Hàng triệu dân è cổ vì độc quyền sách giáo khoa
Các Website khác - 23/03/2006

Với hơn 150 triệu bản mỗi năm, sách giáo khoa đang chiếm 80% thị phần xuất bản sách. Thế nhưng, miếng bánh béo bở này chỉ "ưu ái" riêng NXB Giáo dục. Sự độc quyền đang khiến hàng triệu học sinh phải è cổ mua sách mới với giá cao hơn nhiều so với chi phí thực tế.

Để ra đời cuốn sách giáo khoa phải trải qua các khâu biên soạn, thẩm định và in ấn. Theo điều 29 Luật Giáo dục 2005, Bộ GD&ĐT là cơ quan duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia.

Tuy nhiên, với lý lẽ đảm bảo tính chuẩn mực của sách giáo khoa, từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT giao cả việc xuất bản cho đơn vị trực thuộc là NXB Giáo dục. Sau khi in xong, NXB Giáo dục sẽ giao sách cho các công ty sách, thiết bị trường học các tỉnh, thành (trực thuộc sở GD&ĐT).

Học sinh sẽ có cơ hội mua sách giáo khoa giá thấp hơn. Ảnh: Anh Tuấn

Đặc quyền này đã đưa NXB Giáo dục lên hàng “đại gia” với doanh thu khổng lồ. Năm 2005, doanh thu của đơn vị này gần 870 tỷ đồng, chiếm quá nửa doanh thu của 47 NXB khác, lãi hàng chục tỷ đồng. Sách giáo khoa tiếp tục thay đổi xoành xoạch và người dân tiếp tục mua sách với giá cao hơn chi phí thực tế.

Mỗi lần thay sách lãng phí hàng tỷ đồng

Theo giám đốc một NXB lớn khu vực phía Bắc, do tính chất độc quyền nên việc xuất bản sách giáo khoa hiện nay rất lãng phí, học sinh không thể dùng được sách cũ. Ông này đưa ra ví dụ, theo chương trình mới, học sinh có thể làm bài tập vào luôn sách giáo khoa. Sách đã bị viết vào, đương nhiên năm sau không để cho học sinh lớp dưới dùng lại. Quyển sách rất đẹp cũng bị bỏ đi và NXB Giáo dục lại tiếp tục tái bản.

Trong khi ở các nước, sách giáo khoa có tuổi đời ổn định ít nhất là 10 năm (thành chế tài) thì ở Việt Nam sách thay xoành xoạch. Theo lộ trình đổi mới chương trình phổ thông, đến năm học 2006-2007 sẽ hoàn tất thay sách giáo khoa đến lớp 9. Cuộc cải cách này đã khiến hàng trăm triệu bản sách giáo khoa theo chương trình cũ vừa sử dụng xong lập tức trở thành giấy vụn. Thế hệ sau không sử dụng được sách của thế hệ trước.

"Dư luận xã hội đang than phiền sách giáo khoa, sách tham khảo thay đổi quá nhanh gây lãng phí, tốn kém quá quá lớn cho nhân dân, xã hội. Hiếm có nước nào, việc sử dụng sách giáo khoa lại lãng phí lớn như chúng ta", Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị chua xót nhận xét.

Theo ông, nếu có sự thay đổi một vài bài, một vài chữ, có thể in gộp các bài cần sửa ấy vào một cuốn, hướng dẫn cho cho giáo viên, học sinh sử dụng, thay vì bỏ cả bộ sách cũ mua sách mới. Như thế, sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngân sách nhà nước và tiền của nhân dân.

Ấn bản nhiều, giá sách giáo khoa không giảm

Trao đổi với VnExpress, các chuyên gia về xuất bản đều chung nhận định, giá sách giáo khoa hiện nay không cao so với các loại sách khác, tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với chi phí thực tế. Theo nguyên lý thông thường, nếu sản xuất nhiều thì giá sẽ giảm, với ngành xuất bản, ấn bản càng nhiều giá sẽ thấp đến mức "mọi người phải kinh ngạc." Nhiều NXB khẳng định, nếu có cạnh tranh, giá sách giáo khoa chắc chắn sẽ đẹp và thấp hơn hiện nay.

Ý kiến của bạn

Giám đốc một NXB tại Hà Nội đưa ra phép tính, nếu in 500 bản giá 6 đồng/trang, 1.000 bản sẽ là 3 đồng/trang, 10.000 bản sẽ là 0,3 đồng/trang. Số lượng càng lớn, giá thành sản xuất càng hạ theo cấp số nhân. Hiện nay, thị trường sách giáo khoa luôn ổn định với số lượng khổng lồ. Ví dụ, năm học 2006-2007, cả nước có khoảng 1,5 triệu học sinh lớp 5 phải thay sách giáo khoa mới. Như vậy cùng 1 sách giáo khoa môn Toán, NXB Giáo dục sẽ ấn hành tới 1 triệu bản.

Theo ông Nguyễn Kiểm Cục phó Xuất bản Bộ Văn hóa Thông tin , không nơi nào trên thế giới, xuất bản sách giáo khoa chỉ là "đặc quyền" của một NXB. Sách giáo khoa tài sản quốc gia, không phải do Bộ GD&ĐT giữ bản quyền. Khi đã là tài sản quốc gia thì không NXB nào được "độc chiếm".

"Khó khăn hiện nay là Bộ GD&ĐT chưa xây dựng được một bộ sách giáo khoa chuẩn về nội dung. Nhưng xã hội hóa hoạt động xuất bản sách giáo khoa không liên quan đến vấn đề nội dung, mà chỉ là xã hội hoá khâu in ấn và phát hành", ông Kiểm nói.

Theo nguồn tin của VnExpress, Cục Xuất bản đang gấp rút hoàn tất Đề án xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa.

Ý kiến của bạn?

Việt Anh