Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam : Công tác phòng, chống HIV/AIDS có những chuyển biến tích cực
Chiều 12/5/2009, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức buổi gặp mặt các nhà báo trong lĩnh vực này nhằm thông báo những thông tin mới nhất về công tác này và định hướng kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
Tại cuộc gặp mặt, ông Lê Quốc Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã đánh giá cao những đóng góp của CLB Nhà báo phòng, chống HIV/AIDS, các nhà báo và cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời hy vọng các nhà báo sẽ tích cực và nỗ lực hơn nữa nhằm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của xã hội về công tác này thông qua các tác phẩm truyền thông của mình.
Cũng tại buổi gặp mặt, ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tính đến ngày 31/12/2008, số các trường hợp nhiễm HIV hiện đang còn sống là 138.191 trường hợp, số bệnh nhân AIDS hiện đang còn sống là 29.575 trường hợp và đã có 41.544 trường hợp tử vong do AIDS. Năm 2008, so với cùng kỳ năm 2007 số trường hợp nhiễm HIV phát hiện giảm 26,6%, số bệnh nhân AIDS phát hiện giảm 14,35% và số tử vong do AIDS giảm 18,75%. Đã phát hiện 70,5% xã, phường; 97,5% quận, huyện và 63/63 tỉnh/thành có người nhiễm HIV. Đa phần người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi trẻ; trong đó số nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tuổi từ 20 đến 39 chiếm tới 83% trên tổng số người nhiễm HIV/AIDS.
Những chuyển biến tích cực nêu trên là nhờ Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai sâu rộng với nhiều biện pháp tích cực như:
- Về hoạt động truyền thông thay đổi hành vi: Năm 2008 các cơ quan thông tin đại chúng cùng các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động sâu rộng, nhất là sự ra quân đồng loạt với 18 sự kiện lớn được tổ chức tại trung ương và hàng loạt các hoạt động được triển khai tại các địa phương
- Về công tác giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV: Chương trình tiếp cận cộng đồng đã bao phủ được 53,88% số huyện, 28,14% số xã và thu hút được trên 6.000 tuyên truyền viên đồng đẳng và cộng tác viên tham gia chương trình; Chương trình bao cao su đến cuối năm 2008 với tổng số 12,3 triệu bao cao su đã được phân phát miễn phí, tăng 200%; Chương trình bơm kim tiêm đã bao phủ được 35,11% số quận/huyện (231 quận/huyện) với 40.763 đối tượng nghiện chích ma tuý tham gia chương trình, số bơm kim tiêm sạch phát miễn phí là 22.664.519 chiếc, tăng 200% so với năm 2007. Chương trình điều trị thí điểm thuốc thay thế Methadone đã được điều trị tại 06 cơ sở điều trị Methadone của hai thành phố với 825 bệnh nhân đang được điều trị.
- Về công tác chăm sóc, hỗ trợ và tiếp cận điều trị thuốc ARV: đã thiết lập được 207 điểm điều trị thuốc ARV tại tuyến quận, huyện, với 27.059 bệnh nhân, trong đó 25.597 bệnh nhân người lớn và 1.462 trẻ em được tiếp cận điều trị thuốc ARV đạt và vượt mức kế hoạch năm 2008.
- Công tác tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện được triển khai tại 48 tỉnh, thành phố với 244 phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện đang hoạt động đã tư vấn cho tổng số 215.505 người, số người được xét nghiệm HIV là 200.469 người, trong đó số HIV dương tính là 19.606 trường hợp (chiếm 8,78% số người được xét nghiệm); 100% các đơn vị máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, củng cố và hoàn thiện hệ thống phòng lây truyền HIV từ mẹ sang cho tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.
Cũng theo ông Ân, năm 2009, trọng tâm cộng tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ tập trung vào đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, chống phân biệt kỳ thị; lấy xã phường là trọng điểm, tập trung vào các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại như chương trình trao đổi bơm kim tiêm, chương trình 100% bao cao su; tiếp tục triển khai chương trình thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Hải Phòng, TP.HCM và sắp tới là Hà Nội...; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS...
Đức Tùng