Lại hạn chế xe cá nhân
Các Website khác - 24/12/2008

Xe máy hạn chế sự phát triển của xe buýt nhưng sự thiếu tiện lợi và không thân thiện của xe buýt đã không thu hút được người dân

Sáng nay (24.12), sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức hội thảo bàn các biện pháp đẩy nhanh phát triển vận tải hành khách và giảm dần xe cá nhân. Hầu hết các nhà khoa học, quản lý đều cho rằng cần phải hạn chế xe cá nhân và đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng nhưng biện pháp cụ thể chỉ dừng lại ở những cam kết

Một xe “gánh” nhiều loại phí?

Kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Xuân Mai (đại học Bách khoa TP.HCM), xe gắn máy có nhiều tiện lợi nhưng cũng gây ra nhiều bất tiện. Theo ông Mai, đây là loại phương tiện chính gây ra kẹt xe cho thành phố hiện nay và hệ số ùn tắc giao thông ở thành phố hiện vượt mức cho phép từ 11 đến 23 lần. Thời gian giải toả phải trên một giờ. Tổng thiệt hại kinh tế do phụ thuộc xe gắn máy của TP.HCM do sự đầu tư bất hợp lý, ùn tắc giao thông, lãng phí tiêu hao nhiên liệu, tai nạn giao thông, lãng phí sử dụng đất mỗi năm trên 14.300 tỉ đồng. Ông Mai kiến nghị phát triển trên nền giao thông công cộng bền vững, cùng với giảm giao thông cá nhân.

Những biện pháp cụ thể hạn chế xe gắn máy hay làm nản lòng những người đi xe máy, được đề nghị như không nhập khẩu xe gắn máy, không khuyến khích hoặc phát triển xe gắn máy, tăng giá bán xăng trong nội đô, thu thuế ô nhiễm môi trường. Một biện pháp “gây khó” khác cũng được đề cập đến là không xây dựng mới và xoá bỏ các bãi giữ xe ở khu vực trung tâm thành phố; đồng thời lấy giá giữ xe tăng cao dần khi đi vào khu vực trung tâm hoặc gần trung tâm.

Ông Mai khuyến cáo, bài học từ xe gắn máy phải được ghi nhận cho hiện tượng phát triển của xe hơi cá nhân sẽ bùng nổ vào khoảng năm 2015 – 2020.

Vẫn là cam kết tạo điều kiện đi lại

Nguyên giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải, GS–TS Lê Quả cho rằng, giao thông công cộng của thành phố đang đứng trước những thách thức, kẹt xe triền miên nhưng chưa tìm được một biện pháp khả dĩ. Đã có nhiều biện pháp được đề cập đến để chống lại nạn kẹt xe, trong đó giải pháp hạn chế xe cá nhân mà chủ yếu là xe gắn máy được dư luận quan tâm nhiều hơn cả. Theo ông Quả, nạn kẹt xe trầm kha hiện nay là hậu quả bởi lỗi quản lý đô thị quá yếu lâu nay tích tụ lại. Các giải pháp chống kẹt xe mang tính chống đỡ.

Dù không đồng tình với việc cấm ngay xe cá nhân nhưng ông Quả cho rằng hạn chế là việc phải làm. Tương tự, gần như tất cả các nhà khoa học được mời góp ý đều đồng tình với giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng song song với việc hạn chế xe cá nhân. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng (trường đại học Giao thông vận tải, cơ sở 2), nếu thành phố áp dụng biện pháp hành chính hạn chế ngay xe cá nhân thì sẽ vấp phải những phản ứng mạnh từ người dân; đồng thời biện pháp này còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Việc cần làm lúc này không phải là thành phố chọn giao thông cá nhân hay giao thông công cộng mà phải có sự giao thoa, phối hợp hai loại hình này thành hệ thống giao thông thống nhất và tiện ích. Nhưng điều khó khăn nhất là tạo các điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng chuyển đổi giữa hai hình thức giao thông này.

Ông Lê Hải Phong, phó giám đốc trung tâm Quản lý và điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng đưa ra mô hình 4P (giá vé xe buýt, quảng bá hình ảnh xe buýt, dịch vụ và địa điểm) để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt. Trong đó yếu tố dịch vụ có tính quyết định thu hút người dân đi xe buýt thì đang tồn tại, chưa được khắc phục. Xe buýt chưa chiếm được tình cảm của người dân, thậm chí còn bị coi là “hung thần” hay “xe vua”, thái độ lái xe, tiếp viên không tốt đã khiến người dân ngán ngại đi xe buýt.

Ông Phong cam kết, xe buýt thành phố đang cố gắng hoàn thiện để cung cấp một dịch vụ ngày càng tốt hơn, đặc biệt là hình ảnh không tốt của các tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt.

Theo SGTT