Tổn thất điện năng lên tới 30-40%. Nhiều nơi, người nông dân phải mua điện với giá từ 900-1.000đ/kWh, trong khi, giá trần chỉ là 700đ/kWh. Đó là những vấn đề nóng bỏng đã được đưa ra bàn thảo tại cuộc tiếp xúc cử tri ngành điện lực thành phố của Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII thành phố Hà Nội hôm qua, 9-10. Điểm nóng đầu tiên là hoạt động của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn còn lộn xộn, không đúng với Luật Điện lực. Một số HTX chưa quản lý trực tiếp đến hộ dân mà thông qua khoán thầu cho cá nhân hoặc một nhóm người phụ trách, với kiểu lời ăn lỗ chịu. Hàng tháng, các cá nhân này đóng góp trả cho xã một khoản tiền tùy theo sản lượng điện tiêu thụ trong tháng. Được biết, thành phố Hà Nội hiện có 305 xã, phường, thị trấn do 576 tổ chức quản lý điện nông thôn mua điện của Công ty Điện lực Hà Nội, bán lại cho 537.133 hộ tiêu thụ.
Tính đến hết tháng 9-2008, có tới 212/576 tổ chức mua bán điện trung gian đã hết hạn Giấy phép hoạt động điện lực. Ước tính đến hết năm nay, số tổ chức hết hạn giấy phép hoạt động kinh doanh điện này là 458 tổ chức. Hầu hết, các tổ chức này chỉ được cấp phép tạm thời trong thời gian từ 1-2 năm. Chỉ có 2 HTX được cấp phép hoạt động 5 năm. Lý giải sự vô lý này, ông Phạm Trung Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay khi xin cấp phép, các tổ chức này đa số không đáp ứng được đầy đủ điều kiện trang thiết bị phục vụ cho kinh doanh điện. Vì thế, Sở đành cấp phép tạm thời. Mặc dù đã được chính quyền huyện, thành phố thông báo nhiều lần nhưng các tổ chức kinh doanh này vẫn trì hoãn, làm hồ sơ xin gia hạn giấy phép. Trên thực tế, thành phố đang tồn tại rất nhiều tổ chức kinh doanh điện nông thôn không hợp pháp. Kèm theo những hạn chế trên, ông Trần Đức Hùng - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội phản ánh, hệ lụy là mỗi tháng sản lượng điện nông thôn khoảng 65 triệu kWh với tỷ lệ tổn thất điện năng trung bình rất cao từ 30-40%. Nếu tính theo giá trần 700đ/kWh bán cho khu vực nông thôn, các tổ chức này đã gây thất thoát của Nhà nước ước khoảng 14 tỷ đồng/tháng. Điều này xuất phát từ tình trạng, hầu hết các tổ chức kinh doanh điện nông thôn chỉ tập trung vào phần hưởng lợi nhuận mà không đầu tư hạ tầng, dẫn tới sự xuống cấp của hạ tầng lưới điện ngày càng trầm trọng. Hệ thống đo đếm điện năng của các tư nhân, HTX hầu hết mua trôi nổi ngoài thị trường, không được kiểm định định kỳ. Nhiều nơi, còn sử dụng cột tre để làm cột điện, sử dụng dây dẫn điện là dây trần, tiết diện nhỏ hơn so với yêu cầu. Từ năm 2004 đến tháng 8 năm nay, đã có 5 vụ tai nạn về điện làm 5 người chết. Bên cạnh đó, những người nông dân của Hà Nội đang phải chịu thiệt thòi vì mua điện với giá cao. Lợi ích từ chính sách trợ giá điện nông thôn của Nhà nước đang rơi vào túi những tổ chức, cá nhân mua bán điện trung gian. Theo quy định, giá điện bán buôn cho khu vực nông thôn là 390đ/kWh. Các tổ chức trung gian có thể đầu tư, bán điện cho các hộ nông dân với khung giá trần tối đa là 700đ/kWh. Đa số, các hộ nông dân đều phải mua điện với mức giá trần này. Không chỉ vậy, có nhiều trường hợp phải mua vượt mức giá trần. Tại xã Phú Lương, Hà Đông, có tới 1.938/4.088 hộ đang phải mua điện với giá 700-900đ/kWh. Còn các hộ sản xuất phần lớn phải mua điện với giá từ 1.300-1.600đ/kWh, cao hơn rất nhiều so với mức giá bán điện 984,5đ/kWh cho khu vực sản xuất mà Chính phủ quy định. Trước các bức xúc trên, ông Phạm Trung Sơn nhấn mạnh: Hiện, Sở Công Thương đang đề xuất phải kiểm tra lại năng lực của toàn bộ các đơn vị kinh doanh điện trung gian. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì Sở cương quyết không cấp phép hoạt động, đồng thời, kiến nghị UBND thành phố yêu cầu các đơn vị này phải bàn giao lưới điện cho Công ty Điện lực Hà Nội quản lý. Với số vốn đầu tư cần 1.500 tỷ đồng để tiếp nhận lưới điện nông thôn, Công ty Điện lực Hà Nội cũng kiến nghị được hưởng các chính sách ưu đãi về vay vốn ngành điện thành phố. Theo Phạm Huyền |
▪ Khủng hoảng tín dụng Mỹ không "chạm" đến GDP của VN (11/10/2008)
▪ TP.HCM: Cấp phép lại, “lô cốt” mọc... nhiều hơn! (11/10/2008)
▪ Mưa lớn, kẹt xe kéo dài 10km tại Cần Thơ (11/10/2008)
▪ Phát hiện rượu nhiễm methanol gấp 70-82 lần cho phép (11/10/2008)
▪ Bộ GTVT “thúc” tiến độ cầu Thanh Trì, nam vành đai 3 (11/10/2008)
▪ Lấy tăng trưởng để tự thoả mãn thì chưa ổn” (11/10/2008)
▪ Con đường huyết mạch của TP HCM sẽ ngập đến năm sau (10/10/2008)
▪ Đặc công diễn tập giải cứu con tin (10/10/2008)
▪ Vinataxi đình công, hàng trăm tài xế tuyên bố trả xe (10/10/2008)
▪ Hà Nội: Thêm bệnh viện khách sạn lớn vi phạm xả thải (10/10/2008)