Mang thế giới về nhà
Các Website khác - 09/01/2006
Đặng Tất Dũng trong một hội nghị
với các sinh viên Hàn Quốc.
Hôm nay, 9-1, Đặng Tất Dũng - du học sinh Việt Nam tại Trường  Transnational Laws and Business University, Hàn Quốc - sẽ có mặt tại Đại học Syracuse, London để tham dự “Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ toàn cầu”. Được biết, Tất Dũng là sinh viên Việt Nam duy nhất dự hội nghị này.
Đặng Tất Dũng có cuộc trả lời phỏng vấn trước khi sang London.

* Dũng có thể cho biết chủ đề của hội nghị lần này?

- “Bringing the world home” (Mang thế giới về nhà), đó là chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh. Như một thông điệp mang thế giới đến với từng đơn vị hoạt động của bạn bằng sự kết nối toàn cầu về con người và chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hoạt động quốc tế. Các vấn đề nghị sự sẽ là AIDS, khủng bố, hợp tác xuyên Đại Tây Dương..., và trao đổi các kỹ năng hoạt động thanh niên.

* Hãy nói một chút về quá trình trở thành "đại diện cho lãnh đạo trẻ Việt Nam" tham dự hội nghị của mình?

Đặng Tất Dũng sinh năm 1979 tại TP Hồ Chí Minh. Cử nhân luật, giảng viên khoa luật hành chính - ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Đang học cao học luật theo chương trình học bổng toàn phần tại Transnational Law and Business University - Hàn Quốc.


- Trong lúc tìm hiểu về hội nghị G8, tôi tình cờ biết được sáu tháng sau khi hội nghị G8 kết thúc tại Scotland, “Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo trẻ toàn cầu” sẽ được tổ chức tại London nhằm tạo điều kiện để các sinh viên quốc tế gặp gỡ, trao đổi với nhau những vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế và thanh niên.

Thông tin được công bố công khai và SV cả thế giới sẽ nộp hồ sơ để cạnh tranh trực tiếp. Tôi chủ động liên lạc với ban tổ chức hội nghị và gửi hồ sơ ứng cử. Hồ sơ gồm một bản tóm tắt về kinh nghiệm hoạt động thanh niên của bản thân, một lá thư tự ứng cử theo dạng “tại sao bạn nghĩ mình xứng đáng được chọn” và một bài luận ngắn về một ý tưởng xung quanh hội nghị.

Thật ra, tự lượng sức mình, lúc gửi hồ sơ tôi đã nghĩ rằng khoảng 70% hồ sơ của mình sẽ được chấp nhận. Nếu không tự tin về một cơ hội lớn, tôi đã không làm vì sẽ mất nhiều thời gian.

Theo email của ông trưởng ban tổ chức thông báo, tôi là SV Việt Nam duy nhất được chọn đến hội nghị lần này tại London, dù tôi không phải là... SV Việt Nam duy nhất gửi hồ sơ ứng cử.

* Bản thân Dũng đang là một du học sinh, hình như ý tưởng “kết nối du học sinh Việt Nam trên toàn cầu” thời gian gần đây bắt đầu được các cộng đồng du học sinh chú ý. Có bao giờ bạn quan tâm đến ý tưởng này? Nếu có, bạn đã làm được gì cụ thể ở Hàn Quốc?

- Tại Hàn Quốc hiện nay du học sinh đã có một diễn đàn online để tập hợp nhau lại. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã có sự quan tâm sâu hơn đến công tác tập hợp thanh niên. Riêng tôi thì vẫn mới chỉ là “đầu mối” cho các hoạt động của SV Việt Nam tại trường và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, qua trao đổi với ban chủ nhiệm CLB du học sinh, tôi nghĩ rằng mình sẽ có những đóng góp thiết thực hơn khi quay về Việt Nam.

“Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo trẻ toàn cầu” (The young global leaders summit) tổ chức tại London vào 9-1-2006 dành cho các SV và các nhà chuyên môn trẻ với mong muốn đóng góp xây dựng một thế giới mới. SV đến với hội nghị sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi ý kiến với những nhóm lãnh đạo trẻ khác nhau từ nhiều quốc gia.

Cách thức chọn đại biểu: thông tin được công bố công khai trên mạng, các SV trên thế giới sẽ tự ứng cử, ban tổ chức sẽ lựa chọn trên hồ sơ trực tiếp để mời chọn đại biểu tham dự.

Đại biểu được lựa chọn hoàn toàn thông qua cạnh tranh.


* Trở lại với hội nghị thượng đỉnh của ngày hôm nay, tham luận của bạn nghe có vẻ như một câu khẩu hiệu: “Lãnh đạo trong sinh viên không phải là một nghề mà là một khát vọng hoàn thiện bản thân”. Còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống thực tiễn của giới trẻ Việt Nam đương đại, sao Dũng không chọn?

- Theo hướng dẫn của ban tổ chức hội nghị, tôi có viết một bài luận ngắn với chủ đề trên. Trong đó là những bài học, những kinh nghiệm, niềm vui và sự trăn trở rất bình thường của tôi khi đến với các hoạt động thanh niên, đặc biệt là hoạt động tình nguyện. Từ đó rút ra kết luận rằng hãy tự hỏi chính mình, nếu bạn là SV và muốn làm thủ lĩnh thanh niên chẳng qua là vì muốn “làm quan” hoặc xem nó nặng nề như một nghề nghiệp thì chưa đúng rồi. Hãy xem đó là một cơ hội và quá trình rèn luyện, hoàn thiện chính bản thân mình.

Đến với hội nghị lần này, tôi không có ý định phải cố gắng biến mọi điều mình nói, mình nghĩ trở thành những “vấn đề nóng bỏng nhất” hay “lên gân” cùng bạn bè. Những gì tôi mang đến sẽ là những thông tin mới nhất về Việt Nam (kinh tế, xã hội, hoạt động thanh niên...) để cùng bạn bè các nước chia sẻ với nhau một cách chân thành; để hiểu nhau và yêu mến đất nước của nhau hơn, mở ra những cơ hội hợp tác lâu dài.

Tôi sẽ lồng ghép các thông tin này trong các bài trao đổi của mình tại các diễn đàn và đồng thời, với kiến thức nền cùng sự chuẩn bị của mình, tôi sẽ thẳng thắn thể hiện quan điểm đối với các vấn đề quốc tế.

Một diễn đàn rất thú vị ở hội nghị này mà tôi rất quan tâm đó là trao đổi về kinh nghiệm tổ chức hoạt động thanh niên. Tôi sẽ chia sẻ với bạn bè về chiến dịch Mùa hè xanh của mình bởi cho tới hiện nay, đó là một hoạt động tình nguyện lớn nhất của SV Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ