Theo ông Huấn, chính vì thế để phòng, chống có hiệu quả, chúng ta cần phòng, chống cúm gia cầm có hiệu quả; hạn chế thấp nhất khả năng lây truyền virus H5N1 từ gia cầm sang người. Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mọi người dân thực hiện tốt bốn biện pháp phòng, chống cúm. Trong đó, phải thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên tẩy uế các chuồng, trại nuôi gia cầm để tiêu hủy mầm bệnh.
Đó là thông tin đưa ra tại buổi giao ban Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống SARS và cúm A H5N1 ngày 9-11.
Về trường hợp chết do cúm A (H5N1) cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, bệnh nhân Bùi Thanh Hải (nam) 35 tuổi, trú tại 112 C tổ 95, Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, Ðống Ða (Hà Nội); khởi bệnh ngày 23-10 với triệu chứng sốt đột ngột, rét run, ho khạc đờm mầu hồng kèm khó thở, nhập viện ngày 24-10 và chết ngày 29-10 (người bệnh có tiền sử suy thận mạn tính). Ngày 28-10 được lấy mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và đến ngày 2-11 có kết quả (+) với cúm A H5N1. Về tiền sử dịch tễ học: Trước ngày khởi bệnh bốn ngày, gia đình người bệnh, gồm mười người ăn lẩu gà; gần nhà người bệnh (200 m) có chợ cóc bán gà, vịt. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã điều tra 132 trường hợp tiếp xúc (tại gia đình, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Bạch Mai); lấy 19 mẫu nhầy họng, 29 mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm; giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc 21 ngày; điều trị dự phòng Tamiflu cho 13 trường hợp; xử lý bằng chloramin B 2% cho toàn bộ nhà người bệnh và 20 hộ chung quanh; xử lý môi trường tại Khoa Nội A1 và Khoa Hồi sức (Bệnh viện Giao thông vận tải); phun tiêu độc tại bốn chợ trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa. Ðến ngày 9-11, tất cả những người được theo dõi đều bình thường.
Sở Y tế Hải Phòng, chiều 9-11, cho biết, người bệnh Vũ Vạn Nhật, 43 tuổi ở thôn Vân Khê, xã An Thọ, huyện An Lão (TP Hải Phòng), tử vong ngày 2-11 đã được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chính thức kết luận do nhiễm cúm A/H3N0. Trước đó, anh Nhật trên đường từ Vũng Tàu về Hải Phòng thì lên cơn sốt, chân tay bủn rủn, khó thở. Ngay sau đó, anh được gia đình đưa vào bệnh viện trong tình trạng ho, sốt, khó thở, trụy mạch. Các bác sĩ Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng) chẩn đoán có dấu hiệu nhiễm virus cúm A/H5N1, đến 16 giờ ngày 2-11, người bệnh tử vong. Bệnh viện Việt - Tiệp đã gửi mẫu bệnh phẩm lên Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy, người bệnh chết do nhiễm cúm tuýp A/H3N0, một loại cúm cũng do lây nhiễm từ gia cầm. Ðược biết, người bệnh trong thời gian ở Vũng Tàu có ăn thịt gia cầm. Lãnh đạo ngành y tế Hải Phòng khẳng định, cho đến nay trên địa bàn thành phố chưa phát hiện một trường hợp nào nhiễm virus cúm H5N1.
|