Xác nạn nhân thứ hai - Nguyễn Thế Thăng - được đồng đội tìm thấy |
9h sáng 11.10, sân nhà trạm xá mỏ - nơi được chọn để tiếp nhận những người tử nạn, thợ thuyền dồn về mỗi lúc một đông hơn. Không ai bảo ai, người ta đến để nhìn mặt người quá cố và nâng đỡ thân nhân của đồng nghiệp họ. Mặc dù vào lúc này, vẫn chưa có một thi hài nào được đưa lên mặt đất.
Tại Văn phòng Cty than Mông Dương, Tổng Giám đốc Đoàn Văn Kiển cùng các cộng sự của ông ngồi bất động. Họ đã thức trắng suốt đêm qua để đưa ra quyết định cứng rắn nhất: Huỷ bỏ phương thức mở nhánh lò thượng ven, đào thẳng theo tuyến lò đã sập. Dù cực kỳ nguy hiểm. Ông Kiển nói: "Chỉ có như vậy mới có thể tìm được anh em nhanh nhất và đưa họ ra sớm nhất. Dù tình thế xấu đến đâu, cũng không được phép nghĩ rằng đồng đội mình đã chết. Đó là đạo đức của nghề mỏ".
Và ngay trong đêm 10.10, tại hiện trường lò chợ số 3, vỉa K8, kíp thợ ứng cứu đầu tiên gồm 40 người thay nhau vắt kiệt sức mình. 2h, 1h rồi nửa giờ đảo kíp một lần. Cuộc tìm kiếm vô cùng phức tạp, bởi đáy đường lò chỉ chừng 2m và chiều cao 2,2m. Việc thao tác hết sức trầy trật.
Nguyên nhân sạt lò khá đơn giản: Lực lượng kiểm tra an toàn cuối ca 1 phát hiện đường lò có dấu hiệu bất bình thường, yêu cầu ngừng sản xuất ca 2 để tập trung củng cố. Thực hiện mệnh lệnh này, Phó quản đốc phụ trách ca 2 Nguyễn Thanh Triều cùng các đồng nghiệp xúc tiến ngay việc xử lý đoạn lò xung yếu. Và trong quá trình tiến hành, bất thần vách sạt, đất đá lớn ập xuống, xô đổ 14 vì chống thuỷ lực đơn, dọc suốt chiều dài 12m. 5 thợ lò đang làm việc, chỉ có 2 học sinh thực tập thoát khỏi vùng trùm lấp. Vậy là những người đã mất hoàn toàn không phải bị bất ngờ, mà là họ chủ động đương đầu với bất trắc.
Và trong cuộc đọ sức, thần chết đã xảo quyệt hơn. 3 thợ lò hy sinh, đó là Nguyễn Thanh Triều - 35 tuổi, thợ lò bậc 6/6, Phó quản đốc trực ca sản xuất; Nguyễn Thế Thăng - 23 tuổi; Đoàn Văn Toàn - 22 tuổi - hai người đều là thợ lò bậc 4/6 và chưa ai có gia đình. Một học sinh thực tập vừa thoát hiểm thuật lại: "Chúng tôi đang chỉnh vì chống, đột nhiên, anh Triều thét lên: "Văng rơi, rút nhanh!" ("văng" là thanh giằng, ép chặt giữa 2 vì lò, khoảng cách đều 0,8m. "Văng" rơi nghĩa là trần lò có dấu hiệu sụp đổ). Tôi và người bạn phụ việc đứng phía sau phóng vội ra ngoài. Nhưng anh Triều thì lại lao vào hối thúc 2 người khác đang mải việc phía trong. Và không kịp nữa".
11h30 phút, Nguyễn Thanh Triều được đưa lên mặt đất. 14h30 đến lượt Nguyễn Thế Thăng. 16h15 là Đoàn Văn Toàn. Đồng nghiệp tìm được anh sớm hơn nhưng vô cùng vất vả, vì phải huy động kích để nâng những thanh giằng thép chặn ngang cơ thể người thợ trẻ. Đơn giản là bằng mọi cách, anh em không muốn để cho thi hài anh bị tổn thương lần nữa.
Vào lúc mà trên sân trạm xá mỏ, mọi người đứng như hoá đá, thì tại cổng kiểm soát tự động, chiếc đèn hiệu báo trọng tải xe chở than ra khỏi mỏ chốc chốc lại chớp sáng, xoay tròn. Có nghĩa là thông số trọng tải đã được truyền tự động về trung tâm dữ liệu của Cty. Hôm nay, 6 lò chợ của Mông Dương vẫn đang sản xuất bình thường và 4.000 tấn than nguyên khai vẫn lặng lẽ theo xe ra cảng - một cuộc hành quân đau thương nhưng bi hùng và chỉ những người thợ mỏ hiểu mình hơn ai hết.
"Làm tất cả những gì có thể"
Chúng tôi đến thăm gia đình Phó quản đốc Nguyễn Thanh Triều. Đó là căn hộ 16m2 trên tầng 2 khu nhà tập thể mỏ, phải cúi đầu mới có thể leo lên tam cấp của căn phòng chật hẹp. Triều lấy vợ, sinh con và sống ở đây đã 10 năm. Họ được 2 con. Đứa lớn đang học lớp 5. Đứa bé chưa đầy 2 tháng. Con trai anh đẹp thiên thần, vậy mà từ đây không bao giờ còn đuợc nhìn thấy bố.
Nguyễn Thị Huyền - vợ Triều, hai mắt sưng mọng và khuôn mặt dại đi vì đau đớn. Họ đang tính sẽ mua một ngôi nhà mới, dù chỉ vài ba chục triêu đồng, để có thêm mảnh đất trồng trọt. Nhưng giờ đây tất cả đều chẳng còn nghĩa lý gì. Hơn 2 tháng nữa, Huyền sẽ phải đi làm. Cô là thợ sửa chữa đèn lò thuộc Cty than Dương Huy. Nơi làm việc cách nhà 35km cả đi - về. Triều mất rồi. Các con nhỏ của anh sẽ ra sao? Cô sẽ chèo chống ra sao?
Anh đang nằm ngoài kia. Nhưng người vợ mới sinh không đủ sức đến gặp chồng. Chốc chốc, Huyền lại ngất đi trong tay chị Hà - Phó Chủ tịch Công đoàn than Mông Dương - người phụ nữ đã thức trắng cả đêm qua vỗ về cô.
Giọng chị Hà trầm trầm: "Ngoài chế độ chung, ít nhất mỗi gia đình thợ lò bị nạn sẽ được trợ giúp không dưới 120 triệu đồng. Con em họ sẽ được quan tâm chăm sóc một cách xứng đáng. Việc chuyển cô Huyền về Mông Dương, chúng tôi đã tính đến. Đó là việc hoàn toàn có thể. Nhưng bây giờ thì mỏ phải tập trung lo cho anh Triều ấm áp xong xuôi đã. Với tất cả những gia đình thợ thuyền của Mông Dương, đều được nhận sự giúp đỡ này. Chúng tôi làm tất cả không chỉ để yên lòng người đã khuất".
Chúng tôi thay mặt Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động chuyển 3 triệu đồng cho những gia đình ba người anh em vừa mất mà không biết nói gì với chị Hà, với vợ Triều, với đứa con trai bé bỏng của anh vẫn đang o oe cười một mình trên võng.
Hầm mỏ đầy bất trắc
Dù không có sức ép gia tăng sản lượng thì đối với khu vực sản xuất hầm lò, tai nạn lao động vẫn là sự đe doạ thường trực. Vào thời điểm này, số công nhân thiệt mạng của ngành than đã lên tới 32 người. Hầu hết đều rơi vào khối sản xuất hầm lò. Trong ngạch khai thác này, "thuỷ hoả đạo tặc" đều có đủ. Mông Dương cũng vậy. Bục nước lớn đã xảy ra 2 lần, gần nhất là năm 2001. Cháy nổ cục bộ cũng từng có. Đạo tặc thì là chính là tai ương, như tai ương đang xảy ra vào những ngày này.
Là than thổ phỉ để lại vô số túi nước trên mặt tầng của mỏ. Sự thực, nguy cơ bục nước giờ đây vẫn chưa hết, thậm chí ngày càng nguy hiểm hơn. Đó là bởi ngay trên đỉnh mặt tầng phía tây mỏ Mông Dương đang quản lý - thuộc khu vực Vũ Môn - người ta vẫn cấp đất trồng rừng cho một doanh nghiệp khác theo danh nghĩa trồng rừng, nhưng thực chất là tổ chức khai thác tài nguyên bất hợp pháp. Theo tính toán, doanh nghiệp này sẽ động cuốc lộ thiên tại đây trong vòng 5 năm. Lấy đi khoảng 500.000 tấn than nguyên khai và sẽ để lại đỉnh mặt tầng một moong chứa dung tích khoảng 2.300.000m3 nước. Trong khi đó, dưới vùng mặt tầng này là một trữ lượng than hầm lò đã khảo sát: 1.625.000 tấn có thể sẽ không còn đủ điều kiện khai thác, do ảnh hưởng của tình trạng cấp đất thiếu cân nhắc hiện nay.
Chưa nói đến nước moong có thể xâm thực rộng hơn, cùng với di hại của các lò thổ phỉ trước đây sẽ biến địa tầng vùng khai thác này thành một "ngục nước" vào bất cứ lúc nào. Với 3.500 công nhân, mỗi ngày, dưới lòng đất Mông Dương ít nhất gần 1.000 thợ lò làm việc suốt 3 ca liên tục. Và đó là điều kinh hoàng nếu tai nạn lại xảy ra.
Giải thích về tình trạng mất an toàn lao động trong khu vực sản xuất hầm lò hiện nay, ông Đoàn Văn kiển nói: "Giảm thiểu tình trạng bất trắc hiện nay, chỉ đổi mới công nghệ thôi là chưa đủ. Nghề lò cũng như trận mạc. Một sự hy sinh vô cùng khó tránh".
Không hiểu khi nói điều này, vị thống lĩnh từng trải của ngành than nghĩ gì về số phận cái hầm mỏ hàng nghìn công nhân của ông đang bị đào khoét trên đầu và ngành than, liệu còn bao nhiêu bi kịch Mông Dương?
(Theo Lao Động)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Nhiều người tình nguyện tặng kỷ vật quý giá cho bảo tàng (12/10/2005)
▪ Ký hiệp ước bổ sung về hoạch định biên giới với Campuchia (12/10/2005)
▪ Hàng trăm học sinh Bình Thuận bỏ lớp (12/10/2005)
▪ Vòi tiền 'chi phí' ngay tại nơi làm việc (12/10/2005)
▪ Ngậm tăm xỉa răng bị thủng dạ dày (12/10/2005)
▪ Thăm Văn Thánh Miếu Vĩnh Long (11/10/2005)
▪ Thừa nam, thiếu nữ sẽ làm xã hội mất cân bằng (11/10/2005)
▪ Lưu thông thiếu tiền lẻ (11/10/2005)
▪ Cần có hành lang pháp lý cho ghép mô, tạng (11/10/2005)