Khi dân yêu cầu, đại biểu QH có trách nhiệm tiếp
Các Website khác - 03/04/2006
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đi tiếp xúc cử tri. (Haiphong)

Nếu có lý do chưa thể tiếp được thì đại biểu Quốc hội trả lời công dân, nhận đơn hoặc hẹn tiếp vào thời gian thích hợp. Đây là điểm mới của dự thảo nghị quyết về việc đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Dự thảo này sửa đổi nghị quyết 228, được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 10, ban hành từ năm 1999. Theo dự thảo, nhiệm vụ của đại biểu khi tiếp công dân là: lắng nghe công dân trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và thư kiến nghị của công dân; hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; giải đáp, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đơn thư khiếu nại, tố cáo; giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo khi họ yêu cầu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận định, mặc dù Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, nhưng hiện nay đại biểu Quốc hội vẫn còn rất xa dân. Cơ chế tiếp công dân của các đoàn đại biểu cũng đang mai một dần. Chủ tịch An so sánh, ở các nước, đại biểu Quốc hội rất gần gũi với cử tri, thường xuyên gặp gỡ lắng nghe ý kiến của họ, còn ở Việt Nam thì thỉnh thoảng đi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cử tri. Vì thế việc tiếp xúc vẫn nặng tính hình thức.

Tuy nhiên, tại buổi thảo luận chiều nay, quy định này đã vấp phải phản ứng của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, quy định như trên sẽ đẩy đại biểu Quốc hội vào thế không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, với nghị quyết 228, bản thân ông không làm được vì ông cũng như nhiều đại biểu kiêm nhiệm chức vụ, công việc nhiều, cử tri lại ở xa, đi lại tốn kém. Mặt khác, các vụ việc khiếu nại rất phức tạp, đơn thư công dân gửi đến Quốc hội và được chuyển tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì "may lắm chỉ nhận được 50% thư trả lời".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cũng nghi ngờ tính khả thi của quy định này. Trong hơn 10 năm thực hiện nghị quyết 228, rất nhiều vụ khiếu kiện phức tạp, Quốc hội đã không thể giải quyết. Hiện phần lớn đơn thư theo như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh chỉ kính chuyển cơ quan khác giải quyết. Điều này đã làm mất uy tín của Quốc hội.

Công khai trên báo vụ việc "trên bảo dưới không nghe"

Nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là trách nhiệm tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với một bên là khả năng thực hiện rất hạn chế của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề xuất: nếu đôn đốc tới 3 lần mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không thực hiện thì đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ công khai vụ việc lên báo chí, đồng thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội để có ý kiến.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đặt vấn đề nên hướng dẫn người dân chuyển thẳng đơn thư khiếu nại, tố cáo tới cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Quốc hội sẽ chỉ tập trung vào nhiệm vụ tiếp công dân, giải thích pháp luật, hướng dẫn đơn thư gửi đúng địa chỉ và giải quyết đơn thư khiếu nại thuộc lĩnh vực lập pháp. Hiện nay, thư từ khiếu nại tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hành pháp và tư pháp, lập pháp rất ít. Do đó, Quốc hội chủ yếu làm nhiệm vụ kính chuyển đơn thư tới các cơ quan hành pháp, tư pháp.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 9, dự kiến bắt đầu từ ngày 15/5.

Như Trang