Những năm qua, nước ta thu được nhiều kết quả trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào chăm sóc trước và sau sinh cũng như phòng, chống HIV.
Việc thực hiện Chiến lược Dân số (giai đoạn 2001-2010), Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản (giai đoạn 2001-2010), Kế hoạch Tổng thể Quốc gia về Làm mẹ an toàn (giai đoạn 2003-2010) và Chính sách chăm sóc y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi... đã góp phần to lớn trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ðại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam đã hỗ trợ Bộ Y tế bằng nhiều cách như tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh; nâng cao năng lực cho người hỗ trợ sinh đẻ có kỹ năng và các nữ hộ sinh người dân tộc; đẩy mạnh giáo dục y tế về sinh đẻ an toàn và tăng cường hệ thống chuyển tuyến dựa vào cộng đồng trong các trường hợp cấp cứu; phòng, chống lây truyền HIV cũng như tăng cường tiếp cận của phụ nữ trong phòng, chống và điều trị HIV.
Theo số liệu từ Báo cáo của Bộ Y tế, tỷ suất chết bà mẹ (MMR) năm 2008 là 75 ca chết trên 100 nghìn ca sinh sống. Tuy nhiên, vẫn còn có sự khác biệt giữa đồng bằng và miền núi. Tỷ suất này cao hơn ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Ðể đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ với chỉ tiêu là giảm 75% tỷ suất chết bà mẹ vào năm 2015, cần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ và bình đẳng giới. Quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe phụ nữ và mở rộng đầu tư giúp giảm tử vong mẹ.
Theo ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam cho biết: Các nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra rằng, đầu tư để mở rộng các dịch vụ y tế cơ bản có thể mang lại lợi nhuận kinh tế gấp sáu lần. Vì vậy, không có sự đầu tư nào sáng suốt hơn là đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên. Sự đầu tư này sẽ tác động trở lại đến kinh tế và xã hội.
Muốn đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ, chúng ta cần thực hiện ba vấn đề chính. Thứ nhất, cần có thêm nhiều nguồn lực dành cho việc nâng cao dịch vụ làm mẹ an toàn cho người dân tộc thiểu số ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm đặc biệt các dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương. Cần có các số liệu, tăng cường giám sát và đánh giá. Phối hợp tốt hơn và hài hòa hơn giữa các cơ quan đối tác để tăng hiệu quả của những thành tựu đã đạt được và tối đa hóa tác động của đầu tư. Thứ hai, củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ưu tiên để bảo đảm những ca sinh đẻ được thực hiện bởi những người có kỹ năng cũng như tăng cường hệ thống chuyển tuyến tới các cơ sở y tế có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc toàn diện, bao gồm cấp cứu sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh. Khi mọi người đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện thì tỷ lệ tử vong bà mẹ và các nguy cơ khác sẽ giảm nhanh chóng. Thứ ba, tăng ngân sách quốc gia dành cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ, tăng hỗ trợ phát triển quốc tế cho những vùng được xác định có tỷ suất chết bà mẹ cao.
NGUYỄN NGUYÊN