Đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội cho mục tiêu 90-90-90
Báo Tiếng chuông - 27/07/2016
Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn quốc đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết với Liên Hợp Quốc, nhằm kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, thì vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng cũng đóng góp vai trò không nhỏ trong việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu.

Cụ thể mục tiêu 90-90-90 Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

 

Chuyển gửi bệnh nhân đến tư vấn điều trị sớm HIV ở TP.HCM - Ảnh: Thùy Chi

 

“Cầu nối” để tiến tới mục tiêu

Bà Nguyễn Như Trang, Giám đốc Trung tâm Nâng cao Chất lượng cuộc sống (Trung tâm LIFE) cho rằng, vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng tới hoàn thành mục tiêu 90-90-90 đã cam kết. Đối với mục tiêu thứ nhất, các tổ chức dựa vào cộng đồng chính là “cầu nối”, họ là những người tiếp cận trực tiếp những đối tượng nguy cơ cao, chưa lộ diện, làm sao để thuyết phục được những người đó đi xét nghiệm HIV và khẳng định tình trạng dương tính của mình. Sau đó, họ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để đạt được mục tiêu thứ 2 là 90% người được chuẩn đoán nhiễm HIV phải được điều trị ARV. Trong mục tiêu này, tính cộng đồng mang tính quan trọng, vì để chuyển gửi các đối tượng này đến các cơ sở xét nghiệm HIV, rồi điều trị phải rất thuyết phục, tư vấn tâm lý thế nào để người nhiễm đồng ý, chấp nhận, tin tưởng không e ngại bị lộ diện và bị kỳ thị.

Đối với mục tiêu thứ 3, khi người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị, thì việc làm sao tuân thủ, uống thuốc điều trị cho đúng quy trình, đầy đủ và đi khám thường xuyên cũng rất là quan trọng. Một lần nữa các nhân viên tiếp cận cộng đồng có trách nhiệm nhắc nhở thường xuyên, động viên, khuyến khích người điều trị tuân thủ, như vậy mới mang lại hiểu quả cao trong điều trị, giảm lây truyền HIV trong cộng đồng, cải thiện sức khỏe cho người nhiễm HIV.

Là đơn vị thực hiện, chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trên 2 tỉnh là TP.HCM và Bình Dương. Trung tâm LIFE đã luôn nỗ lực để giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS, nguy cơ cao nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ tư vấn, chăm sóc và phòng tránh HIV/AIDS.

“Sau khoảng 4 năm thực hiện dự án của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, cũng như là 2 năm thực hiện dự án do Chính phủ Mỹ tài trợ, Trung tâm LIFE đã kết hợp với 17 tổ chức CBOs ở TP.HCM hỗ trợ nhiều hoạt động để đóng đạt được mục tiêu 90-90-90 của TP.HCM. Chẳng hạn như, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng đã tiếp cận hơn 20.000 đối tượng nguy cơ cao như người sử dụng ma túy, nam có quan hệ đồng tính, mại dâm… để họ tham gia xét nghiệm tự nguyện HIV. Trong đó, tỷ lệ tham gia xét nghiệm chiếm đến 90% và đã tìm ra hơn 7% trường hợp dương tính với virus HIV. Điều này chứng tỏ công việc của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng làm việc rất hiệu quả. Họ tìm được đúng đối tượng có nguy cơ cao, dương tính. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã kết nối 90% những người xét nghiệm HIV dương tính tiếp cận với chương trình điều trị” bà Bà Nguyễn Như Trang cho biết.

Trong khi đó, số liệu thống kê của ngành y tế cũng cho thấy, thành quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2015 là đã có khoảng 10 triệu lượt người thuộc các đối tượng đích được truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, tăng gần 3 triệu lượt người so với cùng kỳ năm trước. Tiếp cận gần 100.000 người nghiện chích ma túy; phân phát miễn phí 15 triệu bơm kim tiêm sạch; 35.000 bao cao su cho người nghiện chích ma túy, 43.600 phụ nữ bán dâm, 13.000 nam quan hệ tình dục đồng giới và 24.000 vợ, bạn tình của người nhiễm HIV hoặc nguy cơ cao; số bao cao su bán qua các hoạt động tiếp thị xã hội đạt gần 10.000 chiếc. Thông qua hoạt động phân phát bao cao su và bơm kim tiêm, các đồng đẳng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên đã tiếp cận, tư vấn, chuyển gửi 97.000 người có hành vi, nguy cơ cao nhiễm HIV đi làm xét nghiệm.

Như vậy, không chỉ hỗ trợ cho việc đạt được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết, các tổ chức dựa vào cộng đồng cũng góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM nói riêng và công cuộc phòng, chống HIV nói chung.

Hiệu quả cao của sự phối hợp đồng bộ

BS. Tiêu Thị Thu Vân, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, trong những năm vừa qua, tài trợ có giảm dần, nhưng lượng bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại TP.HCM vẫn tăng đều mỗi năm. Số lượng bệnh nhân tuân thủ điều trị vẫn giữ được giống như trước đây. Tạm thời, đó là thành công, để hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức dựa vào cộng đồng. Họ là cầu nối để đưa nhiều đối tượng có nguy cơ cao đi làm xét nghiệm HIV, giúp những người nhiễm có cơ hội điều trị sớm thuốc kháng virus, cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng.

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sau khi làm thí điểm ở một số nơi, với liên kết dịch vụ giữa tiếp cận với các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV và xét nghiệm, điều trị của một số tổ chức dựa vào cộng đồng. Ví dụ như Trung tâm LIFE của TP.HCM, COHED ở phía Bắc và một số tổ chức khác nữa thì kết quả việc làm là rất tốt. Sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức xã hội với hệ thống y tế đã mang lại hiệu quả cao, giúp cho nhiều bệnh nhân đã dám đối diện, số phát hiện trong cộng đồng đi xét nghiệm, phát hiện bệnh và điều trị sớm HIV đã cao hơn.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh, do đó chúng ta phải sử dụng bằng nguồn kinh phí nhà nước. Theo PGS.TS Bùi Đức Dương, một trong những giải pháp để có thể giải quyết những hạn chế đó là làm thế nào để có thể huy động được nhiều nguồn lực hơn, phục vụ lâu dài cho các đối tượng đang phục vụ.

BS. Tiêu Thị Thu Vân cho hay, đối với những người làm đồng đẳng viên, trước đây họ được nhận ít tiền tài trợ để có thể trang trải phần nào của cuộc sống, coi như là thu nhập của họ. Nhưng trong thời gian tới, thu nhập này gần như là không còn, họ phải làm việc bằng sự thiện nguyện, các phụ cấp hỗ trợ là rất ít, do vậy khó khăn lớn nhất đối với họ là có thể bảo đảm kinh tế để hoạt động được. Để bảo đảm kinh tế họ sẽ tích cực tham gia nhiều hoạt động khác, không còn chỉ hoạt động riêng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Như vậy, thời gian, công sức dành riêng cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng sẽ bị giới hạn. Đây đang là thách thức rất lớn đối với đội ngũ này.

Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tuyến cơ sở, mà đặc biệt là hoạt động của các cộng tác viên, đồng đẳng viên, các tổ chức dựa vào cộng đồng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh các nguồn viện trợ cắt giảm mạnh, kinh phí hoạt động eo hẹp, nhân lực và điều kiện làm việc hạn chế, môi trường bị kỳ thị, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng họ vẫn bám trụ và luôn nhiệt huyết, đề cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, cần có sự chung tay của toàn xã hội để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao hơn, tiến tới đạt được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết với Liên Hợp Quốc.