Dự luật Công chứng 'không thể hiểu nổi'
Các Website khác - 03/04/2006

"Chúng tôi không thể hiểu nổi cách giải quyết vấn đề công chứng tư nhân trong dự luật. Tại sao hai cơ quan cùng đại diện cho quyền lực nhà nước lại cạnh tranh với nhau?", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển phản ứng gay gắt về dự thảo Luật công chứng, sáng nay.

Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra căng thẳng, ngay từ những ý kiến đầu tiên - khi cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) và cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Pháp luật) không tìm được tiếng nói chung.

Công chứng tư nhân có được sử dụng dấu quốc huy?

Theo Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu, bên cạnh những thuận lợi, phòng công chứng nhà nước đang bộc lộ nhiều hạn chế như thiếu biên chế, thiếu đầu tư kinh phí. Ngoài ra, công chứng viên là công chức nên không phải chịu trách nhiệm cá nhân trước người yêu cầu công chứng trong trường hợp gây thiệt hại. Tại nhiều nước trên thế giới cũng không có tổ chức công chứng nhà nước, công chứng viên không phải là công chức.

97% công việc tại phòng công chứng là chứng thực bản sao. Ảnh: A.T.

Từ những lý lẽ trên, ông Uông Chu Lưu cho rằng, một trong những đột phá của Luật Công chứng là việc xã hội hoá hoạt động công chứng, với quy định cho phép công chứng viên tự thành lập Văn phòng công chứng để hành nghề. Con dấu của Văn phòng công chứng cũng được sử dụng hình quốc huy như Phòng công chứng nhà nước.

"Chúng ta không nên có sự phân biệt về con dấu của công chứng viên hoạt động trong Phòng công chứng nhà nước và Văn phòng công chứng. Họ là tư nhân nhưng đại diện cho quyền lực của nhà nước", Bộ trưởng Tư pháp nêu quan điểm.

Sau khi Bộ trưởng Tư pháp dứt lời, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thế Vượng phản bác ngay: "Trong tờ trình Chính phủ đã khẳng định công chứng là thực thi quyền lực nhà nước. Nếu thực thi quyền lực nhà nước mà phân một nửa công việc cho cá nhân, tư nhân nghĩa là thế nào? Chúng tôi cho rằng ở đây có sự lẫn lộn, cần nghiên cứu thêm".

Theo ông Vượng, tiếp thu kinh nghiệm của các nước là tốt, tuy nhiên, phải xem tại Anh, Pháp... có coi công chứng là thực thi quyền lực nhà nước không. "Chúng tôi không phản đối công chứng tư nhân nhưng việc giải quyết vấn đề phải nhất quán. Nếu lấy mô hình của nước ngoài mà nói theo cách của mình thì Luật công chứng không giống Tây cũng chẳng giống Ta", ông Vượng gay gắt.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Tráng A Pao cũng tỏ ý không tán thành với quy định cho phép Văn phòng công chứng (công chứng tư nhân) được dùng con dấu có quốc huy. Theo ông, dấu quốc huy là đại diện cho quyền lực quốc gia, từ trước đến nay chưa thấy tư nhân đại diện cho quyền lực quốc gia.

Là người nổi tiếng kiệm lời, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển nhận xét ngắn gọn về cách đặt vấn đề công chứng tư nhân trong dự luật là "không thể hiểu nổi".

Luật công chứng bỏ rơi bức xúc của người dân

Trong 15 năm qua, 123 phòng công chứng nhà nước đã giải quyết gần 39 triệu công việc. Trong khối lượng công việc khổng lồ này, chỉ 3% là công chứng các hợp đồng giao dịch. 97% là công chứng bản sao giấy tờ (chứng thực). Trong khi đó, Luật công chứng chỉ đề cập đến công chứng các hợp đồng giao dịch, bỏ qua phần chứng thực - đang là bức xúc của người dân.

Đề cập tới sự bất hợp lý này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đặt câu hỏi: "Chỉ có 3% công việc là công chứng các hợp đồng giao dịch, chúng ta đưa ra vấn đề xã hội hoá, cho tư nhân tham gia. Vậy, còn 97% công việc là chứng thực bản sao đang bị ách lại, ai sẽ giải quyết?".

Tán đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển đề nghị Uỷ ban Thường vụ quyết định theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật công chứng. Theo đó, xây dựng dự thảo Luật công chứng và chứng thực điều chỉnh toàn diện các vấn đề các vấn đề công chứng và chứng thực.

Luật công chứng sẽ được đưa ra Quốc hội lấy ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2006.

Việt Anh

Ý kiến của bạn