Mầm xanh trên đảo đá Long Châu
Các Website khác - 03/12/2005
Hải đăng long Châu.
Cuộc sống ở Long Châu còn có phần còn khắc nghiệt hơn trên cao nguyên Đồng Văn, Mèo Vạc, nhưng từng ngày, những “cư dân đặc biệt” nơi đây vẫn lặng lẽ ươm mầm, phủ xanh hòn đảo tuyền một thứ đá tai mèo sắc nhọn này.
Bám trụ kiên cường trên đảo Long Châu chỉ có lính biên phòng và những người gác đèn biển, cuộc sống gần như tách biệt hẳn với đất liền.

Diện tích tự nhiên cả đảo hơn 1 km2, chỉ tuyền một thứ đá tai mèo sắc nhọn, xám xịt. “Long Châu nhiều đá, ít cây” – nhà thơ Huy Cận đã viết như thế. Ngọn hải đăng trên đảo được Pháp xây dựng từ năm 1894, cao 109,5 m, chiều cao công trình 30 m.

Thời chiến tranh, hòn đảo này hứng chịu khoảng 5.000 tấn bom, người công nhân trạm đèn dã phải chiến đấu hơn 200 trận với máy bay Mỹ để ngọn hải đăng luôn toả sáng. Trải qua lửa đạn chiến tranh ác liệt, Long Châu là một trong số ít hải đăng vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn hình dáng kiến trúc ban đầu.

Hải đăng Long Châu sử dụng đèn pha quay bóng ha-lô-gien 12 vôn, công suất 40W, hiệu lực chiếu sáng 27 hải lý, ánh sáng trắng chớp nhóm 3, chu kỳ 20 giây. Thông số này chính là đặc điểm để những con tàu trong đêm đen có thể biết chính xác đó là hải đăng Long Châu. Nhiều khi trên biển không phân biệt được xa hay gần, phải dựa vào đặc điểm chớp sáng, vì thế hải đăng cạnh nhau không bao giờ cùng chu kỳ...
Chiếc tàu nhỏ nhẹ nhàng lách vào một vụng nhỏ, nước trong vắt nhìn rõ từng viên sỏi dưới đáy. Đón chúng tôi lên đảo là tiếng sủa râm ran của bầy chó. Nuôi chó chỉ để vơi bớt phần nào nỗi nhớ quê và bảo vệ chính người trên đảo, bởi ở đây rắn nhiều vô kể, mà lại toàn là rắn lục, rắn nâu cực độc.

Cô bạn đồng nghiệp từng ra đây, kể, trước đây, đảo nuôi cả mèo, đặc biệt chó và mèo sống với nhau rất hòa thuận, nhưng sau mèo không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt dần dần chết cả.


Vườn rau của lính đảo.
Cánh nhà báo chúng tôi bỗng trở thành khách quý của những “cư dân” hiếu khách trên đảo. Mấy nữ phóng viên xắn tay trổ tài nấu nướng cùng lính trẻ, còn thiếu uý biên phòng Nguyễn Nhật Thoả, người có thâm niên tám năm ở Long Châu, “trình diễn nghệ thuật” nấu nồi cơm dẻo thơm trên tảng đá tai mèo, giữa bốn bề biển khơi lộng gió.

Khung cảnh gia đình ấm áp này khiến những chàng lính trẻ rất xúc động. Họ tâm sự, thường chỉ dịp Tết mới có dịp được gặp các “bóng hồng” trên đảo. Câu chuyện xoay về ngày tết, trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hóm hỉnh kể rằng, năm vừa rồi trạm đèn ăn tết sớm, một đoàn khách ra thăm đảo hôm 27, tiêu chuẩn Tết được đem hết ra “chiêu đãi”. Với họ, khách đến chơi nhà ngày xuân là niềm vui lớn, bởi ngay cả gọi điện về nhà cũng khó vì ở đây thừa sóng biển, thiếu… sóng thông tin.

Thông thường, mỗi tháng đảo được tiếp tế lương thực, thực phẩm và nước uống một lần, nhưng mùa mưa bão, biển động, tàu ra theo quý. Năm 2003, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải 1, đơn vị chủ quản trạm đèn biển, vận chuyển hẳn 20 m3 đất, xây tường chắn làm mảnh vườn chừng 50 m2 giữa thung khuất, để bữa ăn hằng ngày có rau xanh.

Đảo đá còn được phủ xanh bằng những cây bàng, cây hoa sữa hiếm hoi đem ra từ đất liền. Cây được rào giậu chắc chắn ngăn giữ dê ăn và che cả gió biển.

Thiếu thốn vật chất đã đành, cuộc sống văn hoá tinh thần còn thiếu thốn hơn. Trạm biên phòng có máy thu hình nhưng theo thiếu uý Lê Văn Duân, để thế cho đẹp thôi vì máy phát điện thường xuyên… hỏng. Sách báo ra đảo theo lịch tàu, cho nên được đọc báo chí trong ngày do chúng tôi đem ra là một sự kiện vô cùng đặc biệt của những người trên đảo.

Ông Bùi Minh, Giám đốc Xí nghiệp Bảo đảm An toàn hàng hải 101, kể rằng, cách đây mấy năm, cô gái con ông quản đăng trưởng (người phụ trách hải đăng) người Pháp ở Long Châu trước kia, trong lần du lịch sang Việt Nam đã tìm cách ra tận đảo thăm lại nơi mình từng sống ngày thơ ấu. Nhìn ngọn hải đăng vẫn vẹn nguyên dáng hình xưa cũ, cô xúc động đến trào nước mắt. Long Châu, với kiến trúc độc đáo và sự hoang sơ vốn có, sẽ mãi mãi là một địa danh nổi tiếng giữa đại dương vời vợi, ngút ngàn.

Quang Hưng