Giá mới phải "sạch"
Các Website khác - 11/09/2005

Giá mới phải "sạch"

Đình Chúc
1 - Đúng một năm trước, khi giá thép xây dựng vọt lên ngưỡng 9- 9,5 triệu đồng/tấn, một số người đã tỏ ra thông cảm: Giá phôi thép thế giới đã 400- 500 USD/tấn, giá cước vận tải, xăng dầu cũng tăng... nên việc tăng giá thép là việc cực chẳng đã, rằng chả ai muốn thế... Nhưng khi thanh, kiểm tra một số DN, tổng đại lý của ngành thép thì "sự thông cảm" này đã chuyển thành mối hoài nghi khi biết trong cơn "bĩ cực" vẫn có những công ty lãi vài chục tỉ đồng. Vậy là người tiêu dùng bắt đầu nghĩ đến một cái giá "không sạch"!

2- Vừa rồi, dư luận lại ồn ã khi biết lộ trình tăng giá điện sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2006. Không ồn ã sao được khi mặt hàng chiến lược này có liên quan đến đời sống của hơn 80 triệu dân, quyết định phần lớn giá thành của không ít ngành kinh tế trọng yếu. Chưa biết mức tăng cụ thể sẽ là bao nhiêu, song người tiêu dùng đã bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu các mức giá mới có được thiết lập trên một cơ sở chi phí thực tế minh bạch, nói một cách nôm na là giá điện mới liệu có "sạch"? Và dù không muốn, người dân cũng buộc phải liên tưởng tới cái giá thép ảo năm ngoái bởi họ không muốn "vấp hai lần ở một chỗ"!

3- Thế giới đã buộc phải chấp nhận sống chung với mặt bằng giá mới kể từ khi nguồn năng lượng cốt tử là dầu thô vượt mức 50 USD/thùng và hiện đã ở ngưỡng 70 USD/thùng, thậm chí chưa có dấu hiệu dừng lại. Người tiêu dùng VN cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo này khi thị trường trong và ngoài nước đã như một cái bình liên thông. Và không chỉ có xăng dầu, điện nước mà sắp tới là than, ximăng, nhựa, vận tải... sẽ buộc phải có một mức giá mới.

Dĩ nhiên là người tiêu dùng VN hoàn toàn chia sẻ, chỉ có điều...

4- Giá mới phải là giá "sạch". Với những mặt hàng tiêu dùng thông thường, giá cả hoàn toàn do thị trường tự do điều tiết. Giá ấy là giá "sạch" bởi nó không bao hàm ý muốn chủ quan (thậm chí cả những tiêu cực phí) của nhà sản xuất. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng chiến lược - lâu nay vốn được sinh ra từ độc quyền nhà nước (như xăng dầu, điện, nước, viễn thông...) - lại không hẳn như vậy. Thực tế đã minh chứng, khu vực DN nhà nước hàng năm được đầu tư vốn rất lớn, nhưng hiệu quả thấp. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có những yếu kém trong quản lý, điều hành, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, chưa nói đến những thất thoát, tham nhũng... Bởi vậy, giá thành các sản phẩm thường rất cao. Nguy hại hơn, khi các ngành này còn độc quyền hoàn toàn hoặc độc quyền chi phối (tỉ trọng lớn) đã không tạo ra môi trường cạnh tranh. Kết quả là người tiêu dùng vẫn phải xài các sản phẩm với giá không "sạch".

5- Bởi vậy, để có một cái giá "sạch", các nhà sản xuất phải làm "sạch" các quá trình từ sản xuất đến kinh doanh, công khai, minh bạch các yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm. Còn về lâu dài vẫn là phải phá bỏ độc quyền, lúc đó dù các "ông lớn" có muốn tạo ra một cái giá "không sạch" cũng sẽ bị các đối thủ cho đo ván!