Đại gia ngân hàng “hất cẳng” sinh viên
Các Website khác - 28/12/2007
Tầng một ngôi nhà A17 thành văn phòng giao dịch của ngân hàng.

Giảng đường thành… phòng giao dịch ngân hàng

GS.TS Nguyễn Trọng Giảng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nhìn nhận một thực tế: với quy mô đào tạo như hiện nay, diện tích đất của trường là không đủ đáp ứng nhu cầu. Eo hẹp về mặt bằng như vậy nhưng quỹ đất của trường đang được sử dụng như thế nào?

Theo GS.TS Giảng, trường ĐH Bách Khoa có hệ thống thể thao gồm sân bóng, bể bơi, nhà thi đấu, sân tenis do Trung tâm thể thao văn hoá của trường quản lý. Những công trình này được xây dựng để phục vụ cho hoạt động của nhà trường: “Chúng tôi đã có các hợp đồng với tư nhân để họ quản lý”.

Tuy nhiên theo tìm hiểu thì đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng” vì trên thực tế, nhiều vị trí đất thuộc sự quản lý của nhà trường đang được cho thuê vô tội vạ.

Ngay tại phố Tạ Quang Bửu, khu nhà A17 (5 tầng) đang được nhà trường tích cực “xẻ thịt” khi đồng ý cho các ngân hàng mở văn phòng giao dịch, ngoài ra mặt trước ngôi nhà này cũng là nơi “đóng đô” của nhiều công ty, cửa hàng văn phòng phẩm.

Tại ngôi nhà A17, hoành tráng nhất vẫn là văn phòng giao dịch của Ngân hàng công thương Việt Nam; văn phòng giao dịch Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam; đây cũng là nơi đóng trụ sở của Công ty Cổ phần thương mại Việt Hoàng Sơn…

Theo một cán bộ của trường ĐH Bách Khoa, tại ngôi nhà A17 này, từ tầng hai trở đi được bố trí làm phòng học và các trung tâm của trường. Riêng tầng một để dành cho các ngân hàng mở văn phòng giao dịch, các công ty khác cũng như nhà sách hoạt động.

“Cái này kiểm toán cũng có ý kiến rồi, nhà trường làm như vậy là chưa ổn”, ông Giảng cho biết.

Nhà xây chưa xong, ngân hàng đã “đánh tiếng”

Cũng ngay mặt tiền đường Tạ Quang Bửu, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đang cho xây dựng ngôi nhà ba tầng kiên cố có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ đồng với mục đích biến nơi này thành trung tâm dịch vụ tổng hợp phục vụ sinh viên.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Giảng, hiện nay trường đang xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển mục đích sử dụng ngôi nhà này thành nơi kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho sinh viên. Trung tâm dịch vụ tổng hợp này gồm có nhà sách, có internet, dịch vụ ATM…

Tuy nhiên, chưa biết sự chấp thuận của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào nhưng hiện nay, ngân hàng Sacombank đã “xí phần” tầng một ngôi nhà này bằng một buổi khai trương văn phòng giao dịch hoành tráng.

Trong khi đó, ở những tầng trên, công nhân vấn hì hục sơn, vẽ, hoàn thiện những hạng mục còn dang dở của một công trình “phục vụ sinh viên”.

Trả lời Dân trí, ông Giảng cũng cho rằng, mỗi lần trường mua thiết bị về phục vụ giảng dạy là lại “đau đầu” bởi thiếu phòng ốc: “Và đứng về mặt quản lý Nhà nước, tôi thừa nhận việc làm đó là không đúng lắm”.

Trần Hưng