Hàng lậu ùn ùn vào TP.HCM
Các Website khác - 17/01/2006

(VietNamNet) - Trong 2 ngày (13 và 14/1), Công an TP.HCM bắt quả tang 3 vụ vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn vào thành phố. Nhưng trên thực tế, nhiều chuyến hàng lậu khác đã vượt qua các trạm kiểm soát, ùn ùn tuồn vào TP.HCM, làm lũng đoạn thị trường hàng tiêu dùng Tết Bính Tuất.

Hàng trăm chai rượu ngoại, thuốc lá, điện thoại đời mới và hàng điện gia dụng lậu được vận chuyển trên 3 xe buýt từ Campuchia về TP.HCM bị bắt hôm 14/1.

Mỗi năm, đến thời điểm trước Tết cổ truyền khoảng 1 tháng, hàng lậu bắt đầu tuồn vào TP.HCM dữ dội hơn các thời điểm khác trong năm do nhu cầu tiêu dùng ở thị trường thời điểm này tăng rất cao. Theo đó, các "đầu nậu" dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe, thi nhau đưa hàng lậu vào TP.HCM tiêu thụ, bất kể ngày hay đêm.

Dùng xe buýt chở hàng lậu

Khác với mọi năm, hàng lậu được chuyển về thành phố chủ yếu bằng các xe tải chở hàng, hoặc theo ghe, thuyền bằng đường sông; năm nay, "đầu nậu" dùng cả xe buýt, xe chở khách để tuồn hàng vào, tránh được "tai mắt" của lực lượng quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế (gọi tắt của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ).

Qua 3 vụ buôn lậu bị bắt vào 2 ngày 13 và 14/1 cho thấy, hiện nay, "xu hướng" lợi dụng xe buýt, xe khách để vận chuyển hàng lậu đã trở nên phổ biến. Việc sử dụng thủ đoạn này của các "đầu nậu" trong thời gian qua đã tỏ ra khá hiệu quả, bằng chứng cho thấy, trước khi bị bắt, những chiếc xe này đã vận chuyển trót lọt hàng chục chuyến hàng lậu.

Như trong vụ vận chuyển thuốc lá lậu của Đỗ Ngọc Vạn (SN 1967, quê Long An), bị phát hiện hôm 13/1. Qua lời khai ban đầu của các đối tượng trong đường dây cho thấy, Vạn mua 2 xe ôtô loại 50 chỗ ngồi, mang biển kiểm soát 53N 5325 và 53N 3623, nhưng nhờ người khác đứng tên.

Sau đó, Vạn đưa 2 xe ôtô của mình tham gia vào Hợp tác vận tải hành khách và du lịch Việt Thắng, làm xe buýt chuyên chở công nhân theo tuyến từ Đức Huệ, Long An lên khu công nghiệp Pouchen, quận Bình Tân, TP.HCM và ngược lại.

Chiếc ôtô 50 chỗ được Vạn mua về làm xe buýt, nhưng thực chất dùng để vận chuyển hàng lậu đi tiêu thụ.

Chiếc xe buýt vận chuyển hàng lậu bị tạm giữ tại trụ sở Công an.

Nhưng trên thực tế, việc đưa đón công nhân chỉ là "nghề tay trái" của Vạn. Công việc chủ yếu của 2 chiếc xe buýt mang biển kiểm soát 53N 5325 và 53N 3623 là chuyên chở hàng lậu, trong đó chủ yếu là thuốc lá ngoại.

Để ngụy trang cho những chuyến hàng lậu của mình, Vạn cho thiết kế những ngăn bí mật ngay trong hầm chứ hành lý và dưới gầm xe. Và để tránh thông tin bị "rò rỉ" ra ngoài, tất cả các đối tượng tham gia đường dây buôn lậu của Vạn đều là người nhà thân tín nhất của mình. Chính vì vậy, đường dây của Vạn hoạt động trong thời gia khá lâu nhưng mãi đến ngày 13/1, Cảnh sát kinh tế mới phát hiện được.

Tiếp đó, vào chiều 14/1, Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM phát hiện thêm vụ vận chuyển hàng lậu bằng xe buýt tương tự hôm 13/1. Nhưng trắng trợn hơn đường dây của Vạn, "đầu nậu" đã sử dụng 3 xe buýt mang biển số 53N-4200, 53N-4202, 53N-4203 thuộc Công ty Xe khách Sài Gòn, vận chuyển hàng lậu thẳng từ Campuchia về Việt Nam, không thông qua trung chuyển và hàng hóa trên xe không ngụy trang kín đáo như Vạn.

Cảnh sát kinh tế đã phát hiện hàng trăm chai rượu ngoại các loại, điện thoại di động đời mới và một số mặt hàng gia dụng cao cấp khác được vận chuyển trên 3 chiếc xe buýt này.

Không chỉ sử dụng xe buýt, xe khách cũng được huy động vào "mùa buôn lậu" này. Chính vì tiền công để vận chuyển hàng lậu cao hơn việc vận chuyển hành khách, nên không ít tài xế, chủ xe đã chấp nhận biến xe mình thành phương tiện vận chuyển hàng lậu cho các "đầu nậu".

Trong ngăn chứa đồ của xe buýt, Vạn cho làm thêm những ngăn bí mật bên trong để cất giấu hàng lậu.

Thuốc lá lậu, một phần tang vật thu được trong đường dây vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu của Đỗ Ngọc Vạn.

Cũng trong ngày 13/1, Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM phối hợp cùng lực lượng quản lý thị trường bóc thêm một đường dây vận chuyển rượu, thuốc lá lậu từ Mộc Hóa vào TP.HCM, khi đang di chuyển qua Trạm thu phí An Lạc. Sau khi chặn chiếc xe khách nghi vấn mang biển số 53N 3038 do Huỳnh Thanh Phương điều khiển, lực lượng quản lý thị trường và Cảnh sát kinh tế khá vất vả để phát hiện nơi cất giấu hàng lậu.

Qua đấu tranh nhanh với tài xế Phương, cơ quan chức năng mới phát hịên ngăn chứa hàng lậu được "ém" khá cẩn thận trên trần xe. Đối tượng buôn lậu đã dùng tấm thép, hàn chặt vào trần xe để làm ngăn chứa hàng lậu. Cảnh sát kinh tế phải dùng đến mỏ hàn, máy cắt mới có thể phá bung ngăn bí mật này và phát hịên trên 100 chai rượu ngoại cùng hàng trăm cây thuốc lá lậu.

Gây thiệt hại kinh tế cho người sản xuất và người tiêu dùng

Tình trạng hàng lậu ùn vào một thị trường lớn như TP.HCM đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho các nhà kinh doanh chân chính và nguồn thu ngân sách từ thuế bị thất thoát. Đặc biệt, nếu không tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời, sẽ làm cho thị trường tiêu dùng Tết bị lũng đoạn bởi hàng lậu và trong đó có không ít hàng giả.

Số vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả bị phát hiện trong thời gia qua, chỉ rất nhỏ so với thực trạng buôn lậu, làm hàng giả hiện nay. Và việc hàng lậu, hàng giả vẫn đang được tiêu thụ trên thị trường, thực chất có sự thỏa hiệp của nhiều cơ sở kinh doanh với các đường dây buôn lậu hoặc làm hàng giả. 

Nguyễn Thị Ngọc Thảo, giữa đống tang vật bột ngọt giả.

Hậu quả làm cho người tiêu dùng và những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính bị thiệt hại không nhỏ từ việc này. Như trong vụ triệt phá đường dây làm bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto do Nguyễn Thị Ngọc Thảo cầm đầu. Nếu không được phát hiện sớm, nhà sản xuất bột ngọt Ajinomoto đã thêm thiệt hại không nhỏ về sản lượng và uy tín; trong khi đó người tiêu dùng mua bột ngọt giả nhưng lại trả số tiền bằng bột ngọt thật.

Một chuyên viên phòng chống hàng giả của Công ty sản xuất bột ngọt Ajinomoto cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của công ty này, trung bình mỗi ngày ở TP.HCM, đường dây của Thảo tung ra thị trường trên 500kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto. Nếu chỉ làm phép tính đơn giản, trong 1 tháng, Thảo đã tung ra thị trường trên 15.000kg bột ngọt giả.

Một trong những mặt hàng chủ yếu các "đầu nậu" thường tuồn hàng lậu về TP.HCM là rượu và thuốc lá ngoại. Sau những lần quay vòng sản phẩm lậu, đa số các chai rượu, thuốc lá lậu này được đưa vào các quán bar, sàn nhảy ở TP.HCM tiêu thụ, chỉ có một phần được tung ra tiêu thụ tại các đại lý nhỏ.

Sau nhiều ngày "dạo" quanh các quán bar, vũ trường lớn ở TP.HCM, chúng tôi hiếm khi nào thấy được 1 chai rượu ngoại có tem. Rượu có tem chỉ được trưng bày trên quầy bar cho... đẹp mắt; còn những chai rượu, thuốc lá ngoại không tem, được nhân viên cẩn thận đặt trong túi vải đưa cho khách hàng xem, sau đó khui ra đổ vào bình thủy tinh đặt sẵn trên bàn, còn vỏ chai được cất ngay lập tức. Nhằm tránh cơ quan chức năng kiểm tra bất ngờ phát hiện.

Mỗi tháng, Thảo tung ra thị trường khoảng 15.000kg bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto.

Để hạn chế ngày càng triệt để hơn tình trạng buôn lậu, hàng giả, tránh thất thoát thuế cho Nhà nước và gây thiệt hại nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần phát động mạnh mẽ sự hợp tác của người dân phát hiện và tố giác các hành vi buôn lậu, làm hàng giả, hàng giả của những kẻ bất lương. Bên cạnh đó, các lực lượng tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới và các cửa khẩu, nơi hàng lậu từ nước ngoài có thể tuồn về, cần được tăng cường và  đẩy mạnh hơn nữa.   

  • Bài & ảnh: Phan Công