Đường bộ cao tốc Bắc-Nam sẽ nối Ninh Bình-Thanh Hóa
Các Website khác - 26/09/2008

Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam (nhà quan tâm đầu tư) vừa báo cáo cuối kỳ đề xuất dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Ninh Bình - Thanh Hóa với Bộ GTVT và đã bước đầu thống nhất được khá nhiều vấn đề... 

Vĩnh đạo Nghi Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Ảnh tư liệu)

Hiện nay, lưu lượng xe chạy trên quốc lộ 1A rất lớn, vượt quá khả năng thông hành hiện trạng của tuyến. Tình trạng ùn tắc giao thông trên đoạn Giẽ - Ninh Bình thường xuyên xảy ra do chiều rộng mặt cắt ngang quốc lộ 1 hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu giao thông thực tế. 

Đoạn tuyến từ Giẽ tới Ninh Bình đang được đầu tư xây dựng với qui mô đường cao tốc, dự kiến hoàn thành cuối năm 2010.

Sau khi nghe nhà quan tâm đầu tư (kể trên) trình bày và cân nhắc ý kiến của các chuyên gia trong ngành, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức nhận định: "Để hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ trong khu vực, việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc nối thông từ cuối dự án Giẽ - Ninh Bình tới Thanh Hóa là hết sức cần thiết, cấp bách".

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn ngân sách, Thứ trưởng Đức cho rằng "cần huy động các nguồn vốn khác để đầu tư dự án". Mô hình và khả năng đầu tư sẽ được xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng trong cuộc làm việc này, các ý kiến đều đã thống nhất sẽ xây dựng điểm đầu tuyến đường trùng với điểm cuối đường cao tốc Giẽ - Ninh Bình, điểm cuối tuyến đường giao với đường ngang nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh (khoảng Km381), tổng chiều dài tuyến đường khoảng 121km, đi qua địa phận 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Như vậy, xuất phát từ điểm cuối dự án Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường sẽ từ đông quốc lộ 1A chuyển sang tây quốc lộ 1A, giao với quốc lộ 1A tại Nam Cầu Vó (khoảng Km271), giao với quốc lộ 12B (khoảng Km2+800), giao với tỉnh lộ 512 tại khu vực Bỉm Sơn rồi đi về phía tây khu bảo tồn rừng Sến Tam Quy, sau đó vượt sông Lèn, sông Mã đều ở hạ lưu, giao với quốc lộ 45 tại Trung Chính, giao với tỉnh lộ 508 tại Công Liêm, vượt hồ Yên Mỹ và cuối cùng kết thúc tại điểm giao nối cảng Nghi Sơn với đường Hồ Chí Minh.

Xét tới khả năng phát triển khu vực này không chỉ nhiều nhà máy xi-măng mà còn có cụm cảng Nghi Sơn là trung tâm, Bộ GTVT cho rằng tiềm năng sau năm 2025, tuyến đường nên được mở thành 8 làn xe. Trước mắt, đầu tư theo 2 phương án: 4 làn xe và 6 làn xe, vận tốc thiết kế từ 80 - 120km/h.

Đặc biệt, trên tuyến đường có thể có 2 hầm độc lập 3 làn xe. Bộ GTVT cho biết ủng hộ việc sử dụng quỹ đất dọc tuyến và dự định trong tháng 10/2008 sẽ trình Chính phủ toàn bộ dự án.

Theo Hoàng Huy