Khuất tất tại Uỷ ban Phòng, chống AIDS TP.Hồ Chí Minh: Báo cáo thành tích trên... mây!
Các Website khác - 17/09/2009
Tư vấn cho người mắc bệnh AIDS
tại TPHCM. Ảnh: T.L.
Để duy trì mô hình Uỷ ban Phòng, chống AIDS (UBPC AIDS) tồn tại trái với các văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế ban hành; ngày 14.4.2009, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã ký công văn số 1623/UBND-VX, viện dẫn nhiều lý do không đúng thực tế.

"Đầu voi, đuôi chuột"

Công văn 1623/UBND-VX ca ngợi: "Mô hình tổ chức phòng, chống AIDS của thành phố được xây dựng và duy trì từ năm 1990 đến nay đã đáp ứng yêu cầu, phù hợp với đặc điểm, tình hình của thành phố. Thực tế hoạt động của mô hình trong suốt gần 19 năm qua cho thấy mô hình ngày càng phát huy được hiệu quả"(?).

Sự thật ra sao? Từ năm 1990-2005, mô hình này phù hợp với Quyết định số 50/2007/QĐ-TTg, ngày 12.4.2007 của Thủ tướng Chính phủ, về việc kiện toàn Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Chỉ từ khi UBND TPHCM ra Quyết định số 159/2005/QĐ-UBND, ngày  23.8.2005 và ban hành Quy định quản lý chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại TP, thì mô hình UBPC AIDS TPHCM đã bị... biến tướng. Trên thực tế, hoạt động của tổ chức này đã không như công văn số 1623/UBND-VX đã... tô hồng.

Công văn số 1623/UBND-VX cho rằng: "...hàng năm UBPC AIDS chăm sóc cho hơn 100.000 thai phụ"(?). Tuy nhiên, theo báo cáo số 614/VP-UB, ngày 18.6.2009 của UBPC AIDS TPHCM, thì số thai phụ được theo dõi và điều trị bằng thuốc ARV rất thấp. Thống kê sau nhiều năm thực hiện dự án với nhiều tỉ đồng, mới chỉ điều trị được... 1.548 thai phụ và 1.469 trẻ (?!).

Công văn số 1623/UBND-VX khẳng định hiệu quả của UBPC AIDS trong Chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của TPHCM đã giúp "tỉ lệ lây nhiễm từ 30% xuống còn khoảng 5-6% (thấp hơn mục tiêu quốc gia vào năm 2010 là < 9%)" (?).

Báo cáo số 58/VP-UB ngày 19.1.2009 của UBPC AIDS TPHCM, lại... trái ngược: Trong năm 2008, có theo dõi được 655 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, nhưng chỉ có 392 trường hợp quay trở lại làm xét nghiệm khẳng định và cho kết quả 53 ca dương tính (tỉ lệ 13,52%); trong lúc đó, còn rất nhiều ca không theo dõi được và các ca không quay lại làm xét nghiệm thường nguy cơ nhiễm HIV cao hơn nhiều.
 
Từ đó, một số chuyên gia cho rằng, tỉ lệ mẹ truyền bệnh sang con ở TP hiện nay khoảng 18% chứ không thể là 6% như công văn số 1623/UBND-VX khẳng định. Chưa hết, công văn số 1623/UBND-VX cho rằng: "Đến cuối năm 2008, chương trình chăm sóc chữa trị miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS của thành phố đang quản lý, chăm sóc, chữa trị cho 18.077 người nhiễm HIV".

Trong lúc đó, báo cáo số 614/VP-UB ngày 18.6.2009 của UBPC AIDS TPHCM cho biết: Thống kê số bệnh nhân điều trị ARV, tính đến ngày 18.6.2009 mới chỉ là 16.365 ca, trong đó có 1.281 ca bỏ điều trị. Điều này cho thấy, thực tế chỉ chữa trị cho 15.075 ca chứ không phải 18.077 ca như công văn 1623/UBND-VX của UBND TPHCM báo cáo.

Tuỳ hứng tăng, giảm số lượng bệnh nhân?

Công văn số 1623/UBND-VX còn khẳng định: "Hạ thấp tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện, chích ma tuý từ 82,5% trong năm 2002 còn 51,8% trong năm 2008, trong nhóm gái mại dâm từ 25,9% trong năm 2002 còn 6,76% trong năm 2008". Song, tại nhiều tài liệu cho thấy, UBPC AIDS TPHCM muốn đẩy chỉ số bệnh nhân lên hoặc xuống là theo... tuỳ hứng, không như Bộ Y tế quy định tại Quyết định số 1418/2000/QĐ-BYT, ngày 4.5.2000.

Giám sát HIV là công việc quan trọng để theo dõi, đánh giá diễn biến lây nhiễm trong cộng đồng. Từ đó mới có các kế hoạch can thiệp giúp cộng đồng phòng, chống. Nhưng theo một nguồn tin: Đối với nhóm nghiện chích ma tuý, theo quy định, mỗi năm chỉ làm 400 mẫu trên cùng đối tượng, cùng địa điểm, cùng thời gian nhất định trong năm. Nhưng thực tế, UBPC AIDS lại chỉ đạo thực hiện tuỳ tiện, lấy lượng mẫu từ... 1.000 đến 2.000 ca (đối tượng ma tuý).

Trên cơ sở số lượng mẫu đó, nếu phát hiện tỉ lệ nhiễm HIV thấp, mà UBPC AIDS muốn cao, thì giữ nguyên số nhiễm rồi "bỏ bớt" lượng mẫu đi để tỉ lệ nhiễm HIV tăng lên (?). Đơn cử một báo cáo của UBPC AIDS năm 1997, về kết quả giám sát dịch tễ trọng điểm, thống kê lấy mẫu 924 ca; nhưng thực tế lấy tới... 2.000 ca. Như vậy, ai đó đã tự ý bỏ đi 1.076 ca (?)...

Hậu quả của việc làm sai quy trình giám sát, đánh giá HIV của UBPC AIDS là mỗi năm tiêu tốn hàng trăm triệu đồng vào việc lấy mẫu xét nghiệm, rồi để... "vứt mẫu" (?!).Khi cần giảm tỉ lệ nhiễm, thì xảy ra hiện tượng sửa số liệu.

Nhập thuốc để... hư hao

Việc quản lý bệnh nhân AIDS luôn phải kèm theo bệnh án và thuốc men điều trị. Nhưng với cung cách quản lý được phản ánh trong các báo cáo không đúng thực tế, không nhất quán, dẫn tới không ai kiểm soát được việc thanh quyết toán thuốc và không ai trả lời được câu hỏi: "Có bao nhiêu phần trăm số thuốc được tài trợ tới tay bệnh nhân?".

Với cung cách quản lý nói trên, lượng thuốc đặc trị rất đắt tiền - Nhà nước không thể có kinh phí để mua, mà phải nhờ viện trợ nhân đạo từ nước ngoài mới có - đã bị hư hao, lãng phí khủng khiếp!
 
Đơn cử, báo cáo tháng 5.2009, UBPC AIDS TPHCM cho biết: TPHCM nhập 12.000 viên Nevirapine loại 200mg, thì lượng hư hao (theo báo cáo) lên tới 115.566 viên - gần gấp 10 lần số nhập - trong khi số thuốc hư hao này có thể phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho hơn 57.000 ca (mỗi ca chỉ cần 2 viên trước sinh).

Trong khi thuốc để hư hao lãng phí lớn như thế, thì tại báo cáo số 58/VP-UB ngày 19.1.2008 của UBPC AIDS TPHCM lại thể hiện cả năm 2008, không có bất cứ ca nào được điều trị bằng Nevirapine trước sinh (?!).

Đông Anh