Hà Nội phòng cúm gia cầm phải quyết liệt hơn
Các Website khác - 30/10/2005
Kiểm dịch thú y tại chợ Hôm, Hà Nội.
Hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ gia cầm trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây vẫn ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. ưv Công tác tuyên truyền về đại dịch này triển khai chưa đủ tầm, vì vậy nhiều người vẫn có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức đúng mức độ về sự nguy hiểm của dịch.

Kiểm dịch gia cầm: "Thò voi bắn súng hóp"

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định việc quán triệt và thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện tốt nhiệm vụ này. UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra đại dịch cúm gia cầm và quy định về phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố để lấy ý kiến đóng góp của các ngành chức năng. Mặc dù đã có những văn bản này, nhưng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố chưa được chú trọng, nhiều ngành chức năng vẫn thờ ơ; coi việc phòng, chống dịch bệnh này là việc riêng của ngành thú y và y tế.Các hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm trên địa bàn vì thế vẫn bị buông lỏng, nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo số liệu của Chi cục Thú y Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố tiêu thụ khoảng 50-60 tấn gia cầm; trong đó, khoảng 70% từ các tỉnh đưa vào. Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hiện nay, chi cục chỉ có hai trạm kiểm dịch động vật là trạm kiểm dịch Dốc Lã (Gia Lâm) và Ngọc Hồi để kiểm soát việc vận chuyển gia cầm vào thành phố. Theo các cán bộ của hai trạm kiểm dịch này, số gia cầm được kiểm dịch chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với toàn bộ số gia cầm được đưa vào nội thành. Nguyên nhân là do cán bộ thú y của mỗi trạm ít, địa bàn quá rộng. Trạm kiểm dịch động vật Ngọc Hồi có bốn cán bộ, chia ba ca làm việc. Ca thứ nhất từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ca thứ hai từ 12 giờ trưa đến 20 giờ, kiểm soát gia cầm được vận chuyển vào Hà Nội trên tuyến quốc lộ 1A. Còn ca thứ ba, từ 20 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau, kiểm soát ở tuyến quốc lộ 1B Pháp Vân-Cầu Giẽ. Như vậy, các xe chở gia cầm không bị kiểm soát khi đi qua tuyến đường 1A vào ban đêm, và tuyến 1B vào ban ngày.

Mặt khác, cán bộ thú y không có quyền dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm soát, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào sự phối hợp của cán bộ thú y với lực lượng cảnh sát giao thông. Nếu không có sự giúp đỡ của cảnh sát giao thông thì cán bộ thú y chỉ đứng nhìn xe vận chuyển gia cầm mà thôi! Hơn nữa, họ không được trang bị công cụ hiện đại , mà chỉ kiểm tra bằng trực giác.

Kinh doanh, giết mổ gia cầm tràn lan

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại Hà Nội) Hồ Quốc Khánh, trong số 134 chợ đang hoạt động trên địa bàn thành phố, chỉ có ba chợ Long Biên, Hôm-Đức Viên, Mơ là có khu giết mổ gia cầm tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại chợ Long Biên, đầu mối cung cấp gia cầm và các sản phẩm gia cầm lớn nhất ở Hà Nội, cán bộ của Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, hiện nay, chợ có 58 hộ kinh doanh gia cầm và khoảng 50 người kinh doanh không cố định. Trước thời điểm có dịch cúm gia cầm, mỗi ngày các hộ này tiêu thụ khoảng 4-5 tấn gia cầm các loại, trong đó 60% được giết mổ ngay tại chợ. Thời điểm hiện nay, lượng tiêu thụ gia cầm tại chợ đã giảm sút một phần, chỉ còn khoảng 2 tấn/ngày. Khu vực kinh doanh và giết mổ gia cầm tại chợ Long Biên được ngăn lại thành một khu riêng, chỉ để một lối ra vào duy nhất. Tại đây, có đặt một chốt kiểm dịch gia cầm.

Chị Đỗ Thị Thêu, cán bộ thú y quận Ba Đình, đang làm nhiệm vụ tại đây, cho biết: Chốt kiểm dịch này mới đưa vào hoạt động từ ngày 24-10 vừa qua, chốt có ba cán bộ làm việc ba ca, từ 3 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Nhiệm vụ của các chị là kiểm tra gia cầm đưa vào chợ có khỏe mạnh không. Gia cầm sau khi giết mổ tại khu giết mổ gia cầm tập trung trong chợ được cán bộ thú y kiểm tra. Nếu không có bệnh tật gì sẽ được cán bộ thú y đóng dấu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặc dù quy trình kiểm dịch trước và sau khi giết mổ gia cầm tại chợ như thế, nhưng những gì diễn ra tại khu chợ đầu mối này thì không tránh khỏi lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch. Tại khu vực bán gia cầm sống, gà, vịt, ngan, ngỗng bày ngay trên mặt đất, sàn chợ, người mua nếu có nhu cầu giết mổ gia cầm sẽ được cắt tiết, vặt lông ngay tại quầy bán hàng. Nước thải, lông gia cầm đổ tràn ra đường đi, nồng nặc mùi hôi. Gia cầm sau khi được cắt tiết, vặt lông được đưa vào khu giết mổ tập trung, rộng khoảng 600 m2, có tường bao chung quanh, gọi là "khép kín". Chúng tôi thấy hàng trăm người đang cắm cúi mổ gia cầm trong những chậu nước lớn. Nước thải cuốn theo lông, lòng, mề... đổ lênh láng trên nền nhà. Sau khi mổ xong thì đưa gia cầm đến các bàn kiểm dịch để cán bộ thú y kiểm tra. Việc kiểm dịch cũng chỉ làm qua loa, chiếu lệ. Kiểm dịch mười con gà sau khi mổ chỉ làm trong khoảng một phút. Những người làm ở đây cho biết, cuối ngày, toàn bộ số lông gia cầm sẽ được bán lại cho các đại lý thu mua ở làng Triều Khúc (Thanh Trì).

Nhớ lại đợt cúm đầu năm 2004, người dân Hà Nội lo lắng, sợ hãi đến mức tẩy chay tất cả các món ăn dính đến gia cầm, thủy cầm, thì lần này, nhiều người lại chủ quan. Anh Quế, chủ nhà hàng Hương Liên ở phố Tô Ngọc Vân, cho biết, khách hàng nào đến đây cũng gọi hai món tủ của nhà hàng là gà nướng tẩm mật ong và lẩu gà. Doanh thu của nhà hàng khá ổn định, mỗi ngày vẫn bán được hơn 100 con gà. Hàng phở gà số 42 phố Quán Thánh vẫn tấp nập như thường, nhiều khách hàng yêu cầu bà chủ cho bát đặc biệt với một bộ lòng, mề kèm theo hai quả trứng chần. Chị Hoa, chủ cửa hàng, còn tuyên bố: "Hàng phở nhà chị bảo đảm "bảo hành" cho khách hàng...".

Cần những biện pháp mạnh

Đánh giá về nguy cơ dịch cúm gia cầm xảy ra, Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh bày tỏ sự lo lắng: "Hà Nội chưa có những biện pháp mạnh, kiên quyết, đúng tầm trước những yêu cầu cấp bách trong công tác quản lý vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia cầm".

Ngay bây giờ, Hà Nội cần quản lý chặt chẽ việc buôn bán gia cầm nhỏ lẻ, quy hoạch lại các chợ đầu mối, chuyển các khu buôn bán gia cầm sống ra xa khu dân cư; xây dựng các điểm giết mổ gia cầm bảo đảm vệ sinh thú y. Sản phẩm gia cầm phải được bao gói, có chứng nhận của cơ quan thú y trước khi đưa ra thị trường. Ngành chức năng đã trình UBND thành phố Hà Nội dự thảo Quy định về phòng, chống dịch cúm gia cầm nhưng cho đến nay văn bản ấy vẫn chưa được phê duyệt.

Còn đối với ngành thú y Hà Nội, Chi cục trưởng Trần Mạnh Giang cho biết: Việc kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn thành phố nếu chỉ giao cho ngành thú y thì khó hiệu quả. Công tác này cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành chức năng như thương mại, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông..., và nhất là sự tham gia của các cấp chính quyền. UBND thành phố Hà Nội cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, ban ngành và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch cúm gia cầm để nhân dân hiểu biết và tự giác phòng ngừa. Điều quan trọng, là sự nhận thức về mức độ nguy hiểm nếu xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của các cấp chính quyền, các tổ chức, ban ngành trên địa bàn, từ đó có những biện pháp quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện phòng, chống.


Hải Phương - Kiều Hương