Kẽ hở pháp luật
Các Website khác - 16/02/2006

Kẽ hở pháp luật
Vương Hà

Nếu có việc xử lý trách nhiệm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số dự án do PMU 18 làm chủ đầu tư (từ 1999-2003) (đề nghị xem xét trách nhiệm của ông Tổng giám đốc PMU 18 và lãnh đạo Bộ GTVT) thì chắc không có một Bùi Tiến Dũng - con bạc triệu đô bây giờ. Tuy nhiên, ông Dũng không phải là trường hợp cá biệt. Không ít trường hợp có đối tượng đã bị đề nghị khởi tố, có tên trong danh sách nhận hối lộ (do bị can khai và có cả sổ sách) không những không bị sao mà vẫn còn lên chức.

Tham nhũng trong xây dựng cơ bản xảy ra phổ biến, nhưng số vụ bị phát hiện lại rất ít, đặc biệt là đối với các công trình giao thông nằm sâu dưới lòng đất. Nhưng khi bị phát hiện, đối tượng có nhiều cách để thoát tội, trong đó có phần "nhờ" chính kẽ hở từ luật pháp: Hàng loạt vụ án khi các đối tượng khai ra những người nhận hối lộ, nhưng CQĐT cũng không thể khởi tố vì... không đủ chứng cứ.

Trong vụ án tham nhũng ở dự án phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè (Lai Châu), Lê Minh Thiết - giám đốc một DN tư nhân - đã dùng trên 1,2 tỉ đồng để hối lộ một số lãnh đạo ở tỉnh và ở bộ, ngành (sổ sách thể hiện lời khai này), nhưng CQĐT không thể truy cứu trách nhiệm hình sự vì... người có tên trong sổ không nhận.

Rồi Phạm Minh Thông - Giám đốc Cty hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng - khai đã hối lộ cán bộ chủ chốt của tỉnh hàng tỉ đồng (có cả hoá đơn xuất tiền được thể hiện trên sổ sách), nhưng do người bị khai không thừa nhận hành vi nhận tiền nên CQĐT cũng... đành thua!

Tương tự gần đây nhất, trong các vụ án tham nhũng như: Lã Thị Kim Oanh, tuyến ống kho cảng Thị Vải, Cty XNK Yên Bái..., CQĐT cũng bó tay. Đặc biệt, có những vị có trong danh sách bị khai là nhận hối lộ, sau đó vẫn tiếp tục thăng tiến.

Chuyện thật như đùa là dù CQĐT đã có cơ sở để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng công trình, nhưng cũng không thể khởi tố được vì... công trình chưa quyết toán. Và có nhiều công trình kéo dài cả chục năm vẫn chưa quyết toán được với nhiều lý do khác nhau, nên những người này cứ vô tư hưởng lộc. Và rồi CQĐT đành đình chỉ vụ án vì hết thời hiệu quy định.

Pháp luật quy định dù không còn phù hợp với thực tế, nhưng vẫn còn hiệu lực thi hành thì cơ quan bảo vệ pháp luật phải chấp hành. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của luật để thoát tội. Đây là một vấn đề bức xúc trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay. Bởi vậy, điều cần nói ở đây là phải có sự sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với đòi hỏi của thực tế phòng, chống tội phạm tham nhũng.