Khủng hoảng tín dụng Mỹ không "chạm" đến GDP của VN
Các Website khác - 11/10/2008

 

 
Trong quý 4 Chính phủ phải hết sức nỗ lực mới có thể hoàn thành được chỉ tiêu GDP 2008 là 7%

Hanoinet- Cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng ở Mỹ và EU sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5 - 7% của Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khẳng định như vậy trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009 trước UBTVQH ngày 10/10.

Khủng hoảng ở Mỹ không quan ngại đến Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng ở Mỹ và EU sẽ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu tăng trưởng GDP 7% của Việt Nam là một trong những nội dung "nóng" được các thành viên UBTVQH bàn luận tại cuộc họp này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài Chính và Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển và Chủ tịch Hội đồng dân tộc QH Ksor Phước cùng chung băn khoăn: Chính phủ tính toán thế nào để đối phó trước nguy cơ này, vì đây sẽ là những yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 7%.
Theo Ông Võ Hồng Phúc thì năm 2008 chứng kiến sự suy yếu của thị trường tài chính, tín dụng, ngân hàng của Mỹ, đồng đô la mất giá, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ giảm xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.
"Sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, tín dụng ở Mỹ và một số nước EU vừa qua rõ ràng là có tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, xong điều đó không gây quan ngại nhiều đến nền kinh tế Việt Nam". Ông Phúc khẳng định.
Theo ông Phúc thì, có hai tiêu chí ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam là tỷ lệ xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng hai chỉ số này đều ở mức an toàn.
Cụ thể, lượng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ và EU không lớn (chỉ chiếm khoảng 18-20%) các sản phẩm xuất khẩu cũng chủ yếu là hàng thô, giá trị thấp, các mặt hàng chiến lược có giá trị cao đều tập trung ở những khu vực ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này như Nhật, các nước Đông Nam Á...
Về chỉ số đầu tư trực tiếp từ nước ngoài thì nếu xếp hạng thì Mỹ xếp thứ 11, các nước EU cũng xếp sau đó rất nhiều. Đây không phải là những đối tác có lượng đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian gần đây.
"Ước cả năm 2008, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đạt khoảng 10-11 tỷ USD, tăng 10,6% trong đó chủ yếu là các nước đầu tư chính trong khu vực và Nhật Bản, Hàn Quốc". Ông Phúc cho biết thêm.

Chưa thể kiểm soát được đầu cơ chứng khoán

Chưa dừng lại ở đó ông K`sor Phước đề nghị Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải thích rõ hơn về sự sụt giảm của thị trường BĐS, chứng khoán mà theo ông đã đến lúc "bong bóng" 2 thị trường này đang đua nhau nổ. "Sự tụt giảm của hai thị trường này đang "ăn thêm" vào các chỉ số GDP khiến cho nó phải "cõng" thêm gánh nặng đó để góp phần làm cho GDP đi xuống." ông Phước bình luận thêm.
"TTCK là nơi tập trung huy động vốn khá tốt, nhưng hiện nay đang bị đầu cơ và lũng đoạn. Vậy phải chăng do cơ chế quản lý của chúng ta đang có vấn đề?". ông Phước đặt câu hỏi.
Trả lời cho câu hỏi này Bộ trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh cho rằng: Sự sụt giảm của TTCK thời điểm này là hệ luỵ của 2 năm vừa qua thị trường này phát triển quá "nóng".
Cung cách của các nhà đầu tư chủ yếu theo bề nổi, phong trào mà không nhìn vào thực chất các hoạt động kinh doanh của công ty niêm yết cổ phiếu. Chính vì vậy sang 2008 khi các chính sách kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng đã khiến cho thị trường này bị tác động.
Đề cập đến vấn đề đầu cơ theo ông Ninh thì để xác định việc có sự đầu cơ tại thời điểm nay là rất khó khăn bởi hình thức đầu cơ hiện nay rất nhiều như dài hạn, "lướt sóng"... trong khi đó công cụ quản lý thuế về TTCK lại chưa hoàn thiện nên không thể xác định được các giao dịch, việc kinh doanh mua bán này...
"Tới đây, khi luật thuế thu nhập cá nhân đi vào cuộc sống chúng tôi sẽ kiểm soát tốt hơn vấn đề thu nhập để từ đó ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, đồng thời chính sách thuế này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn yên tâm khi đầu tư vào chứng khoán mà không lo ngại sự đổ vỡ."
Ông Ninh cũng cho biết thêm: Hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ đề án quản lý TTCK chính thức và thị trường không chính thức trong đó sẽ có những điều kiện quản lý, quy định cụ thể để đối phó với từng giai đoạn khi thị trường này khủng hoảng ở các cấp độ khác nhau.

 

Theo VTC