Nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông khoảng 50km về hướng tây nam, Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 5 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong TP. Hồ Chí Minh (đóng chân trên xã Đắk R’tih, huyện Tuy Đức) đã góp công sức rất lớn cho việc điều trị cai nghiện, phục hồi sức khỏe và rèn luyện nhân cách, đối với những người lầm lỗi vì ma túy. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của đội ngũ CBCNV, thời gian qua đã có hàng trăm học viên được trở về hòa nhập với cộng đồng.
Chăm sóc các học viên
CAI NGHIỆN – CÔNG TÁC KHÔNG ĐƠN GIẢN
Chúng tôi đến Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 5 vào thời điểm cán bộ, công nhân viên và học viên của trường đang thi đua lập thành tích chào mừng 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tiếp chúng tôi, chị Trương Thị Minh Thùy - Phó giám đốc tâm sự: trường hiện có 98 cán bộ, công nhân viên. Đa số là những cán bộ ở đây đều có gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc vào. Tuy xa, nhưng anh chị em luôn nhiệt tình và hăng say trong công việc. Hiện nay, nhà trường đang quản lý hơn 400 học viên. Đối tượng được đưa đến đây học chủ yếu là ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, trong đó tỉnh Đắk Nông có 40 người. Nhiều con nghiện tuổi đời còn rất trẻ chỉ vì một lần sa ngã, không làm chủ được bản thân đã bị “cái chết trắng” hay “nàng tiên nâu” quấn lấy, rồi dấn sâu vào nghiện ngập. Có học viên đã mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS... khi vào đây, qua một thời gian rèn luyện, điều trị bệnh, học văn hóa và học nghề, nên hầu hết các học viên đã cắt được cơn nghiện và yêu đời hơn. Bên cạnh đó, có không ít học viên lại tỏ ra bi quan, bất cần đời, không chịu nghe theo những hướng dẫn của cán bộ ở đây. Một vài học viên còn kiếm cớ gây sự với những học viên khác cũng như cán bộ của trường, rồi tìm cách trốn ra ngoài, theo đường cũ. Tiếp xúc với chúng tôi, bác sĩ Văn Vi Tý - Trưởng Phòng y tế cho biết: công việc chính của chúng tôi là theo dõi, khám chữa bệnh cho những học viên đã nghiện nặng, và nhiều người đã mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Trong khi đó điều kiện trang thiết bị lại còn tạm bợ, xa địa bàn khu dân cư nên đội ngũ y bác sĩ ở đây luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm bệnh tật. Biết là vậy, nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì mình đã góp một phần cùng xã hội cứu vớt những cuộc đời lầm lỗi, giúp họ được hòa nhập với cộng đồng.
Để làm tốt việc giúp đỡ các học viên cai nghiện cải tạo, học tập tốt, cách ly hoàn toàn với chất ma túy, đòi hỏi đội ngũ CBCNV của trường cần có năng lực nhất định, đạo đức trong sáng, lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức và không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức chính chị cho đội ngũ CBCNV của mình.
Lớp dạy may công nghiệp cho các học viên sau cai nghiện
TƯƠNG LAI CHO NHỮNG NGƯỜI LẦM LỖI
Để tạo cho học viên những thói quen trong cuộc sống và quên đi cơn nghiện, trường đã tổ chức nhiều hình thức lao động phù hợp với sức khỏe của từng người như: vệ sinh nơi ở, tôn tạo cảnh quan nhà trường, trồng rau xanh cải thiện đời sống hàng ngày... Ngoài ra trường còn tổ chức lao động tập thể làm cỏ, đào bồn cà phê, nhận khoán bóc điều, khai thác đá để có thu nhập thêm cho các học viên... Qua đó, đã có nhiều học viên không chỉ cắt được cơn nghiền mà còn lao động rất hăng say. Song song với công việc giúp học viên cắt cơn, trường còn thường xuyên mở các lớp xóa mù chữ, mở các lớp tin học, bổ túc các cấp học cho học viên. Đặc biệt, trường đã mở một lớp đại học từ xa cho cán bộ, CNV và các học viên có nhu cầu học nâng cao trình độ. Để tạo công ăn việc làm cho các học viên sau khi cai nghiện trở về với cộng đồng và gia đình có cuộc sống ổn định, vơi đi những mặc cảm của những ngày lầm lỗi, trường còn mở nhiều lớp dạy nghề như: may công nghiệp, sửa chữa xe máy, điện dân dụng. Sau khi các học viên cai nghiện sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề. Những học viên có nhu cầu việc làm, trường sẽ giới thiệu về làm việc tại cụm công nghiệp dân cư Nhị Xuân, TP. Hồ Chí Minh.
Kích Chiến Phúc (SN 1986), nhà ở TP.Hồ Chí Minh tâm sự: “Em học đến lớp 6, nhà khó khăn bố mẹ bỏ nhau, chán nản quá, em bỏ đi bụi, sống lang thang gặp bạn bè rủ rê hút chích ma túy rồi thành nghiện lúc nào không hay. Vào đây nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô và bác sĩ, em đã cắt được cơn và được học nghề. Ước mơ của em bây giờ là cố học nghề may thật tốt để khi ra trường sẽ có một công việc ổn định”. Vũ Minh Chung (SN 1984), quê ở tỉnh Hải Dương, học xong lớp 12 vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê rồi bị sa ngã vào ma túy lúc nào không hay. Lúc đầu vào trường Chung rất chán nản, nhưng được sự động viên của cán bộ công nhân viên ở đây, em đã hiểu ra và chăm chỉ học tập, rèn luyện. Hiện Chung đang học nghề may cũng với mong muốn sẽ có một công việc ổn định. Chị Trương Thị Minh Thùy - Phó giám đốc Trường 5 - cho biết, qua theo dõi số học viên sau khi cai nghiện, học tập tại trường về, có không ít học viên bây giờ đã có công việc ổn định, chăm lo lao động sản xuất, như: anh Nguyễn Quang Hùng, Lê Triệu Minh, Nguyễn Trọng Hùng đều ở TP.Hồ Chí Minh.
Chia tay nhà trường, chúng tôi cảm nhận những học viên tại đây như những cây rừng khô héo đang xanh trở lại từng ngày, từng giờ.
GIANG MINH (http://www.congan.com.vn/)
▪ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH (13/09/2009)
▪ Hãy để trẻ em lên tiếng (11/08/2009)
▪ Hoa Kỳ hỗ trợ Quân y Việt Nam về an toàn truyền máu (11/08/2009)
▪ TP. HCM : Doanh nghiệp “ngại” con nghiện (29/07/2009)
▪ Ba giải pháp nhằm đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (09/07/2009)
▪ Điện Biên : Không có chuyện 40% SV hiến máu của tỉnh nhiễm HIV (18/06/2009)
▪ Đề nghị Trung Quốc không cản trở ngư dân Việt Nam (08/06/2009)
▪ Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam : Công tác phòng, chống HIV/AIDS có những chuyển biến tích cực (25/05/2009)
▪ 90.000 người Việt Nam nghèo đói vì HIV/AIDS (22/05/2009)
▪ Việt Nam phản đối vi phạm chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa (18/05/2009)