“Đơn giản đây là điều cần phải làm!” - Lời khẳng định này luôn được Chủ nhiệm “Chương trình Sáng kiến Cựu chiến binh” (VITF) thuộc Tổ chức “Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam” (VVA) Rô-bớt W.Ma-rát sử dụng để xua tan thắc mắc của một số người Mỹ về nỗ lực của VVA trong quá trình thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Qua những tư liệu, nhật ký của các cựu binh Mỹ - thành viên của VVA - thông tin về hơn 9.000 trường hợp bộ đội ta hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giúp Việt Nam quy tập hài cốt của 900 liệt sĩ.
Do ông Rô-bớt Mu-lơ sáng lập vào năm 1978, VVA - có trụ sở tại Washington DC - là tổ chức toàn quốc duy nhất đăng ký tại Quốc hội Mỹ với mục tiêu thúc đẩy và ủng hộ các vấn đề liên quan đến cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Đồng thời, VVA còn có nhiều hoạt động giúp thay đổi nhận thức của công chúng Mỹ theo hướng tích cực về quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiện tại, VVA có 43 hội đồng cấp bang, 525 chi nhánh hội trên toàn liên bang với hơn 50 nghìn hội viên trên toàn quốc.
Chính thức cử đoàn vào Việt Nam năm 1994 và bắt đầu “Chương trình Sáng kiến Cựu chiến binh”, VVA đã vận động các thành viên của mình cung cấp thông tin, bản đồ, sơ đồ các trận đánh và chiến trường xưa liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước để trao lại cho các cơ quan chức năng của ta, góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh.
11 năm đã qua, kể từ lần trở lại đầu tiên, VVA đã cử 16 đoàn của chương trình VITF sang Việt Nam, chuyển giao thông tin liên quan đến hơn 9.000 trường hợp bộ đội ta hy sinh, mất tích trong chiến đấu, giúp Việt Nam quy tập hài cốt của hơn 900 liệt sĩ. Đồng thời, VVA luôn tích cực ủng hộ quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam và Mỹ, phản đối mạnh mẽ “Dự luật Nhân quyền Việt Nam” và việc cho phép treo cờ chế độ Sài Gòn trước đây ở một số thành phố của Mỹ. VVA cũng động viên, ủng hộ các thành viên của mình quay lại Việt Nam để tận mắt nhìn thấy những thay đổi tích cực và to lớn ở Việt Nam hôm nay, một đất nước hòa bình và đổi mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa cựu chiến binh và nhân dân hai nước...
Trở lại Việt Nam lần thứ 17 (từ 9 đến 25-9-2005), VITF đã mang thêm những thông tin mới liên quan đến 93 trường hợp quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Một trăn trở mà ông Rô-bớt W.Ma-rát, Trưởng đoàn VVA bày tỏ trong chuyến thăm Việt Nam lần này là: “Nhiều cựu chiến binh đã già yếu, hoặc đã mất nên thông tin cũng bị mai một, do đó, hai bên cần phải làm việc tích cực và nhanh chóng hơn”.
Hôm nay, cùng những tấm bản đồ chiến trường nhằm xác định thêm thông tin về những chiến sĩ Việt Nam còn trong danh sách mất tích, Đoàn đã đến Quảng Nam. Trước đó R.Ma-rát cùng các bạn đã tới Đông Hà, Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Chặng cuối của cuộc tìm kiếm lần này là một số địa điểm tại tỉnh Bến Tre và khu Sài Gòn - Gia Định cũ, nay là TP mang tên Bác.
Trao đổi với phóng viên Việt Nam về những nỗ lực của VVA thời gian qua, ông R.Ma-rát cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rằng, mỗi gia đình, dù là người Việt Nam hay Mỹ, đều có quyền chính đáng được biết về số phận người thân của mình khi họ không trở về trong cuộc chiến tranh. Chúng tôi đã cam kết sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa. Hiện nay, có nhiều cựu chiến binh của Mỹ và Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, vì vậy, VVA cũng đang thực hiện các chương trình về chất độc da cam và hy vọng, thời gian tới, VVA sẽ ra một nghị quyết kêu gọi sự giúp đỡ các nạn nhân của chất độc này”.
Tấm lòng đó của những người bạn Mỹ thật đáng quý, đáng trân trọng. Chứng kiến quá trình hợp tác của hai nước Việt Nam và Mỹ, Tổng Thư ký Hội Cựu chiến binh Thế giới đã đánh giá tại một hội nghị tổ chức tại Singapore rằng: “Sự hợp tác giữa các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, những người đã từng ở hai bên chiến tuyến, đến với nhau để giúp đỡ nhau xác định số phận của những binh sĩ mất tích của cả hai phía không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là việc xưa nay chưa từng có”.
|