![]() |
Không ít trẻ em ở Mộc Châu phải bỏ học, mưu sinh bằng cách hái đào, mận bán cho khách du lịch |
Tuổi thơ không được đến trường
Được anh Nguyễn Văn Hoàn, người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi vào thăm bản Ôn và tiểu khu Pa-khen 1, thuộc thị trấn Nông trường. Nơi đây chủ yếu là người Thái và Mông sinh sống.
Anh Hoàn kể: "Người Kinh biết học lấy cái chữ, biết ra phố buôn bán còn người Thái, Mông khổ lắm. Nhiều đứa trẻ không được đến trường. Con trai 13-15 tuổi đã phải đi kiếm vợ, mà vợ thường hơn chồng 5-6 tuổi. Thực chất họ lấy vợ về là để có người làm trong nhà và sinh đẻ con cái thôi".
Anh Hoàn cho biết, nhiều phụ nữ đến tầm 30 tuổi đã có 4, 5 đứa con là chuyện hết sức bình thường. Lên 6, 7 tuổi, bọn trẻ đã phải theo mẹ ra nương, rẫy để hái đào, trẩy mận, trồng chè, đứa lớn còn phải địu một đứa nhỏ sau lưng.
Vào đến bản Ôn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một chú bé đang thoăn thoắt trèo từ cành này sang cành khác trên cây mận. Cậu bé dân tộc Thái tên Vi Văn Dương đã 10 tuổi, nhưng chỉ nhỏ như một cậu bé 5 tuổi.
Sau mấy cái kẹo làm quà ra mắt, Dương vui vẻ tiếp chuyện và đi theo đoàn chúng tôi. Tôi hỏi Dương có được đến trường, có biết chữ gì không nhưng đều nhận được cái lắc đầu kèm theo vẻ khó hiểu của cậu bé.
Dương đã 3 năm theo bố mẹ đi hái mận, hái đào. Thỉnh thoảng, Dương cùng người anh họ tên Vi Văn Lam, 12 tuổi được khách nhờ dẫn đường đi thăm Ngũ động bản Ôn. Dẫn xong, khách có thể cho hai anh em Dương 20, 30 nghìn đồng, hoặc túi kẹo, túi bánh... Cậu bé Lam cũng chỉ học hết lớp 4 rồi phải bỏ học giữa chừng vì nhà quá khó khăn, đông anh em.
Không chỉ nghèo khó, tập tục lạc hậu mà đồng bào ở đây còn bị cơn lốc ma túy đe dọa. Trong số 370 hộ dân ở Pa-Khen 1 thì có đến hơn 80% là đồng bào Mông. Ở tiểu khu Pa-Khen 1, có nhiều nóc nhà sàn đơn sơ, nghèo khó với những đứa trẻ bơ vơ không được đến trường. Trường hợp của hai cậu bé Hầu A Sáng (13 tuổi) và Hầu A Mua (7 tuổi) thật đáng thương. Bố của Sáng và Mua là Hầu A Vàng đã phải chấp hành án tù năm 2014 vì tội buôn bán và tàng trữ ma túy. Vàng đi tù được một thời gian thì vợ cũng bỏ nhà sang Trung Quốc làm ăn rồi biệt tích. Cậu bé Hầu A Sáng phải bỏ học lớp 4 giữa chừng. Còn cậu em Mua, thậm chí chưa từng biết đến trường mẫu giáo, tiểu học bao giờ. Ngôi nhà sàn xiêu vẹo của gia đình Sáng, Mua giờ tang hoang. Hiện cả hai anh em phải ở nhờ nhà bác.
Ở Pa-Khen 1 có nhiều đứa trẻ, do bố mẹ đều vướng vào vòng lao lý cho nên phải đi ở nhờ nhà họ hàng giống anh em Sáng - Mua. Tiêu biểu như 3 chị em Mùa Thị Sá, Mùa Thị Si, Mùa A Sế. Cả bố mẹ của 3 chị em Sá, Si, Sế đều đang thụ án ở Trại giam 06, Nghệ An với tội danh buôn bán ma túy. Hiện, mấy chị em phải sang ở nhờ nhà anh họ. Những lúc anh họ chán ghét, mấy chị em lại lũ lượt kéo nhau sang nhà bác họ sống vạ vật, biết ngày nào hay ngày ấy. Sống nhờ nhà họ hàng, những đứa trẻ không may mắn này cơm còn chẳng đủ ăn, quần áo không có mặc, không được đi học.
Cùng với các thôn, bản ở xã Loóng Sập thì Tiểu khu Pa-Khen 1 là nơi bị cơn lốc ma túy hoành hành ác liệt nhất. Trưởng Công an thị trấn Nông Trường Đào Xuân Tư cho biết, riêng ở đây, hiện có hơn 60 đối tượng vướng vào ma túy đang đi cải tạo hoặc bị phát lệnh truy nã. Hệ lụy của khó khăn kinh tế và ma túy tàn phá dẫn đến khu Bản Ôn và Tiểu khu Pa-Khen 1 (thị trấn Nông Trường) hiện có hơn 30 đứa trẻ không được làm giấy khai sinh để đi học. Dù chính quyền địa phương đã vào từng nhà vận động, tuyên truyền, nhưng có trường hợp đến 16, 17 tuổi mới làm giấy khai sinh.
Anh Lương Văn Linh, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo Mộc Châu cho biết: "Do suy nghĩ của nhiều bà con người Thái, Mông bao đời nay là "đói cơm thì mới chết, còn đói chữ thì không thể chết được", hơn nữa các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông, cho nên việc tiếp thu chương trình học gặp rất nhiều khó khăn".
Những tập tục lạc hậu như: Tảo hôn, trọng nam khinh nữ, đẻ dầy, rồi cái nghèo, cái đói và cơn lốc ma túy đã làm cho những đứa trẻ như Dương, Lam, Sáng, Mua, Sá, Si... và bao đứa trẻ khác không được đến trường hoặc phải bỏ học giữa chừng.
Những cảnh đời buồn
Những cặp vợ chồng phải thụ án vì buôn ma túy, những đứa trẻ thất học..., Mộc Châu tưởng chỉ buồn đến thế. Nhưng ngày ngày trên các ngả đường, thôn, bản ở đây còn có những kiếp người bỏ đi. Vì cơn lốc ma túy, vì thói quen uống rượu thay cơm, vì lời đồn thổi bùa ngải... mà bao chàng trai Mông bị hủy hoại cuộc đời.
Thật đau lòng khi nhìn thấy những đối tượng nghiện ma túy, ngày ngày lang thang trên những con đường ở thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông Trường. Bà Lò Thị Son, 67 tuổi, bán rau cải mèo bên đường ở thị trấn Mộc Châu ngậm ngùi cho biết: "Tôi đã sống ở Mộc Châu hơn 60 năm rồi, những ngày trước làm gì có nhiều người điên như thế? Nhưng vài năm trở lại đây, những kẻ điên dở này xuất hiện ngoài đường ngày một nhiều. Tất cả cũng tại con ma rượu và thuốc phiện làm khổ họ thôi, các cậu à!"
Bà cho biết thêm, trước đây họ đều là những chàng trai Mông khỏe mạnh, hiền lành. Nhưng nhiều người Mông còn trọng nam khinh nữ, đàn ông thường chỉ ở nhà uống rượu, ăn chơi, cứ thế hết ngày này qua ngày khác họ say sưa trong men rượu có người vướng cả vào thuốc phiện. Nghiện thuốc phiện, nghiện rượu đã biến nhiều chàng trai Mông, Thái thành con bệnh, điên loạn. Họ lang thang đầu đường, xó chợ rồi dần dần chẳng biết đường về nhà nữa.
Ông Nguyễn Văn Kha, cán bộ chuyên khoa sức khỏe tâm thần của Trung tâm Y tế Mộc Châu cho chúng tôi biết, Mộc Châu hiện có 177 trường hợp tâm thần, nghiện hút lang thang, trong đó 80 trường hợp là động kinh, 42 trường hợp tâm thần phân liệt. Ông Kha khẳng định, hiện nay, trung tâm không còn thuốc để điều trị và cung cấp cho người bệnh, phải chờ tỉnh chuyển xuống.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông Trường Mộc Châu Ngô Minh Phóng cho biết, một số em dân tộc Thái, Mông ở khu Ngũ Động, bản Ôn đưa khách đi tham quan lấy tiền và bỏ học cũng có, nhưng chính quyền sở tại chưa nắm được số lượng vì đây là việc làm tự phát. Tới đây, thị trấn sẽ thống kê lại toàn bộ tình trạng trẻ em bỏ học, không được đi học để có hướng giải quyết, hỗ trợ các em.
Khi rời khỏi chốn được mệnh danh là thiên đường du lịch này, nỗi buồn da diết cùng với những mong ước vẫn đọng lại trong chúng tôi. Những đứa trẻ dân tộc cần được đến trường. Nạn ma túy, rượu chè và những hủ tục phải được dẹp bỏ để các chàng trai, cô gái Mông, Thái có cuộc đời tươi sáng hơn. Chỉ khi ấy, người dân Mộc Châu mới thật sự có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc.
▪ Đồng Tháp thực hiện tốt phòng, chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm (03/05/2017)
▪ ‘Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em’ (28/04/2017)
▪ Hiệp 'ma' đi bắt 'ma' (27/04/2017)
▪ Nhiều phụ nữ từng bị chồng tấn công tình dục (26/04/2017)
▪ TP.HCM: Gắn camera, tuần tra 'chợ' tiêm chích (24/04/2017)
▪ Để người dân chủ động bàn bạc giải quyết vấn đề cai nghiện (18/04/2017)
▪ Công tác cai nghiện gặp ‘khó’ về thể chế (18/04/2017)
▪ Phận người sau các hầm vàng thổ phỉ (14/04/2017)
▪ Nữ trinh sát vùng cao (12/04/2017)
▪ Những phận đời đớn đau vì ma túy (12/04/2017)