"Đã 10 ngày nay chúng tôi phải ngừng thi công cầu phía quận Bình Thạnh, vì không có chỗ để đưa máy móc bơm bê tông ra giữa sông đổ cọc trụ", kỹ sư Ngô Quang Vinh, Trưởng Ban điều hành cầu Thủ Thiêm (TP HCM), Tổng Công ty Xây dựng số 1, than thở.
Kỹ sư Vinh cho VnExpress biết, theo kế hoạch thì ngày 24/9, phía quận Bình Thạnh phải bàn giao 100% mặt bằng cho Ban điều hành cầu Thủ Thiêm, nhưng đến nay việc này vẫn chưa hoàn thành. "Để đảm bảo tiến độ, chúng tôi phải mượn mặt bằng của Xí nghiệp Ba Son để đưa máy móc vào thi công 30 cọc của trụ T12. Tuy nhiên từ ngày 29/10, phía Ba Son ngưng không cho mượn mặt bằng, chúng tôi buộc phải dừng thi công cầu", ông Vinh nói.
![]() |
Những căn nhà đang "cố thủ" ở mặt bằng dự án cầu Thủ Thiêm. Ảnh: Việt Hùng |
Ông Trần Minh Thơ, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh cho biết, để thi công cầu Thủ Thiêm bờ phía quận Bình Thạnh, thành phố phải di dời, giải toả 264 hộ dân. Đến cuối tháng 8, quận đã hoàn thành việc di dời hơn 180 hộ và 5 cơ quan đóng trên địa bàn. Kể từ đó đến nay, đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng công việc di dời vẫn chưa hoàn tất. "Hiện nay khu vực này còn 42 hộ dân thuộc diện lấn chiếm đang "cố thủ" không chấp nhận giải toả để bàn giao mặt bằng", ông Thơ phân trần.
"Chúng tôi bị thành phố "liệt" vào dạng lấn chiếm, chứ chúng tôi không hề lấn chiếm đất công", chị Đinh Thị Ngọc Nga chủ nhà số 14D1, tổ 17, phường 22, một trong 42 hộ nói trên, khẳng định. Chị Nga nói, có đủ chứng cứ cho thấy căn nhà rộng hơn 36 m2 này là do vợ chồng chị mua lại hợp lệ vào năm 1990. Nhưng hiện nay quận không công nhận và xếp nhà chị vào diện lấn chiếm nên chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng tiền di dời chứ không hề được đền bù đồng nào.
"Đành rằng UBND TP đồng ý cho chúng tôi mua nhà tái định cư tại chung cư An Sương, nhưng giá thấp nhất cho căn hộ 50 m2 tận trên lầu 5 mà đã là 231 triệu đồng thì chúng tôi lấy đâu ra tiền để mua", chị Nga than thở.
Ông Đặng Văn Xíu, thành viên Ban Thanh tra nhân dân phường 22 cho biết, ông là một trong những người đầu tiên về sống ở khu vực này. Phần đất mà 42 hộ dân đang sống nằm giữa xưởng Ba Son và đất của Cục đường sông. Những năm 80, đây là đất hoang hoá, cỏ lau mọc đầy không thể đi vào được. Nhiều hộ dân đã đến đây trồng rau, chăn nuôi và dần dần làm nhà ở. Trong 42 hộ này, nhiều hộ mua lại nhà của những người trước. "Đây không phải là đất lấn chiếm nên chúng tôi đề nghị thành phố đền bù cho họ để có tiền mua nhà mới để ở", ông Xíu nói. Đại tá Hoàng Ngọc Bá, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường 22 mong muốn: "Thành phố nên quyết định nhanh và đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhanh ngày nào người dân sớm ổn định cuộc sống ngày đó".
Trong việc xác định chính xác 42 hộ dân này lấn chiếm hay không lấn chiếm đang có 2 quan điểm khác nhau giữa UBND TP HCM và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong buổi hợp mới đây giữa 2 cơ quan này, ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý UBND TP cần xem xét kỹ nguồn gốc đất. “Nếu các hộ đã ở ổn định trước ngày 15/10/1993 và trong quá trình ở không có tranh chấp, không bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng văn bản về việc lấn chiếm đất hoặc xây dựng trái phép… thì rất khó “khép” họ vào diện lấn chiếm”, ông Võ nói. Cũng theo ông Võ, đến thời điểm này, thành phố cần làm rõ nguồn gốc đất và trách nhiệm của đơn vị quản lý đất, Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, để cùng tìm ra phương án giải quyết theo hướng có lợi cho dân và đúng luật đất đai.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu nhanh trên tinh thần lắng nghe ý kiến của nhân dân, đúng luật Đất đai và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Đua cũng yêu cầu các thành viên trong hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng phải lắng nghe ý kiến khách quan của cả các cơ quan có trách nhiệm cũng như của người dân về vấn đề này. “Thường trực UBND TP sẽ tiếp tục xem xét một cách cụ thể và minh bạch để kết luận các hộ nào thuộc diện lấn chiếm, hộ nào thực sự không lấn chiếm và có phương án xử lý. Quan điểm của UBND TP là sẽ giải quyết theo hướng có lợi cho dân”, ông Đua khẳng định.
Trong khi chờ thành phố giải toả và bàn giao toàn bộ mặt bằng, ngày ngày Ban điều hành dự án Thủ Thiêm đang nhờ UBND và các đoàn thể phường 22 "cho phép" đưa máy móc vào để bơm bê tông ra sông tiếp tục thi công cầu. Trao đổi với VnExpress lúc 17h chiều 9/11, ông Vinh cho biết: "Ban Giám sát cộng đồng phường 22 hẹn chúng tôi có thể đến tối ngày 11/11 mới có thể họp dân và đàm phán xem có thể đưa máy móc được không. Như vậy ít nhất là 3 ngày nữa cầu Thủ Thiêm vẫn phải ngưng thi công".
Việt Hùng
Theo dòng sự kiện: |
Ngày 25/4 khởi công cầu Thủ Thiêm (16/03) |
Giải phóng mặt bằng cầu Thủ Thiêm chậm tiến độ (29/07/2004) |
Nhiều công trình giao thông ở TP HCM chậm tiến độ (09/07/2004) |
Cầu Thủ Thiêm chỉ có thể xong vào cuối năm 2005 (20/05/2004) |
Kiến nghị một số giải pháp đẩy nhanh dự án cầu Thủ Thiêm (13/05/2004) |
Xem tiếp» |
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Làng Triều Khúc đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm (09/11/2005)
▪ Danh thắng Yên Tử (09/11/2005)
▪ Dốc toàn lực phòng, chống đại dịch cúm gia cầm (09/11/2005)
▪ Bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động, tại sao không? (09/11/2005)
▪ Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (09/11/2005)
▪ Ðồng chí Xuân Thủy, một cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và sôi động (09/11/2005)
▪ Nhà sư có nhiều đóng góp cho đời (09/11/2005)
▪ Người Mỹ tôn vinh danh nhân Việt (10/11/2005)
▪ Nữ hoạ sĩ Dương Thuý Liễu sẽ có một triển lãm tranh từ 11 - 15.11 tại Bảo tàng Dân tộc học VN (09/11/2005)