Thành phố đang có trên 700 khu dân cư với khoảng 100.000 căn nhà tạm đứng trước nguy cơ cháy cao. Theo Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy công an TP HCM, nếu tính trung bình mỗi hộ có từ 5 đến 7 người thì tính mạng của gần 1 triệu người dân thành phố đang bị "bà hỏa" đe dọa.
Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an TP HCM, cho biết, trong những điểm dân cư có nguy cơ cháy cao phải kể đến khu cư xá công nhân đường sắt, hẻm 290, đường Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3. Khu cư xá này có khoảng 300 căn nhà chạy dọc những con hẻm nhỏ chỉ vừa một chiếc xe gắn máy đi lọt. Hầu hết nhà cửa đều làm bằng vật liệu có khả năng bắt lửa cao như ván ép, bạt nhựa, gác gỗ... Ngoài ra, nơi đây còn có một số hộ gia đình làm bánh mứt, luôn phải xào nấu, nên nguy cơ cháy càng cao.
![]() |
Những con hẻm sâu và nhà tạm là nơi có nguy cơ cháy lớn. Ảnh: V.H. |
Theo bà Tư, nhà số 38 khu cư xá, từ những năm 1990, khu vực này được quy hoạch xây dựng chung cư nhưng đã hơn 15 năm qua vẫn là quy hoạch treo. Vì là khu quy hoạch nên toàn bộ nhà không được xây dựng kiên cố và hệ thống điện cũng chắp vá. "Chúng tôi luôn phải sống trong nơm nớp, lo sợ nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Nếu đã quy hoạch, giải tỏa thì nhanh chóng bố trí cho chúng tôi chỗ ở mới. Nếu không thì thông báo để cho người dân xây dựng nhà kiên cố và sửa lại mạng lưới điện cho an toàn".
Tại khu dân cư phường 10, quận 8 nguy cơ cháy lớn, cháy lan còn thường trực hơn. Hàng trăm căn nhà gỗ, lợp tôn, giấy dầu lụp xụp nằm liền nhau dọc theo rạch Ụ Cây và đường Ba Đình kéo dài hơn 1 km. Những căn nhà tạm ở đây chỉ rộng dưới 20 m2 nhưng mỗi căn đều có trên 5 người ở chen chúc. Hầu hết nhà ở đây được ngăn bằng ván ép, thùng giấy các tông, bạt nilon.
Theo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, hiện toàn thành phố còn gần 5.000 hẻm sâu và hàng chục cây cầu có tại trọng nhỏ nên xe chữa cháy không thể tiếp cận. Ngoài ra còn có hàng trăm nghìn hộ dân tận dụng mặt bằng làm nơi sản xuất và kho chứa hàng nên càng tăng thêm nguy cơ cháy trong khu dân cư. Một số khu dân cư có đường hẻm rộng nhưng bị lấn chiếm khiến xe chữa cháy chỉ có thể vào được khoảng từ nửa đêm về sáng. Ban ngày hẻm hầu như dành chỗ cho buôn bán.
Trung tá Lê Tấn Bửu, phó trưởng Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy công an TP HCM cho biết, toàn thành phố chỉ có khoảng 3.300 trụ nước chữa cháy. Theo tiêu chuẩn cách 150 m phải có một trụ thì còn thiếu trên 6.000 trụ nữa. Trung bình mỗi năm chỉ lắp thêm được khoảng 1.000 trụ. Theo ông Bửu, tiến độ lắp đặt trụ nước chữa cháy của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn như vậy là quá chậm.
Vừa qua UBND TP HCM đã có chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, khảo sát về an toàn phòng cháy chữa cháy tất cả các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lối thoát nạn, để xe máy, ô tô lấn chiếm đường giao thông, cản trở hoạt động của xe chữa cháy.
Những khu dân cư có nguy cơ cháy cao: khu dân cư Dạ Lữ Viện, phường Cầu Kho, khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1); khu Cư xá công nhân đường sắt, phường 1, quận 3; khu dân cư phường 10, quận 8; khu dân cư phường 17, quận Bình Thạnh... |
Việt Hòa
▪ Triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản tại TPHCM (03/03/2006)
▪ Tăng phụ cấp cho cán bộ y tế (06/03/2006)
▪ Doanh nghiệp làng nghề (06/03/2006)
▪ Khái niệm tài sản ngày càng mở rộng (06/03/2006)
▪ Ngăn chặn suy thoái môi trường ở Quảng Ninh (06/03/2006)
▪ Khai thác tôm hùm con, nghề "nhặt tiền" dưới biển (06/03/2006)
▪ Khó kiểm soát! (06/03/2006)
▪ Vietnam Airlines mở rộng mạng lưới bán vé ở các tỉnh thành (06/03/2006)
▪ Các doanh nghiệp lách bằng giá niêm yết và giá đón đầu (06/03/2006)
▪ Lễ hội quảng bá ẩm thực và nghề truyền thống Hà Nội (06/03/2006)