Ba bệnh viện, ba thái độ phục vụ
Các Website khác - 06/03/2006
Ngành y tế nên chấn chỉnh thái độ phục vụ của một số thầy thuốc ở Bệnh viện Thanh Nhàn, cải tiến cách tổ chức bệnh viện cho tương xứng cơ sở vật chất và trang thiết bị đã được nâng cấp.

Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 9-11-2005, vợ tôi, bà Ðỗ Thị Hợi, 58 tuổi, bị điện giật tại nhà ở phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), toàn thân co giật. Sau khi làm hô hấp nhân tạo, vợ tôi được đưa đến Phòng Cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn. Cùng lúc, khoảng 20 người từ trong phòng ào ra khiêng vợ tôi lên giường bệnh, người làm hô hấp nhân tạo, người bóp bóng, làm điện xung, tiêm thuốc... Không khí làm việc rất khẩn trương. Khoảng 30 phút sau, một chị tên là Chiến động viên tôi: Bác còn hồng phúc lớn lắm, bác gái đã có tín hiệu thở, tim, mạch, huyết áp trở lại. Tôi rất mừng. Tiếp đó, chị giải thích: Bây giờ phải chuyển bác gái lên Phòng Hồi sức cấp cứu ở tầng ba. Chị y tá gọi điện thoại thông báo cho nơi tiếp nhận vợ tôi. Một tốp y tá đẩy xe cáng chạy thật nhanh đến cầu thang máy đưa vợ tôi lên Phòng Hồi sức cấp cứu. Khác hẳn với Phòng Cấp cứu tầng một, cửa phòng này đóng im ỉm. Gọi mãi mới có người mở cửa. Ðồ dùng cấp cứu chỉ có duy nhất một quả bóng bóp ô-xy. Một lúc sau, bác sĩ Lợi, Trưởng ca, mới đến. Tôi thấy chị y tá chuyển bệnh nhân trao đổi gì đó với bác sĩ, rồi nói to lên rằng, bệnh nhân đã không còn hơi thở, tim, mạch, huyết áp trước khi đến đây. Tôi hiểu đó là lời bàn giao không có lợi, cho nên đưa ra ý kiến chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Việt - Pháp. Họ dùng dằng mãi thêm gần một giờ mới xong thủ tục chuyển.

Ðến Bệnh viện Việt - Pháp, nhờ các thiết bị hiện đại và tinh thần làm việc khẩn trương, năm giờ sau vợ tôi đã có tín hiệu thở, tim, mạch, huyết áp hoạt động trở lại với sự trợ giúp của máy. Sau bảy ngày điều trị tại đây, tôi xin chuyển vợ tôi về Khoa Ðiều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Suốt hai tháng điều trị, tập thể thầy thuốc ở đây đã rất vất vả chống chọi từng ngày, từng giờ với các tai biến sau điện giật. Ðến nay, vợ tôi đã được bỏ máy trợ giúp thở ô-xy, hết các triệu chứng sốt, méo mồm, trợn mắt và phục hồi cảm giác, tim, mạch, huyết áp, thở dần ổn định, nhưng não còn bị tổn thương. Tôi tự hào về tiến bộ của ngành y tế nước nhà, không ngờ trên đất nước ta lại có một cơ sở điều trị hiệu quả như vậy. Ở đây vừa có đủ các trang thiết bị hiện đại lại có đội ngũ thầy thuốc trình độ chuyên môn giỏi, chẩn đoán bệnh nhanh và thành thạo các thao tác cấp cứu, xét nghiệm cho người bệnh. Ðiều gây ấn tượng hơn cả là cách tổ chức làm việc rất khoa học, thầy thuốc được nghỉ luân phiên, nhưng 24/24 giờ đều có người trực, lúc nào cũng khẩn trương. Mọi bệnh nhân ở khoa này đều được đối xử bình đẳng, được điều trị đủ những thứ thuốc cần thiết. Ngày 12-1-2006, vợ tôi được chuyển sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Sau một tháng chăm sóc vợ tại đây tôi lại bất ngờ nhận ra rằng Trung tâm Chống độc cũng như Khoa Ðiều trị tích cực vẫn giữ vững và phát huy truyền thống Anh hùng của đơn vị tiền thân A9. Tôi thật sự cảm động trước nghĩa cử không màng danh lợi của tập thể thầy thuốc ở đây.

Qua sự việc cụ thể của gia đình, tôi nêu mấy đề nghị sau: Ngành y tế nên chấn chỉnh thái độ phục vụ của một số thầy thuốc ở Bệnh viện Thanh Nhàn, cải tiến cách tổ chức bệnh viện cho tương xứng cơ sở vật chất và trang thiết bị đã được nâng cấp. Nên mở rộng, tăng giường, tăng biên chế và chế độ cho Khoa Ðiều trị tích cực, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tương xứng với cường độ làm việc của họ.

PHẠM THÀNH TRỰC
(Hà Nội)