Vinh quang con đứng bên Người...
Các Website khác - 23/08/2005
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ðể làm tốt nhiệm vụ tiêu binh nghi lễ, trong huấn luyện, chiến sĩ bảo vệ lăng phải đứng nghiêm từ hai đến bốn tiếng đồng hồ, dù kiến đốt muỗi cắn cũng coi như không. Thế nhưng có những chiến sĩ cảm thấy vô cùng vinh dự vì đã được đứng như vậy suốt 30 năm qua.
Gần 30 năm được vinh dự đứng canh giấc ngủ của Người, Ðại tá Bùi Hữu Hưng, Ðoàn trưởng Ðoàn 275 (đảm nhiệm công tác an ninh, nghi lễ và đón tiếp) hiểu rõ mỗi suy nghĩ, tình cảm, tâm trạng cùng chiều sâu tâm lý của chiến sĩ trong công tác huấn luyện và quản lý đơn vị. Hưng bảo: "Vào giai đoạn chuyển mùa, muỗi nhiều vô kể. Thời kỳ đầu chưa có thuốc chống muỗi đốt trên cổ trên mặt anh em đến mức chảy cả máu ra vai áo. Thỉnh thoảng, không cách nào khác, người đốc gác lại kín đáo đuổi muỗi cho đồng đội mình. Nếu không có một quá trình rèn luyện tốt, hẳn không thể hoàn thành nhiệm vụ". Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là những kỷ niệm không thể nào quên trong ngót 30 năm kể từ ngày anh được vinh dự nhận nhiệm vụ đứng tiêu binh bên thi hài Bác. "Thật khó mà nói lên hết được cảm xúc và tâm trạng khi ấy - Hưng kể - vừa vinh dự tự hào, vừa bồi hồi xúc động, lo lắng, chân tay run bắn, người toát mồ hôi, vì đó là lần đầu tiên được nhìn thấy Bác không phải qua tranh ảnh. Một không khí thiêng liêng bao trùm mà nhiệm vụ lại không cho phép biểu lộ những cảm xúc như vậy. Phải 15 phút sau tôi mới trấn tĩnh được. Nhưng rồi nhìn dòng người lặng lẽ, ai cũng muốn đi thật chậm qua thi hài Bác với những tiếng khóc cố kìm nén, không biết tôi đã làm thế nào để chính mình không bật ra tiếng khóc. Mỗi ca chỉ 30 phút, nhưng 30 phút ấy đối với tôi là cả một sự kiện đời người".

30 năm qua, kể từ ngày Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa, hơn 30 triệu lượt người đến viếng Bác, trong đó gần ba triệu lượt khách quốc tế. Có ngày Lăng đón tiếp hơn 31 nghìn lượt khách.


Rồi Hưng dẫn tôi đi thăm những chiến sĩ đang luyện tập dưới nắng trời gay gắt. Niềm tự hào và ý chí vượt lên là sắc thái chung trên mỗi gương mặt trẻ. Nguyễn Văn Công, quê Tiền Hải, Thái Bình, nhập ngũ năm 2003, được ra quân tháng 6-2005 nhưng do yêu cầu luyện tập tiêu binh danh dự cho lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9, đã sẵn sàng ở lại. Trần Xuân Tiến, quê thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, Hà Nam, nhập ngũ năm 2005 lại cho tôi một ấn tượng riêng: "Ðúng vào dịp đơn vị về nhận quân, mẹ em mất. Em xin phép tổ tiên chỉ dành ba hôm để chôn cất mẹ, sau đó kịp tòng quân, vì nếu chậm hơn sẽ lỡ, như vậy thì chính mẹ em và quê hương em sẽ buồn".

Tôi hiểu, được làm nhiệm vụ giữ yên giấc ngủ của Người còn là phúc phận của quê hương, dòng tộc. Càng tiếp xúc với những con người nơi đây, cảm nhận ấy trong tôi càng sáng rõ. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, chiến sĩ Ðiện Biên, cùng quê với Anh hùng Phan Ðình Giót, người bàng hoàng chứng kiến giây phút cuối cùng của Bác, cũng là giây phút trải qua một nỗi đau lớn nhất cuộc đời. Là thành viên trong tổ y tế đặc biệt, bác sĩ Châu còn nhớ như in từ số điện thoại 455 trang bị cho công trình 75A (phòng thí nghiệm đặc biệt và là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng) giúp nhận chỉ thị từ Trung ương, đến số biển xe hồng thập tự FH 1468 do anh Nguyễn Văn Hợp lái, giây phút đầu tiên chở thi hài Bác. Thời khắc đau buồn ấy, vây quanh giường Bác trong căn nhà hầm giản dị là các bác sĩ, chuyên gia và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Không ai kìm được nước mắt. Nhưng rồi sau lời nhắc của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, chúng tôi bừng tỉnh. Bác sĩ Quyền chỉ huy chúng tôi bằng ánh mắt đỏ hoe và đôi môi mím chặt. Tôi cũng kịp trấn tĩnh và cứng rắn hẳn lên, bắt tay vào việc chuẩn xác từng chi tiết nhỏ. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu từ đâu ra sức mạnh và sự mẫn cảm đến lạ kỳ đó. Có phải sự kết tinh của nỗi đau và lòng thành kính đã giúp chúng tôi phát sáng trong giây phút thiêng liêng trọng đại ấy, dù là một anh lái xe hay một nhà khoa học? Chỉ biết rằng từ bao lâu nay chúng tôi đã lặng lẽ, âm thầm vượt lên để thực hiện bằng được yêu cầu của Bộ Chính trị và Trung ương Ðảng: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người..."

Nén xúc động, bác sĩ Châu kể tiếp: "Lúc đầu, tổ y tế đặc biệt chỉ gồm các bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Lê Ngọc Mẫn và Lê Ðiều cùng các chuyên gia Liên Xô. Chúng tôi đã sát cánh bên nhau quên ngày đêm. Kỹ thuật thì Liên Xô giúp, nhưng chống nấm mốc là điều ta không thể học được gì ở bạn, vì với đặc điểm xứ lạnh, họ không chăm lo tới việc đó. Bởi vậy ngay từ đầu, vấn đề này đã được ta hết sức quan tâm. Thế rồi kỹ sư nấm mốc Doãn Huy Nghi được giao trách nhiệm làm chủ đề tài. Cùng với sự phối hợp thí nghiệm của chúng tôi, chẳng bao lâu, đề tài quan trọng ấy đã cho kết quả ngoài mong đợi: Ở môi trường nhiệt độ 15,8oC cộng-trừ 0,5; độ ẩm 70-75%, nấm mốc khó có điều kiện phát triển! Thật không sao kể xiết niềm vui của chúng tôi khi ấy...". Trong ánh mắt của người kể chuyện sáng lên một niềm tự hào không giấu giếm. Vâng, biết bao nhiêu người tài giỏi, sao chỉ có số ít được chọn cho công việc thiêng liêng ấy. Chỉ vậy thôi cũng đã đủ để mỗi chúng ta dốc hết tâm lực ra làm việc cho xứng đáng!

CÙNG tâm niệm ấy, Thiếu tá Phạm Văn Thiều, tổ trưởng tổ F6, Ðoàn 195, nơi chịu trách nhiệm về kỹ thuật nhiệt độ - môi trường, tâm sự: "Công việc thầm lặng, lại suốt ngày ở trong khu vực có độ ồn cao, bất cứ ai cũng có thể tưởng tượng ra sự đơn điệu và mệt mỏi. Nhưng chính chúng tôi lại không bao giờ có cảm giác ấy. Bước vào việc, chỉ nghĩ làm sao đạt hiệu quả tốt nhất. Có cái gì như nỗi đam mê hướng tới thiêng liêng, nên trong chúng tôi luôn thường trực sự tỉnh táo và sáng suốt nhất, sẵn sàng ứng phó các sự cố".

Vậy là, tính cả thời gian học kỹ thuật, Thiều đã có 29 năm phục vụ Bác. Giai đoạn 1990 -1991, ta phải chủ động hoàn toàn thì cũng là lúc hệ thống trang thiết bị đã xuống cấp. Vượt qua thử thách lớn, các anh đã kịp thời tạo sự ổn định, từng bước thay thế thiết bị mới và rất nhanh sau đó làm chủ hoàn toàn hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Những năm 1993-1994, một số chuyên gia Nga trở lại thăm đơn vị đều ngỡ ngàng trước thành quả công việc của ta. Theo quy định, thông số nhiệt độ-môi trường là 16oC cộng-trừ 0,5 và độ ẩm 70% cộng-trừ 5%, nhưng các anh đã phấn đấu đạt độ dung sai thấp hơn, với mức cộng-trừ 0,3 và 3%, có nghĩa độ an toàn được bảo đảm cao hơn. Các bạn Nga đã rất khâm phục và khẳng định trình độ vận hành hoàn toàn tin cậy của ta.

Biến những khó khăn thử thách thành thời cơ để vươn lên nắm bắt và làm chủ khoa học là phẩm chất truyền thống của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, đến thời điểm này ta đã làm chủ được các quy trình làm thuốc thi hài Bác. Ngày 8-3-2004, ta kết hợp với chuyên gia Nga pha chế thành công lô dung dịch đặc biệt đầu tiên tại Việt Nam. Quý I-2005, tiếp tục pha chế thành công lô dung dịch đặc biệt thứ hai. Ðây là điểm mốc quan trọng đánh dấu kết quả to lớn của giai đoạn chuyển tiếp, khẳng định từ nay ta có đủ khả năng làm chủ nhiệm vụ giữ gìn an toàn, lâu dài thi hài Bác. Quá trình ấy đã xuất hiện nhiều sáng kiến có giá trị, điển hình như đề tài nghiên cứu hợp lý hóa chế độ nhiệt ẩm trong công trình Lăng, hay đề tài chống nấm mốc... đã mang lại cho ta thế chủ động rất lớn. Ðại tá, TS. Vũ Văn Bình, Phó Tư lệnh, nguyên Viện Trưởng Viện 69 (nơi đảm nhiệm công tác y tế) cho biết: "Ðể vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, nhất là việc pha chế dung dịch, có những khoảng trống mà chúng tôi đã phải tự nghiên cứu bằng mọi cách để bù đắp. Tình cảm của các chuyên gia Nga đối với Bác rất sâu nặng. Bạn giúp chúng ta rất tận tình, có trước, có sau ngay cả vào thời điểm chính bạn cũng gặp khó khăn không nhỏ. Nhưng có những điều ta chỉ có thể dựa vào chính ta mà thôi!".

Chuyển cho tôi xem một số tài liệu, TS. Vũ Văn Bình giải thích: "Giữ gìn thi hài để chiêm ngưỡng đòi hỏi cao hơn rất nhiều giữ gìn mang tính ướp xác, vì người đến thăm viếng sẽ mang theo vi khuẩn vào trong phòng. Như vậy cần một công nghệ bảo đảm để vi khuẩn không thể xâm nhập tới khu vực thi hài. Giải quyết tốt mối quan hệ này, chúng tôi vừa phải tiếp cận sự uyên bác trong khoa học của bạn, vừa phải biết phát huy sự khéo tay, nhanh nhạy của mình. Mặc dù đến nay ta đã làm chủ được toàn bộ, nhưng đòi hỏi của khoa học là vô cùng, điều đó có nghĩa không được phép mảy may thỏa mãn. Chúng tôi vẫn tiếp tục quan hệ tốt với các chuyên gia, khiến bạn rất quý và nể trọng". Ðược biết, trong những năm qua, TS. Vũ Văn Bình là một trong những người đã viết những cuốn sách chuyên môn có giá trị đồng thời chuyển những điều hết sức phức tạp trong bể thuật ngữ khoa học kỹ thuật thành giáo trình hướng dẫn dễ hiểu và cụ thể, giúp đồng nghiệp không chỉ dễ dàng nắm chắc quy trình mà qua đó nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của công việc. Kiến thức là sự tích lũy. Khoa học là thách thức không giới hạn. Và vì vậy, học hỏi để làm chủ khoa học là con đường không có điểm dừng.

Tròn 30 năm làm nhiệm vụ giữ yên giấc ngủ của Người, Thiếu tướng, Tư lệnh trưởng, TS. Ðào Hữu Nghĩa cũng trưởng thành từ đội kỹ thuật đặc biệt. Phong cách điềm đạm, giọng nói chắc nhẹ, Thiếu tướng tâm sự: "Hiện nay ta đã đủ điều kiện và khả năng làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Vấn đề là xây dựng tiềm lực đơn vị sao cho thích ứng với tình hình mới, tiến tới làm chủ vững chắc khoa học công nghệ và nghiệp vụ". Chỉ vậy thôi, nhưng tôi đủ hình dung những đòi hỏi rất cao cùng thử thách phía trước. Tất cả để đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của Ðảng và nhân dân ta, giữ gìn lâu dài thi hài Bác cho các thế hệ mai sau. Ý nghĩa ấy thật lớn lao biết bao! Và cùng với thời gian, những hoạt động chính trị-văn hóa-xã hội diễn ra ngày một phong phú quanh Lăng Bác đã thật sự góp phần tôn bồi lý tưởng sống, không ngừng thắp lên những giá trị mới bắt nguồn từ ước nguyện học tập và làm theo Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.

LÊ MẠNH TUẤN