Hỏi : Xin ông cho biết có khả năng bùng phát dịch vào tháng 12 tới như dự báo hay không?
PGS.TS Trịnh Quân Huấn: Năm 2003-2004 dịch cúm gia cầm chủ yếu xảy ra ở các nước trong khu vực châu Á, nay lan ra ở nhiều châu lục, cả châu Á, châu Mỹ, châu Âu; mầm bệnh lưu hành cao trên gia cầm và môi trường. Số quốc gia ghi nhận cúm A(H5N1) ở người và số ca bệnh ngày càng tăng. Việc kiểm soát chim di cư hết sức khó khăn làm cho mầm bệnh lây truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ châu lục này sang châu lục khác, hơn nữa đặc điểm của virus cúm, đặc biệt là cúm týp A rất dễ biến đổi, tạo cơ hội cho virus biến chủng, thích nghi với cơ thể người, từ đó lây từ người sang người và gây nên đại dịch.
Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu chủng virus H1N1, gây đại dịch năm 1918 làm gần 50 triệu người tử vong, có những gen gây bệnh giống với cúm A(H5N1) gây bệnh hiện nay. Hơn nữa bệnh cúm cũng như nhiều bệnh khác, diễn biến dịch thường theo chu kỳ, trong thế kỷ qua đã có ba đại dịch: năm 1918, 1957, 1968 và kể từ đại dịch gần đây nhất đã 37 năm, và thời gian tới đặc biệt trong mùa đông xuân, khí hậu lạnh, ẩm tạo điều kiện cho virus cúm phát triển. Do đó, dịch có thể xảy ra trong tháng này, tháng sau và cũng có thể trong năm sau. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải hành động triển khai tất cả các biện pháp không để đại dịch xảy ra.
Hỏi: Xin ông cho biết, khả năng phòng, chống dịch cúm của ngành y tế hiện nay đến đâu?
PGS.TS Trịnh Quân Huấn: Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống đại dịch trong ngành y tế, trang bị phòng xét nghiệm an toàn sinh học, trang thiết bị xét nghiệm để phát hiện sớm ngay các trường hợp mắc đầu tiên hoặc xâm nhập; trang bị các xe đặc chủng chống dịch cho các viện trong hệ y tế dự phòng, xe cứu thương cho các đơn vị điều trị, các trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế để xử lý kịp thời ổ dịch khi có tình huống, không để dịch lan rộng.
Về y tế dự phòng, đã có sự phân công cụ thể của 14 viện trong hệ y tế dự phòng cả về giám sát, xử lý môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường hệ thống giám sát trực dịch 24/24 giờ, mở đường dây nóng của Bộ Y tế, tập huấn cho cán bộ điều trị và y tế dự phòng, tổ chức diễn tập chống dịch từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh, huyện, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch.
Về hệ điều trị: Bộ Y tế phân công cụ thể các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong khu vực phụ trách:
Miền bắc: Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Miền trung: Bệnh viện Trung ương Huế.
Miền nam: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trong trường hợp dịch lan rộng, Bộ Y tế phân công thêm các bệnh viện đa khoa trung tâm của tỉnh, mỗi bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, về nhân lực trang thiết bị có thể huy động từ khoa hồi sức cấp cứu, khoa nhi để tăng cường. Mỗi bệnh viện bố trí 10-20 giường cách ly và điều trị người bệnh.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp sẽ huy động các bộ, ngành, kết hợp quân dân y để tăng cường lực lượng, bác sĩ điều trị cho các bệnh viện.
Khi dịch lan rộng, việc chi viện bên ngoài rất khó khăn, có khi bị gián đoạn. Vì vậy, làm thế nào không để đại dịch xảy ra và nếu dịch xảy ra thì mỗi địa phương, đơn vị triển khai phòng, chống có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong với phương châm ba tại chỗ "lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ". Ðiều quan trọng nhất để kiểm soát dịch là phát hiện sớm trường hợp mắc đầu tiên ở gia cầm cũng như ở người, thiết lập hệ thống giám sát tuyến cơ sở có hiệu quả; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các bộ, ngành khác, đặc biệt tuyến xã phường (chính quyền, y tế, thú y).
Cuối tháng 11, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Bộ Quốc phòng và các bộ/ngành khác tổ chức diễn tập, đưa ra tình huống cụ thể khi có đại dịch xảy ra thì xử lý như thế nào: diễn tập cả về cơ chế điều hành, thu dung điều trị người bệnh, xử lý ổ dịch, thậm chí giả định cả trường hợp mất hoàn toàn liên lạc thì phải xử lý như thế nào, từ đó rút kinh nghiệm để diễn tập ở miền nam và miền trung, dự kiến tuần đầu của tháng 12. Có thể nói, ngành y tế đã sẵn sàng chống dịch.
Hỏi: Xin ông cho biết về hiểm họa và các biện pháp phòng, chống dịch mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện?
PGS.TS Trịnh Quân Huấn: Ðại dịch cúm năm 1918 có 10% người nhiễm bệnh và tỷ lệ là 10%, thì tại Việt Nam, nếu dịch cúm lần này xảy ra, ước tính có 8,2 triệu người mắc và 820 nghìn người tử vong. Nhưng hiện nay trên thế giới ghi nhận 122 trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó 62 trường hợp tử vong; tỷ lệ chết/mắc là 50%. Nếu virus cúm này biến chủng có khả năng lây lan nhanh từ người sang người với độc lực cao thì số tử vong sẽ gấp nhiều lần so với số lượng ước tính trên.
Vì vậy, ngay từ bây giờ mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với chính quyền các cấp nhằm phát hiện ngay các trường hợp cúm ở gia cầm, ở người đầu tiên để xử lý kịp thời, triệt để không để dịch lan rộng.
Mỗi người dân phải thực hiện đúng bốn biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cho cộng đồng như: không ăn, giết mổ, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc; vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; khi có người sốt cao, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời; thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại gia cầm. Cả cộng đồng tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại phòng, chống dịch cúm A, tham gia các đợt diễn tập phòng, chống đại dịch cúm của địa phương mình.
Nếu mỗi người dân đều tham gia công tác phòng, chống dịch, có ý thức bảo vệ cho mình là bảo vệ cho cộng đồng thì sẽ giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nếu có đại dịch xảy ra.
Hỏi: Xin ông cho biết những chủ trương và hành động cụ thể bày tỏ quyết tâm đó của toàn Ðảng, toàn dân trước đại dịch này?
PGS.TS Trịnh Quân Huấn: Trước nguy cơ của dịch cúm gia cầm, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản, chỉ thị hướng dẫn toàn dân chuẩn bị sẵn sàng chống dịch:
Năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 06-02-2004 về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm và viêm phổi ở người do virus;
Ngày 15-10-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người;
Ngày 28-10-2005, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 53-CT/TW về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người.
Gần đây nhất, ngày 4-11-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký công bố Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A (H5N1) ở người.
Ngày 6-11-2005, ba Phó Thủ tướng và sáu Bộ trưởng đã trực tiếp xuống địa phương theo quyết định 1163/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên Chính phủ có nhiệm vụ chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai, thực hiện kế hoạch hành động, nhằm chấp hành, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết và kế hoạch hành động khẩn cấp của trung ương về phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người; Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 7 đến 15-11-2005.
Ðại dịch cúm sẽ không từ một ai, với diễn biến phức tạp ngày càng tăng, sự khó kiểm soát chim di cư mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác; virus biến đổi thành chủng có độc lực cao, hơn nữa cúm A(H5N1) chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu thì nguy cơ này còn lây lan cho cả thế giới. Vì vậy các quốc gia, các thành viên trong cộng đồng đều phải có trách nhiệm tham gia phòng, chống đại dịch cúm.
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân; với sự hỗ trợ tích cực của quốc tế, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và hạn chế tối đa dịch cúm gia cầm.
Xin cảm ơn ông.
|