Gần đây, hoạt động lấy ý kiến nhân dân cho một số dự thảo luật được các nhà lập pháp khá quan tâm. Tuy nhiên, việc chỉ đơn giản đưa dự luật lên mạng và một số tờ báo viết, không có cơ chế phản hồi đã khiến không ít người cho rằng hoạt động này nặng tính hình thức.
Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thẩm quyền công bố các văn bản để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Các ủy ban của Quốc hội, Bạn soạn thảo, Văn phòng Quốc hội và Ban công tác lập pháp giúp Ủy ban Thường vụ tập hợp, chỉnh lý, tiếp thu ý kiến nhân dân. |
Từ ngày 20/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức lấy ý kiến nhân dân 2 dự luật được đông đảo dư luận quan tâm là: Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chuẩn bị thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Tuy nhiên, đến nay số người biết và quan tâm đóng góp cho 2 dự luật này vẫn còn chưa được như mong muốn. Ngay sau khi VnExpress tiến hành thăm dò ý kiến bạn đọc về vấn đề này, nhiều độc giả đã viết thư phản ánh, cách thức lấy ý kiến người dân đóng góp cho dự luật hiện nay còn nhiều hạn chế. Độc giả Ngô Quốc Tường có nick là qtuongnk phản ánh: "Việc xin ý kiến hiện chỉ giới hạn ở một số, không phải đại đa số nhân dân. Tôi đoán chắc có rất nhiều người thậm chí còn không biết có chủ trương như thế". Điều anh Tường nói cũng được thể hiện ở kết quả trắc nghiệm trên VnExpress, tức có 294 trong tổng số 4.947 phiếu cho rằng cơ quan xin ý kiến thiếu cách phổ biến luật đến dân.
Hiện cách phổ biến dự luật chủ yếu trên mạng và một số tờ báo viết nên những cán bộ hưu trí như ông Trịnh Việt Hùng, nhà ở ngõ 117 Thái Hà, Hà Nội, khó có điều kiện tiếp nhận thông tin. "Muốn góp ý thì ít nhất cũng phải hiểu người ta có kế sách gì chống tham nhũng, nhưng chẳng biết tìm văn bản ở đâu", ông Hùng nói. Theo ông, nếu xin ý kiến nhân dân như hiện nay thì vẫn còn "quan liêu và xa dân lắm". "Giá như cứ phát cho mỗi phường một bản dự thảo, để những cán bộ hưu như chúng tôi đến đọc, rồi trao đổi, biết đâu lại nảy ra ý kiến hay", vị cựu thẩm phán này đề xuất.
![]() |
Một lý do khiến người dân không tin tưởng vào việc góp ý cho các dự thảo luật là còn nghi ngờ, không biết bạn soạn thảo có lắng nghe hay không. Độc giả Phạm Quang Minh với nick minhkt2004 phản ánh: "Việc đưa vấn đề ra tham khảo ý kiến rộng rãi, tôi hoàn toàn ủng hộ, nhưng vấn đề ở chỗ ý kiến đó có được xem xét, lắng nghe và nếu hợp lý thì có được tiếp thu rốt ráo hay không? Lòng kiên nhẫn của người dân có hạn. Nếu dân còn tâm huyết, dân còn góp ý. Tôi mong rằng những lần lấy ý kiến thế này đừng để người dân mất lòng tin".
Cùng chung băn khoăn này, ông Bùi Bá Nhuận, nguyên giám đốc Công ty xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, bộc bạch: "Cứ trông vào cách đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri thì còn hình thức lắm. Người ta chỉ gửi giấy mời một số cử tri, chứ không thông báo trên loa phát thanh để bà con biết và nếu ai quan tâm, muốn phản ánh vấn đề gì thì đến".
Để giải quyết vướng mắc thư gửi đi không biết có được tiếp thu hay không, nhiều người dân cho rằng cần có cơ chế hồi âm thư góp ý. Anh Nguyễn Thắng Lợi từ địa chỉ thienloi_2000 giải thích: "Người dân rất quan tâm đến vận mệnh của đất nước, khi bạn hỏi ý kiến người ta thì nên có thái độ đúng mực, có nghĩa là cần thiết phải trả lời". Một bạn đọc khác viết: "Nếu người lấy ý kiến tôn trọng dân thì chắc chắn hàng nghìn hàng vạn, thậm chí triệu triệu người sẽ cảm thấy cần phải có trách nhiệm với việc góp ý. Từ đó, việc phổ biến rộng rãi các dự luật trong hệ thống pháp luật cũng như việc thi hành luật sẽ có hiệu quả".
Tuy nhiên, có một thực tế là với hàng chục nghìn thư góp ý, cơ quan xin ý kiến sẽ rất khó trả lời. Vì thế, bạn đọc Trần Mạnh Tường với nick vtkmui đề xuất cách hồi âm tốt nhất là gửi thư (có thể thư thông thường hoặc thư điện tử), nội dung đơn giản chỉ mang tính thông báo. Ví dụ, "chúng tôi đã nhận được ý kiến đóng góp của quý vị, chúng tôi sẽ nghiêm túc nghiên cứu".
Như Trang
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Phụng sự nhân dân (15/08/2005)
▪ Nữ thợ hồ (15/08/2005)
▪ Hà Nội: Giá thuê văn phòng sẽ tăng khoảng 10- 15% (13/08/2005)
▪ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Rumani (13/08/2005)
▪ Tụt hậu về kinh tế, công nghệ là nguy cơ lớn nhất (13/08/2005)
▪ Hội Nhà báo Việt Nam và các kỳ Ðại hội (13/08/2005)
▪ Ở cho "bén rễ, xanh cây" mới về! (13/08/2005)
▪ Hai bà mẹ Đức và 200 người con Việt Nam (13/08/2005)
▪ Khơi dậy nguồn lực chất xám của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (14/08/2005)