Hai mẹ con chết vì thịt cóc
Các Website khác - 10/01/2006

(VietNamNet) - Khoảng 10h30 sáng, chị Lê Thị Nhường (vợ anh Đông) đem số cóc mà cả gia đình đi bắt tối hôm trước ra để làm thịt. Khi bữa cơm chưa xong thì các con rồi đến mẹ lần lượt nôn mửa, mặt xanh và lịm dần.

Soạn: AM 673267 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bán rong cậu ông trời. Ảnh: Nguyên Vũ

Dù chuyện đau lòng của gia đình anh Nguyễn Đăng Đông (làng Đấn, xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã hơn một tuần trôi qua. Và dù năm mới vừa đến chẳng nên nhắc chuyện buồn, nhưng khi nhìn sáu con người còm nhom buồn đau đến chực đổ gục xuống, cùng bận một màu áo tang trắng; rồi khi nghe được vùng quê này thịt cóc đang là món ăn hàng ngày trong mỗi gia đình… đã thôi thúc chúng tôi viết bài này những mong là tiếng chuông cảnh báo về “cái bẫy” chết người luôn nằm trong miếng thịt cóc thơm ngon bổ dưỡng ấy...

Hai cái chết trong một mâm cơm

Sau mấy hôm liền làng Đấn mưa dầm, sáng ngày 31/12/2005 trời bỗng hửng nắng. Anh Nguyễn Đăng Đông cùng hai đứa con lớn sang xã Nghĩa Minh (Nghĩa Đàn) cách nhà độ 10 km để chặt mía thuê.

Như thường lệ, đến khoảng 10h30 sáng, chị Lê Thị Nhường (vợ anh Đông) đem số cóc mà cả gia đình đi bắt tối hôm trước ra để làm thịt. “Tối qua các cháu bắt được nhiều, tui cố gắng làm cho hết mà ăn luôn…” - Anh Nguyễn Đăng Phương (em trai anh Đông) kể lại lời chị Nhường đã nói như vậy khi anh Phương sang nhà.

Bữa cơm trưa được dọn ra, bốn mẹ con chị tíu tít bên mâm cơm thơm nức mùi thịt cóc và gắp ăn tới tấp. Khi bữa cơm chưa xong thì các con rồi đến mẹ lần lượt nôn mửa, mặt xanh và lịm dần. Hàng xóm phát hiện được rồi chạy qua cùng hô hoán mọi người đưa cả bốn nạn nhân đi cấp cứu ở bệnh viện Nghĩa Đàn.

Nhận được điện thoại, từ Nghĩa Minh bố con anh Đông chạy xuống đến bệnh viện và không tin nổi mắt mình khi phải chứng kiến đứa con trai trút hơi thở cuối cùng, một tiếng rưỡi sau người vợ thân yêu cũng lìa đời. Hai người con còn lại thì phải cấp cứu tích cực trong thời gian lâu sau mới qua khỏi nguy kịch.

Soạn: AM 673265 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nỗi đau mất người thân.

Bác Lê Văn Điều là người hàng xóm vẫn chưa vơi nỗi buồn, kể lại: “Một đám tang mà có hai quan tài, hai người sức khỏe nguy kịch, con nheo nhóc khóc than… Tui thổi kèn đưa tiễn họ về nơi chín suối mà nước mắt cứ chảy dài. Không biết rồi các cháu sẽ sống ra răng khi thiếu mẹ”.

Khuôn mặt ngây thơ, đẹp hiện rõ trên di anh cháu Nguyễn Đăng Giang (15 tuổi) đặt cạnh tấm ảnh người phụ nữ khắc khổ của 6 đứa con thơ. Cũng có khuôn mặt thật đẹp như người anh không còn sống, Nam (13 tuổi) và Đàn (11 tuổi) lê bước chân vô hồn sau buổi tan học về nhà. Dù rất may mắn thoát chết trong trận ngộ độc hôm đó nhưng trước nỗi mất mát lớn như thế làm tâm hồn ngây thơ của chúng bị biến mất, không màng ăn uống, không khóc cũng chẳng nói câu nào.

“Thuốc độc” từ món thực phẩm chính

Nghĩa Lâm là một trong những xã miền núi vùng sâu khu vực tây bắc huyện miền núi  Nghĩa Đàn (Nghệ An).Nằm trong một thung lũng bán sơn địa với những xóm làng nằm sát bên những cánh đồng. Ở đây khí hậu quanh năm lôn ẩm ướt, với đặc thù về môi trường, đất đai là điều kiện lý tưởng cho cóc sinh sôi và phát triển và đã cung cấp cho bà con vùng này món thực phẩm dồi dào.

Riêng ở làng Đấn, theo bác Điều và những người dân chúng tôi gặp cho biết thì có trên 90% số hộ thường xuyên ăn thịt cóc. Xa chợ, không phải lúc nào thực phẩm cũng sẵn và nhất là điều kiện kinh tế nghèo như nơi đây thì thịt cóc đã cứu cánh cho họ về khoản thực phẩm thường ngày, nhất là “giúp các cháu không bị gầy yếu, đứa nào cũng khỏe mạnh, da thịt đỏ tươi...”.

Tại đây kỹ thuật và những kinh nghiệm bắt  và làm thịt cũng như chế biến coc làm thức ăn đã rất quen và gần như thành truyền thống của người dân nơi đây ,từ trước đến nay duy nhất cũng chỉ xảy ra vụ ngộ độc dẫn đến cái chết của hai mẹ con chị Nhường mà thôi - Anh Đông nói.

Cũng theo anh Đông thì nguyên nhân của vụ ngộ độc ấy là do trong lúc làm thịt cóc, vợ anh đã không rửa sạch hết trứng, mà trứng cóc thì cực kỳ độc. Sau cái chết của hai mẹ con chị Nhường, cuộc sống gia đình anh Đông vốn đã khó khăn càng thêm túng quẫn.

Từng là bộ đội chiến đấu trên nước bạn Lào từ năm 1979, đến 1983 thì phục viên. Hiện những cơn đau dạ dày và căn bệnh trĩ hoành hành làm anh ốm yếu luôn. Cả gia đình được 4,5 sào ruộng với 1, 2 tấn lúa thu hoạch mỗi năm. Cuộc sống chật vật anh phải đi làm thuê, các con đứa đến lớp 6, lớp 9 đành bỏ học để làm lụng hoặc không đủ lực học. “Duy được đứa con trai học khá nhất, là niềm hy vọng khấp khởi thì đã ra đi vĩnh viễn”.

Trong túp nhà hai gian vách bằng nan nứa vẹo xiêu, gió thổi vào từng cơn làm cho chiếc bàn thờ bé xíu chênh vênh trên vách thêm buồn lạnh. Mong sao nỗi mất mát này đổi được sự nhận thức đúng đắn của bà con khi sử dụng thịt cóc. Và hơn thế nữa là sự tuyên truyền nhắc nhở của chính quyền và cơ quan y tế địa phương, đặc biệt là sự quan tâm đối với gia đình anh Đông để giúp họ vơi bớt nỗi đau, ổn định cuộc sống.

  • Bài và ảnh: Đào Nguyên Thuận - Lê Bá Liễu

Thịt cóc - nguồn dinh dưỡng tử thần

Là nguồn thịt có độ đạm cao, cóc được sử dụng tương đối rộng rãi trong dân gian để chữa chứng còi xương cho trẻ hoặc giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Sẽ không có gì đáng nói nếu như cóc không mang theo một lượng chất độc kinh người, đủ quật ngã 4-5 người khỏe mạnh. Vậy làm thế nào để tận dụng được nguồn dinh dưỡng từ thịt cóc mà vẫn không bị ngộ độc?

Soạn: AM 218573 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS

Đằng sau lớp da sần sùi đầy chất độc là cả một nguồn dinh dưỡng lớn.

Cóc là một trong những loài động vật thuộc lớp ếch nhái (Amphibia), bộ Anura, họ Bufonidae. Ở loài cóc, các tuyến trên da bài tiết ra chất nhầy màu trắng, dính keo, dân gian còn gọi là "nhựa cóc" - đây là hỗn hợp độc tố có khả năng gây ảo giác, nghẽn mạch và tăng huyết áp. Ngoài ra, một số loài cóc còn chứa cả độc tố tetrodotoxin (độc tố có ở cá nóc) thông qua cơ chế cộng sinh với một số vi khuẩn.

Ở người, hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Tuy nhiên, khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng... có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng; nhưng chỉ khi chất nhầy này được hấp thụ qua đường tiêu hóa thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.

Triệu chứng thường xảy ra sau khi ăn khoảng 1 giờ hoặc sớm hơn nếu nạn nhân có uống rượu, bia, bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân; tiếp theo là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp. Sau đó, có thể xuất hiện các triệu chứng giống như bệnh suy tim: loạn nhịp tim, co thắt cơ tim... và cuối cùng dẫn tới tử vong trong vòng vài giờ.

Trên thế giới đã có một vài ghi nhận về trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc ở Trung Quốc, Mỹ... Ở Việt Nam cũng hiếm gặp các trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc, do hầu hết dân chúng đều biết rằng cóc có chất độc và cũng ít người dám mạo hiểm đánh đổi sinh mạng của mình lấy một bữa ăn thịt cóc lạ miệng, giàu đạm như dân chúng vẫn thường quan niệm. Ở nước ta, chưa có tài liệu khoa học hiện đại nào công bố về công dụng chữa bệnh của thịt cóc hoặc tính giàu đạm, bổ dưỡng của chúng.

Một số tài liệu Đông y có đề cập đến thịt cóc là nguồn dinh dưỡng rất giàu đạm, là một trong những bài thuốc chữa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đứng ở góc độ khoa học, nếu sản phẩm chế biến từ thịt cóc lưu hành trên thị trường có giấy chứng nhận của Bộ Y tế, nó sẽ được công nhận là sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ngược lại, nếu thịt cóc hoặc bột cóc được chế biến từ một cơ sở nào đó chưa có giấy phép kinh doanh mặt hàng này, hoặc người tiêu dùng tự chế biến đều bị coi là sản phẩm không đáng tin cậy, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Điều đáng nói ở đây là phần lớn đối tượng sử dụng thịt cóc hay bột cóc là trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng hoặc người bệnh suy nhược, cần bồi bổ sức khỏe. Và chắc chắn là ở những đối tượng này, sức chống chọi với chất độc của cóc sẽ kém hơn nhiều so với người khỏe mạnh, trong khi chất độc của một con cóc có thể đủ để giết chết 4 - 5 người khỏe mạnh.