![]() |
Chánh thanh tra Phan An Sa. Ảnh: P.H. |
"Một số người hỏi tôi về quy định mỗi phòng karaoke không được quá 1 nhân viên. Nếu chỉ làm "tay vịn" cho khách, tôi không gọi là nhân viên phục vụ", Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin Phan An Sa trả lời phỏng vấn VnExpress xung quanh vấn đề quản lý karaoke.
- Trong sơ kết 1 năm thực hiện chỉ thị 17 của Thủ tướng, ngành văn hóa nhận định gì về hoạt động karaoke thời gian qua?
- Thời gian qua, khá nhiều cơ sở karaoke cố tình vi phạm, trong đó có những vi phạm nghiêm trọng như nhảy thoát y, thuốc lắc, mua bán dâm... Gần 1 năm qua, cơ quan công an đã triệt phá 50 động lắc tại các quán karaoke, vũ trường. Trong số 2.500 dân chơi bị tạm giữ có 600 người sử dụng thuốc lắc, 60 trường hợp múa thoát y, hoạt động mại dâm. Đáng chú ý, 85% dân chơi tại các động lắc ở tuổi 16-25, có trường hợp mới 14 tuổi.
Hiện nay, toàn quốc chỉ có khoảng 100 vũ trường, do vậy, những vi phạm thời gian qua chủ yếu rơi vào các quán karaoke.
- Nhưng thưa ông, thực tế cũng có nhiều cơ sở karaoke hoạt động chân chính?
- Chúng tôi không phủ nhận có nhiều quán karaoke hoạt động lành mạnh. Bản thân tôi, thỉnh thoảng vẫn cùng bạn bè, đồng nghiệp đi hát karaoke. Nhưng đúng là đang có một xu thế lợi dụng mác karaoke để làm việc mờ ám.
Cách đây 10 năm, cả nước có khoảng 1,2 vạn quán karaoke nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 5.000 cơ sở. Theo tôi, nếu kinh doanh karaoke chân chính thì thu hồi vốn rất chậm. Vì vậy, số lượng hộ kinh doanh karaoke đã giảm mạnh để chuyển sang loại dịch vụ khác. Những cơ sở trụ lại, không ít trường hợp chỉ "khoác áo" karaoke để hợp pháp hóa.
- Trong các đợt truy quét "động lắc" thời gian qua, gần như không thấy bóng dáng của lực lượng thanh tra văn hóa. Ông giải thích thế nào?
- Thanh tra văn hóa chỉ có thể kiểm tra hành chính, xử phạt theo Nghị định 31. Những vấn đề đằng sau cánh cửa phòng karaoke, thanh tra văn hóa không "sờ" đến được. Muốn triệt phá tệ nạn xã hội tại các quán karaoke phải có lực lượng công an. Thời gian qua, do có sự ra quân đồng loạt, phối hợp tốt giữa ngành văn hóa - công an - quản lý thị trường nên những tiêu cực tại các điểm karaoke đã giảm. Nếu chỉ trông cậy lực lượng thanh tra văn hóa, thì không thể làm nổi.
- Nhưng với những vi phạm khá rõ như hoạt động quá giờ, kinh doanh karaoke không phép, trách nhiệm của thanh tra văn hóa đến đâu?
- Đây đúng là trách nhiệm của thanh tra văn hóa và chính quyền địa phương. Nhưng thanh tra văn hóa chỉ kiểm tra cơ sở có giấy phép kinh doanh, những cơ sở không có giấy phép thì thanh tra chỉ làm nhiệm vụ phát hiện. Ví dụ, cơ sở có giấy phép kinh doanh nếu vi phạm, thanh tra áp dụng theo Nghị định 31 xử lý, nếu nặng thu hồi giấy phép.
Với những cơ sở hoạt động karaoke không phép, thanh tra văn hóa đến kiểm tra, xác định là không phép, lập biên bản. Còn việc xử lý là trách nhiệm chủ tịch UBND. Chỉ thị 17 nêu rõ, khi phát hiện những cơ sở karaoke không phép, phải báo cáo Chủ tịch UBND để đình chỉ hoạt động, xử lý chủ hộ.
- Nghị định 11 có nhiều quy định xử lý cần vai trò của thanh tra văn hóa. Với đội ngũ thanh tra hiện nay, ông nghĩ gì về khả năng đưa nghị định vào cuộc sống?
- Hiện nay, thanh tra toàn quốc khoảng 260 người. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin rất quan tâm đến lực lượng thanh tra, cả về số lượng, năng lực hoạt động. Nhưng nói thật là mới chỉ có chuyển biến mạnh ở cấp Bộ. Tại nhiều địa phương lực lượng thanh tra văn hóa rất mỏng, yếu về chất lượng. Đáng lo nhất là sự thiếu cập nhật với các lĩnh vực mới ví dụ như game online, bản quyền tác giả... Điều này đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ trẻ rành chuyên môn.
- Với những điểm karaoke đang hoạt động, nếu các hộ liền kề không đồng ý thì hướng xử lý thế nào?
- Trên cương vị cơ quan thực thi, tôi cho rằng vấn đề này không mới. Anh hoạt động karaoke, nếu vượt quá độ ồn quy định hàng xóm phát đơn. Ở đây là đơn khiếu nại hoặc đơn tố cáo thì sẽ xử lý theo Luật khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp này, người dân phải phát đơn đến chủ tịch UBND. Địa phương sẽ mời ngành văn hóa đến kiểm tra. Nếu xác định độ ồn quá mức cho phép thì phải xử lý. Còn khi anh đăng ký mới, trong bộ hồ sơ nhất thiết phải có văn bản đồng ý của các hộ liền kề.
Việt Anh thực hiện
▪ Chỉ số giá tiêu dùng: Khả quan nhất trong 5 năm qua (22/02/2006)
▪ Thánh địa Vatican (22/02/2006)
▪ Tàu thuyền qua sông Hồng lại mắc cạn (22/02/2006)
▪ Nhà đất rầm rộ hạ giá (22/02/2006)
▪ Đà Nẵng: Sau 10 ngày phải thông báo kết quả tiếp dân (22/02/2006)
▪ 90% phụ nữ cho rằng hút thuốc là không thể chấp nhận (21/02/2006)
▪ Cần đánh giá chính xác 20 năm đổi mới (21/02/2006)
▪ Việt Nam - Chile, mối quan hệ đầy triển vọng (21/02/2006)
▪ Cháu bé 11 tháng tuổi bị chết tại nhà trẻ (21/02/2006)
▪ Năm nay giông sét có thể xảy ra sớm ở TP HCM (21/02/2006)