Trách nhiệm thuộc về ai?
Các Website khác - 30/08/2005
Sau bốn tháng triển khai dự án xây dựng và cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở, khi các đơn vị thi công đang hối hả đổ bê tông các mố, trụ cầu vượt, làm đường... thì các hộ dân ở bên số lẻ phố Tây Sơn bỗng phát hiện ra nhà mình mới xây dựng thấp hơn mặt đường từ 0,5m đến 1m. Còn ở bên số chẵn, tình cảnh còn bi hài hơn, khi mặt đường bị đào sâu hàng mét, làm trơ cả móng nhà.
Đường và nhà chênh nhau làm xấu cảnh quan

Ông Nguyễn Văn Khay, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển giao thông đô thị Hà Nội-chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở, cho biết: "Khu vực xảy ra sự cố trên nằm ở phần cuối cầu vượt. Vì đây là đường cua, bán kính 250m, nên bắt buộc phải thiết kế làm đường một mái, siêu cao ở phía lưng đường cong để bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Thiết kế kỹ thuật của dự án đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định và phê duyệt, quy hoạch dự án được giới thiệu công khai với các hộ dân cách đây hàng năm. Đơn vị thi công chỉ thực hiện đúng như thiết kế."

Dự án cải tạo, xây dựng nút giao thông Ngã Tư Sở có tổng vốn đầu tư 1.140 tỷ đồng với nhiều hạng mục như xây dựng cầu vượt, hầm cho người đi bộ, mở rộng mặt bằng nút... được khởi công cách đây không lâu. Theo chủ đầu tư, dự án không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra tại khu vực này, mà còn làm đẹp cảnh quan đô thị khu vực cửa ngõ ra vào thành phố.

Ông Khay cũng cho biết: phần lớn các nhà mặt phố bây giờ, cách đây nửa năm trước, đều ở sâu trong ngõ từ 20- 30m. Khi các hộ dân bên ngoài đang phá dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng, thì những hộ bên trong đã tranh thủ xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà. Tình trạng phổ biến ở khu vực này là xây dựng không phép, nếu xây dựng có phép thì đã không xảy ra tình trạng này. Các hộ dân tự lấy cốt nền nhà bằng cách lấy cốt mặt đường thời điểm đó (thời điểm phá dỡ), rồi làm cao hơn vài chục cm. Hơn nữa, chủ đầu tư cũng không có trách nhiệm phải cung cấp số liệu về cốt nền.

Như vậy, theo đại diện phía chủ đầu tư, sự cố đường cao hơn nhà dân do chính các hộ dân gây ra, do người dân không tìm hiểu cốt nền khu vực trước khi xây dựng. Thế nhưng, trong số các nhà mới xây dựng, một số gia đình mặc dù đã xin giấy phép xây dựng và xây dựng theo giấy phép nhưng vẫn rơi vào tình trạng này.

Bà Trần Thị Tiến, nhà số 307 phố Tây Sơn cho biết: "Gia đình tôi làm nhà theo giấy phép xây dựng số 295/GPXD do Sở Xây dựng cấp ngày 12-8-2004. Tuy nhiên, do trong giấy phép không ghi rõ cao độ nền đường nên bây giờ nhà tôi cũng lâm vào tình cảnh nhà thấp hơn đường."

Chị Phạm Thị Hà, nhà số 285 phố Tây Sơn, cho biết đã được cấp phép xây dựng, bức xúc nói: " Quy hoạch của dự án tuy được thông báo công khai thật đấy nhưng chẳng một cơ quan nào thông báo cho chúng tôi cốt đường, cốt hè cao bao nhiêu để chúng tôi căn cứ vào đấy làm cốt nền nhà mình. Chúng tôi đã phòng xa bằng cách xây cao hơn nền đường cũ đến 60cm. Vậy mà đường mới làm cao như con đê trước mặt, chắn mất tầng 1 của nhà tôi."

Sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng

Điều đáng nói ở đây là khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở đã có quy hoạch chi tiết từ cách đây rất lâu, nhưng giữa quy hoạch và triển khai quy hoạch còn nhiều bất cập do sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết: quy hoạch chi tiết khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở đã được phê duyệt từ tháng 3-2002, quy hoạch khá đồng bộ cảnh quan, hệ thống hạ tầng khu vực, trong đó có độ cao nền.

Trong khi đó, đại diện đơn vị tư vấn, thiết kế của dự án (Viện cầu và kết cấu Nhật Bản) và cơ quan thẩm định dự án (Cục Giám định thuộc Bộ Giao thông vận tải) đều khẳng định rằng họ chỉ được cung cấp chỉ giới đường đỏ, mà không có số liệu chính thức về cao độ, cốt quy hoạch của khu vực, khi thiết kế, thẩm định dự án.

Về phía cơ quan cấp phép xây dựng lại cho rằng việc họ không cung cấp số liệu về cao độ nền đường cho các hộ dân do những bất cập trong quy trình cấp phép xây dựng của thành phố. ông Phan Văn Được, Trưởng Phòng quản lý cấp phép Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: khi xảy ra sự cố nền đường chênh cao hơn nhà dân ở khu vực dự án nút giao thông Ngã Tư Sở, nhiều người cho rằng trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp phép. Tuy nhiên, hiện nay, việc cấp phép xây dựng trên địa bàn Hà Nội được thực hiện theo quyết định 109/2001/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội, trong đó không quy định cơ quan cấp phép phải cung cấp cao độ nền khi cấp phép cho công trình xây dựng.

Trước những ý kiến bức xúc phản ánh những tình trạng nhà thấp hơn đường của các hộ dân khu vực nút Ngã Tư Sở, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết kế, cùng với các ngành chức năng xem xét, đề xuất các giải pháp khắc phục sự cố tại nút giao thông đang thi công này. Đơn vị tư vấn, thiết kế và chủ đầu tư đang nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp trình UBND thành phố và các ngành chức năng thẩm định, phê duyệt. Phương án điều chỉnh tối ưu nhất là bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường đồng thời giảm độ chênh giữa đường và nhà dân, bảo đảm thoát nước khu vực.

Tuy nhiên, thực hiện theo phương án thì cũng phải cần thời gian nhất định để các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt, sau đó lại điều chỉnh dự toán, phê duyệt dự toán, bóc đường cũ đi để làm lại... Thời gian thi công sẽ bị kéo dài ra, kinh phí dự án chắc chắn sẽ đội lên rất nhiều.

Sự cố đường cao hơn nhà ở nút giao thông Ngã Tư Sở bộc lộc rõ những yếu kém trong công tác quản lý đô thị ở Hà Nội. Thành phố cần sớm rút kinh nghiệm, khắc phục những bất cập nêu trên trong quá trình thực hiện các dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, tránh những nỗi khổ cho người dân, đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị.

KIỀU HƯƠNG