung cư nơi họ ở đều trong vòng luẩn quẩn: người ở thì ''than'' thu phí không công bằng, mức phí chưa có thỏa thuận với dân; ban quản lý KĐT lại than thu phí khó khăn vì người sử dụng không muốn trả thêm kinh phí khác ngoài tiền nhà.

Trong khi đó, vẫn chưa có quy chế quản lý, sử dụng nhà ở chung cư cao tầng, nên không có cơ sở pháp lý nào để buộc các hộ phải nộp phí quản lý...

Quay trở lại việc thu phí ở KĐT Ciputra, ông Trưởng phòng Công sản Ciputra bày tỏ, với tư cách cá nhân, ông sẽ trực tiếp tới gặp những người dân có kiến nghị qua báo chí để tìm hiểu nguyện vọng của họ. "Chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện ra mình đã làm gì sai để người dân buồn phiền đến mức không đến gặp chúng tôi được'' - ông nói.

  • Trần Vũ