60 năm mà như mới hôm qua...
Phải 55 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng giấy Yên Thái, ngày 25-1-2001, tại UBND phường mới có một cuộc họp về sự kiện này với gần 20 nhân chứng.
Các nhân chứng kể, hơn 9 giờ sáng hôm ấy, các điểm bầu cử đã vãn người do nhân dân đi bầu từ sớm, Bác Hồ tới làng Yên Thái. Đầu tiên Bác tới xóm Vạc. Sau đó Bác mới qua cổng chính vào thăm làng. Lúc đó dân làng mới biết và có tiếng reo: "Bác Hồ đến, Bác Hồ đến!". Mọi người đổ ra đón Bác rất đông... Nhiều cháu bé chạy theo vô ý giẫm lên giấy phơi bên đường làng. Bác nhẹ nhàng nhắc nhở các cháu.
Tại Cầu Kho (nơi đặt hòm phiếu), tổ bầu cử mời Bác vào thăm, Bác trả lời: "Tôi là người ứng cử nên tôi không được vào nơi đặt hòm bỏ phiếu". Sau đó Bác vào một số xưởng, hỏi thăm về nghề giấy và dặn mọi người: "Bây giờ cách mạng thành công rồi, phải vận động nhân dân làm cho tốt hơn, nhiều hơn để đời sống đỡ khổ. Chúng ta cố gắng sản xuất để đời sống khác hơn".
Chuyến thăm ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khắc sâu vào trí nhớ người làng. Cứ đến ngày 6-1, dân làng lại tập trung kỷ niệm ngày Bác về thăm làng, nhắc nhở mọi người cùng con cháu sống sao cho xứng đáng với vinh dự mà làng có được.
Ông cán bộ di tích và bảy năm đi tìm ảnh Bác
Nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái. | Ông Quang Luân, nguyên Trưởng phòng quản lý di tích Bác Hồ (Bảo tàng Hà Nội), là người làng Yên Thái. Ngày Bác về làng, ông nhỏ xíu nên chỉ biết chuyện này khi được người lớn kể lại.
Năm 1995, được phân công làm Trưởng phòng quản lý di tích Bác Hồ của Bảo tàng Hà Nội, ông đã có ý định đi tìm một bức ảnh ghi lại các sự kiện đặc biệt ấy. Ông Luân đã hỏi nhiều người làng nhưng họ đều nói là không biết hồi ấy có chụp ảnh không, có người khẳng định là không chụp. Nhưng ông Luân lại có lập luận của riêng mình. Ông cho rằng một chuyến đi quan trọng như thế của Bác thế nào cũng có người chụp ảnh. Và ông quyết tâm đi tìm.
Ông đến Bảo tàng Cách mạng, Cục lưu trữ quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện tư liệu phim... Kết quả là không thấy nhưng ông vẫn hy vọng. Cuối cùng vận may cũng đến.
Năm 2002, trong một lần đến kho ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, ông Luân chợt thấy một bức ảnh có chú thích: "Bác Hồ về thăm làng nghề làm giấy truyền thống Bưởi sau khi đi bầu cử Quốc hội" ghi ngày chụp là 6-1-1946. Ông Luân không tin vào mắt mình. Phải một hồi lâu ông mới định thần. Nhìn kỹ bức ảnh, thấy một người trong đó giống ông Bảy Tổng người hàng xóm với đặc điểm nổi bật là chiếc mũi to, ông mới dám tin đấy là bức ảnh mà ông đang tìm. Mừng hơn bắt được vàng, ông mang bức ảnh về hỏi người làng và nhiều người nhận chính họ hoặc người làng.
Thế là sau bảy năm tìm kiếm ông đã đạt mục đích. Chuyện nhanh chóng lan đi khắp làng và ông Luân có ý định tặng phiên bản bức ảnh đặc biệt ấy cho các cụm dân cư 5, 6, 7, 8 (thuộc đất làng Yên Thái xưa). Các cán bộ cụm đều ghi nhận song đề xuất hãy phóng to bức ảnh này để treo vào nơi trang trọng trong đình, khi được xây xong.
Ngôi đình xã hội hóa 100%
Cổng Giếng vào làng Yên Thái. | Lúc ấy đình An Thái đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa tám năm nhưng vẫn còn dang dở, chỉ có hậu cung và trung đình. Việc tìm thấy tấm ảnh Bác Hồ về làng càng thôi thúc mọi người cùng góp công sức để đình sớm hoàn thành.
Trải qua năm tháng, đình An Thái gắn với sự tích ông Dậu, bà Dầu, người đã hy sinh tính mạng giúp vua Lý trấn yên phía Tây kinh thành chữa bệnh đau mắt, bị xuống cấp trầm trọng kể cả khi được công nhận là Di tích. Những người tâm huyết tìm cách trùng tu. Họ từng bước xây lại từng hạng mục từ sự đóng góp của dân làng, khách thập phương.
Đầu năm 2005, Ban quản lý di tích đẩy mạnh việc hoàn thiện công trình đặc biệt là xây dựng đại đình khi có hơn 270 triệu đồng là tiền công đức. Xây đại đình xong người làng thấy đẹp quá thì mừng ra mặt nhưng cũng có người thắc mắc đình còn thiếu hạng mục này, hạng mục kia.
Được Ban quản lý di tích giải thích là hết tiền thế là người làng lại vận động con cháu, họ hàng đang làm ăn ở những địa phương khác, ở nước ngoài đóng góp để hoàn chỉnh ngôi đình. Người nơi khác biết chuyện cũng tự nguyện đóng góp. Có người góp tiền, có người góp của như cửa võng, đỉnh, lư hương, câu đối, hoành phi... Các khâu thiết kế, xây dựng, quản lý công trình đều do người làng lo hết, không ai lấy thù lao. Cứ thiếu tiền đến đâu dân góp tiền đến đấy, dần dần những hạng mục khác như tả hữu mạc, phương đình, tam quan, sân... cũng được hoàn thành. Ai góp tiền xây đình đều được đưa vào danh sách treo ở các cụm. Ước tính, tổng số tiền, hiện vật mà nhân dân đóng góp để xây đình An Thái lên tới gần 2 tỷ đồng.
Đầu năm nay ngôi đình được hoàn thiện cơ bản, tấm ảnh Bác Hồ về thăm làng Yên Thái 60 năm trước được treo trang trọng ở Phương đình. Thế là ước nguyện của người làng Yên Thái đã thành hiện thực.
|