Bạn đọc phản ảnh thực trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và vi phạm nội quy trên tàu còn diễn biến phức tạp.
Ông Xuân Bảy (Nghệ An): Tuyến đường sắt Thống Nhất chạy qua mười xã của huyện Diễn Châu, dài hơn 30 km, có ba nhà ga. Ðây là tuyến giao thông có khối lượng vật tư, thiết bị lớn nằm ngoài trời, ở nhiều địa điểm xung yếu, xa khu dân cư, điều kiện đi lại khó khăn. Công an huyện Diễn Châu chủ động bố trí lực lượng bám sát địa bàn, xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo vệ đường sắt ở từng địa điểm cụ thể. Ban An toàn giao thông của huyện phối hợp các tổ chức, đoàn thể, đài truyền thanh tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về trật tự an toàn giao thông đường sắt. Cơ quan công an kết hợp chính quyền cơ sở tổ chức họp dân, ký cam kết đến 100% chủ cơ sở lò rèn, điểm thu mua sắt vụn không mua bán, tàng trữ, sử dụng vật tư, thiết bị đường sắt. Năm 2005, trên địa bàn huyện, hơn 90% số vụ trộm cắp thiết bị, ném đá lên tàu bị phát hiện, xử lý. Nhờ vậy, tình hình vi phạm trật tự an toàn đường sắt ở huyện Diễn Châu có nhiều chuyển biến tích cực.
Thư ông Ngọc Khanh (Quảng Ninh): Chợ Chiều, ở phường Quang Trung, thị xã Uông Bí, nhóm họp bên đường xe lửa, rất đông đúc. Người mua kẻ bán ngồi sát đường ray. Nơi đây, nhiều xe tải chở than thường xuyên qua lại, nhiều khi cảnh ùn tắc xảy ra ngay trên đường tàu. Mỗi khi có tàu chạy qua, nhân viên gác tàu và nhân viên bảo vệ chợ phải vất vả huýt còi xua đuổi người bán hàng lấn chiếm đường tàu. Những lúc đó, người mua bán chạy nhốn nháo, táo tác. Song, khi tàu vừa qua khỏi, người ta lại ung dung mang rau dưa, quần áo lên đường ray ngồi bán. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vì diện tích chợ Chiều quá hẹp chỉ đủ chỗ cho các hàng thịt, cá, hàng ăn, còn nhiều hộ buôn bán khác không có chỗ bán đành liều lĩnh nhóm họp tràn lan bên đường tàu. Ban quản lý chợ huy động tối đa lực lượng bảo vệ xua đuổi và báo động mỗi khi có tàu qua lại. Vậy mà, nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn luôn luôn tiềm ẩn, rất đáng lo ngại.
Ông Lê Duy Lai (Quảng Bình): Chuyến tàu chợ VQ chạy tuyến Vinh (Nghệ An) đi Ðồng Hới (Quảng Bình) xảy ra hiện tượng mua vé lậu. Hành khách không mua vé tại các bàn vé ở ga mà ung dung bước lên tàu để rồi sau đó mua lại vé giá rẻ của một số nhân viên nhà tàu. Có khi, khách chỉ cần trả tiền trực tiếp cho nhân viên, không cần nhận vé. Mua vé theo kiểu này gây lộn xộn khi tàu chuyển bánh. Mặt khác, khi xảy ra sự cố, những vấn đề liên quan quyền lợi bồi thường cho khách rất khó được giải quyết. Hơn nữa, số tiền bán vé" chui" nghiễm nhiên vào túi cá nhân.
|