Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Xuân Phúc: "Đẩy mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn" Thưa Chủ tịch, xuất phát từ lợi thế nào, Quảng Nam được Chính phủ quyết định chọn là địa phương thực hiện các sự kiện Năm du lịch quốc gia 2006? Trong 2 năm trở lại đây tỉnh đã thu hút mỗi năm trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú. Nhiều dự án đầu tư du lịch đã và đang họat động có hiệu quả. Có thể nói du lịch Quảng Nam đã phát triển đúng hướng và đạt được những kết quả tốt, làm tiền đề để Chính phủ quyết định chọn Quảng Nam thực hiện các sự kiện Năm du lịch quốc gia 2006.
Có thể nói đây là cơ hội hiếm có,và Quảng Nam đã tính tóan tận dụng sự kiện này như thế nào? Đây là dịp để Quảng Nam có điều kiện tăng cường hơn công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch... xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương và biến nó thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ vào giai đoạn 2015-2020 như nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra. Qua các họat động mang tính sự kiện của năm du lịch quốc gia, Quảng Nam còn muốn giới thiệu đến bạn bè gần xa hình ảnh một vùng đất lịch sử, năng động trong xây dựng, phát triển nhưng đồng thời thể hiện được những đặc trưng, độc đáo của địa phương, gắn kết giữa truyền thống và hiện đại. Năm du lịch không chỉ là các họat động lễ hội mà còn là các sự kiện đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ... Về mặt không gian họat động sẽ được mở rộng, tiềm năng du lịch phía Tây của tỉnh sẽ được đánh thức với chương trình "Du lịch khám phá văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại". Khu kinh tế mở Chu Lai ngoài ý nghĩa là khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, dịp này sẽ được giới thiệu như một điểm đến mới đầy tiềm năng. Thể hiện các sự kiện cũng sẽ có nhiều nét mới, lễ công bố sẽ được thực hiện dưới hình thức cầu truyền hình giữa Mỹ Sơn - Hội An - Chu Lai. Chúng tôi sẽ hạn chế xây dựng các sân khấu lớn, hướng đến một không gian mở với lễ hội đường phố, lễ hội cộng đồng trong đó du khách và nhân dân vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa đồng thời là các chủ thể đích thực.
Tuy vậy, cho đến nay lượng du khách vào miền Trung còn ít so với hai đầu của cả nước. Điều đó cho thấy tiềm năng chỉ mới là yếu tố "cần"? - Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thắng cảnh được UNESCO công nhận, cả nước có 7 thì Miền Trung-Tây Nguyên đã chiếm 6; bốn khu du lịch tổng hợp quốc gia thì MT-TN đã có ba, và nhiều khu du lịch chuyên đề khác... chưa kể nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng khác tập trung tại đây; rồi bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp... thế nhưng miền Trung vẫn thiếu yếu tố "đủ", đó là tính liên kết vùng và công tác xúc tiến, quảng bá. Hiện tại các địa phương đều có quy hoạch, định hướng phát triển du lịch nhưng sự gắn kết vùng, miền hầu như chưa được tính đến hoặc nếu có thì chỉ mang tính chung chung và quan trọng hơn là thiếu sự quan tâm triển khai thực hiện những cam kết về liên kết phát triển. Tài nguyên du lịch thì nhiều nhưng đầu tư khai thác còn ít do đa số các địa phương còn nghèo, kinh tế xã hội chưa phát triển so với mặt bằng chung của cả nước do đó khả năng đầu tư cho du lịch còn rất hạn chế. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch như công tác quảng bá, xúc tiến, mặt khác cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay, bến cảng, đặc biệt các đường bay quốc tế đến với Đà Nẵng còn ít. Những yếu điểm đó cũng đang được các địa phương nhận thấy rất rõ. Vài năm gần đây, các sự kiện văn hóa, du lịch nhằm thu hút sự chú ý của du khách đã được tổ chức thường xuyên và có bài bản hơn. Ví dụ Festival Huế, Lễ hội Quảng Nam - Hành trình Di sản, Liên hoan văn hóa du lịch Đà Nẵng, Festival biển Nha Trang, Festival hoa Đà Lạt, Festival Cà phê Buôn Ma Thuột... Riêng với Quảng Nam, chúng tôi đang đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch mà nhất là xã hội hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia, có thể là cùng nhà nước làm hoặc doanh nghiệp tự làm. Những họat động văn hóa, du lịch thời gian qua cũng được thực hiện theo chủ trương này và đã thu được một số kết quả. Cách đây hơn 14 năm, ông là một trong những Giám đốc Sở đầu tiên của ngành du lịch miền Trung; bây giờ là Chủ tịch một tỉnh mà du lịch được chọn là ngành kinh tế mũi nhọn, có thể nói ông "có duyên" với du lịch. Với chừng ấy năm "trong ngành", ông suy nghĩ gì về yêu cầu phát triển của ngành trong vài năm tới? - Trong bối cảnh du lịch thế giới và khu vực phát triển mạnh mẽ và ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, du lịch Việt Nam với tiềm năng to lớn cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó. Đảng và nhà nước ta cũng đã xác định phấn đấu đẩy mạnh phát triển, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy Nhà nước đã ban hành Luật Du lịch. Hoạt động du lịch của đất nước ta trong vài năm qua tuy có những phát triển vượt bậc, nhưng để ngang tầm với khu vực và xa hơn là thế giới thì còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Kinh tế du lịch là một họat động tổng hợp, mang tính liên ngành, hội nhập mạnh với thế giới. Vì vậy có nhiều vấn đề chuyên biệt, một ngành không thể giải quyết được. Theo tôi Luật Du lịch là một trong những yếu tố thuận lợi cơ bản cho công tác quản lý và định hướng phát triển du lịch của đất nước trong thời gian tới. Xin cảm ơn ông Triệu Hùng thực hiện
|
▪ Ngày sáng tạo VN 2006: Sáng tạo vì trẻ em khó khăn (10/02/2006)
▪ Cơ quan chức năng buông lỏng (10/02/2006)
▪ Quà tặng công nghệ số ngày Valentine (10/02/2006)
▪ Vẫn chung sống với ô nhiễm chết người (10/02/2006)
▪ Nơi hồi sinh những mảnh đời lầm lỡ (10/02/2006)
▪ Sùng ngoại và thờ ơ (10/02/2006)
▪ BMW và xe đạp (11/02/2006)
▪ Thủ tướng Phan Văn Khải sắp thăm Indonesia (10/02/2006)
▪ Thanh niên xung phong sẽ đảm trách việc bảo vệ du khách (11/02/2006)
▪ Sẽ đóng cửa quán karaoke nếu hộ liền kề kiến nghị (11/02/2006)