Năm xã biên giới ở Nghệ An chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt
Các Website khác - 16/01/2006
Cán bộ, nhân dân hai huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An) bức xúc phản ánh:
Nhôn Mai được thành lập ngày 13-11-1986 theo Quyết định của Chủ tịch HÐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) là xã vùng cao có đường biên giới giáp Lào dài 17,5km. Ðất tự nhiên toàn xã là 12.129,6ha, phân bổ thành 10 bản, 398 hộ và số dân là 2.405 người, gồm ba dân tộc: Thái, Khơ Mú , Mông. Ðây là một trong những xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, cách trung tâm huyện 120km. Từ thị trấn vào xã đi bằng thuyền máy dọc theo dòng Nặm Nơn mất khoảng 6 giờ, sau đó đi bộ hơn một giờ nữa mới vào đến trung tâm xã. Từ trung tâm xã đi về các bản mất từ hai đến bốn giờ đi bộ. Ðịa hình hiểm trở, điều kiện sinh hoạt cũng như đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ đói nghèo 65%.

Thế nhưng không hiểu vì sao khi Nhà nước chủ trương ưu tiên chế độ phụ cấp đặc biệt cho cán bộ, giáo viên công tác tại các xã biên giới thì ở Nhôn Mai lại không được hưởng? Trong khi đó, những xã lân cận, như Tri Lễ, thuộc huyện Quế Phong và Mai Sơn có chiều dài đường biên chưa bằng 1/3 Nhôn Mai thì được hưởng chế độ đó. Ðặc biệt, một số địa bàn cũng thuộc huyện Tương Dương như Khe Bố, xã Tam Quang, nằm ngay trên trục quốc lộ 7A và rất gần thị trấn, điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông thuận lợi hơn nhiều vẫn được chế độ ưu tiên.

Thiệt thòi của xã Nhôn Mai là ngoài việc cán bộ, giáo viên đang công tác trên địa bàn không được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, con em ở đây đi học cũng chịu thiệt thòi hơn những xã biên giới khác. Chính vì lý do này mà Nhôn Mai không thu hút được cán bộ, giáo viên về công tác. Khi đưa vấn đề này trao đổi với lãnh đạo huyện Tương Dương, họ nói rằng: Huyện đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, nhưng chưa nhận được trả lời.

Ở huyện Kỳ Sơn cũng có tình hình tương tự. Toàn huyện Kỳ Sơn có 11 xã biên giới, nhưng còn bốn xã vẫn chưa được hưởng các chế độ đặc biệt dành cho xã biên giới như : Bắc Lý, Ðoọc Mạy, Mường Ải và Tà Cạ. Ðây là bốn xã vùng sâu, vùng xa nằm giáp biên giới Lào, còn khó khăn về nhiều mặt, nhất là giao thông. Ðiển hình là xã Mường Ải, cách thị trấn Mường Xén 60km đường bộ, muốn vào trung tâm xã phải đi qua Mường Típ rồi vượt 20km đường rừng nữa. Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng xem xét, có ý kiến đề nghị các cấp, ngành chức năng cho áp dụng chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định đối với năm xã nói trên.

MINH HẰNG
(Nghệ An)