Đem lại những điều thần kỳ từ cây kim
Các Website khác - 03/12/2005
Kế tục tinh hoa trong điều trị y học dân tộc của ông cha, những năm qua, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đứng đầu là giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Tài Thu đã không ngừng nghiên cứu, phát triển, đưa kỹ thuật châm cứu lên tầm cao mới, góp phần đem lại vinh quang cho nền y học dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Bệnh viện Châm cứu trung ương thể thầy thuốc nơi đây. Bệnh viện được thành lập năm 1982, địa điểm là một bãi sình lầy, cỏ lác mọc um tùm. Từ "cơ ngơi" đó, các cán bộ vừa là thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân vừa là công nhân chung tay xây dựng bệnh viện. GS Nguyễn Tài Thu, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư, nhớ lại: Do điều kiện kinh phí thiếu thốn cho nên bệnh viện thường xuyên huy động cán bộ, công nhân viên đổ sức lao động làm đường, lấp hồ, chống nắng, đồng thời tham gia giảng dạy ở nước ngoài, đi vận động tài trợ của các tổ chức quốc tế ủng hộ một số nhà lắp ghép bằng gỗ để dựng tạm lấy chỗ làm việc cũng như duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh. Có những lúc, bệnh viện tổ chức, động viên tới 70% số nhân lực xuống lao động xây dựng bệnh viện, chỉ để 30% số cán bộ, công nhân viên làm việc thay cho 70% số đồng nghiệp.

Biết bao con người không may gặp cảnh ngộ éo le, mắc những căn bệnh hiểm nghèo được những "cây kim thần kỳ" đưa trở lại cuộc sống thường ngày. Tuy tổng số loại bệnh mà phương pháp châm cứu điều trị khỏi không nhiều (hơn 60 loại), nhưng có thể thấy trong đó có nhiều loại bệnh hiểm nghèo, có những bệnh điều trị tây y khó đạt kết quả cao, như: liệt (toàn thân, liệt một phần hai người), chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, câm điếc do tai biến sản khoa... Những con số thống kê của bệnh viện về những người khỏi bệnh đã nói lên điều đó.

Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, phương pháp điều trị bằng châm cứu đã mang lại kết quả cao cho 1.200 trẻ em bị bại liệt do viêm não Nhật Bản; 4.000 người bệnh bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não; 5.000 người bị rối loạn các chức năng như: thiểu năng ngôn ngữ, trí tuệ, giảm thị lực, thính lực do bệnh não gây nên...

Ðáng chú ý, những năm gần đây, các thầy thuốc của bệnh viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp châm tê trong phẫu thuật. Ðây là phương pháp không dùng thuốc tây y hay gây mê để tiến hành phẫu thuật. Ðã có khoảng 2.500 người bệnh được phẫu thuật bằng phương pháp này, đạt kết quả tốt như: phẫu thuật bướu cổ, cắt u xơ tử cung, sỏi niệu quản, bàng quang, dạ dày, túi mật...

Có được kết quả đó là nhờ tập thể thầy thuốc nơi đây có tinh thần say mê học hỏi, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả trong việc kết hợp một cách khoa học giữa y học cổ truyền và y học hiện đại vào các lĩnh vực chữa bệnh, từng bước hiện đại hóa kỹ thuật châm cứu trong điều trị bệnh. Trong công tác chẩn đoán bệnh, các kỹ thuật hiện đại, thành tựu mới nhất của y học hiện đại đều được bệnh viện ứng dụng, như máy siêu âm mầu, đo loãng xương, lưu huyết não (đo máu đi qua não), máy đo điện não kỹ thuật số... Từ đó giúp thầy thuốc đưa ra định hướng điều trị có hiệu quả cũng như đánh giá chính xác được kết quả điều trị , giúp việc điều trị bằng phương pháp châm cứu đạt hiệu quả ngày càng cao. Bệnh viện đã áp dụng thành công phương pháp mãng châm (sử dụng kim dài) trong điều trị các bệnh nặng, phức tạp, đây là thành tựu lớn của ngành châm cứu Việt Nam, không nước nào trên thế giới có được.

Tập thể thầy thuốc của bệnh viện đã nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp điện châm hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy đạt hiệu quả cao, phương pháp này được Bộ Y tế cho phép sử dụng trên toàn quốc. Ðến nay, đã có hàng nghìn người nghiện ma túy tại 21 tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Hà Tây, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hà Nam, Thái Nguyên... được cắt cơn nghiện ma túy bằng phương pháp này.

Ngoài làm tốt công tác trị bệnh cứu người, điều đáng trân trọng, kể từ ngày thành lập, Bệnh viện Châm cứu T.Ư là đơn vị duy nhất trong cả nước hiện nay không thu viện phí của người bệnh. Người bệnh đến đây điều trị chỉ phải chi trả tiền xét nghiệm, thuốc (nếu có), còn các chi phí khám bệnh, điều trị, thủ thuật, giường bệnh... đều được miễn hoàn toàn. Ðể duy trì hoạt động này, bệnh viện thực hiện chủ trương "lấy ngoài nuôi trong", tăng cường công tác trao đổi, quan hệ hợp tác về chuyên môn với các nước trên thế giới, vừa có điều kiện đào tạo đội ngũ cán bộ, vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhất là nguồn kinh phí hợp tác đào tạo. Hơn 20 năm qua, bệnh viện chữa miễn phí cho khoảng 300 nghìn trẻ em tàn tật, chi hàng tỷ đồng cho các đối tượng này, ngoài ra hỗ trợ người bệnh nghèo tiền ăn trong quá trình điều trị. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện vẫn hỗ trợ nuôi ăn cho 150 bệnh nhi nội trú. Với cơ chế thị trường hiện nay, khó có cơ sở y tế nào làm được điều đó. Trong công tác đào tạo, nhằm phổ biến cũng như giới thiệu phương pháp điều trị bằng châm cứu cho nhân dân trong nước cũng như nước ngoài, những năm qua, bệnh viện luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Hằng năm, bệnh viện mở từ năm đến mười lớp châm cứu cho cán bộ y tế cơ sở, vì thế trong mười năm qua bệnh viện đã tổ chức được 82 lớp, đào tạo được 4.874 thầy thuốc châm cứu. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã tổ chức được 53 lớp, đào tạo cho 261 học viên nước ngoài đến Việt Nam học tập. Bệnh viện mở được 31 lớp đào tạo về châm cứu ở nước ngoài để dạy cho 2.600 học viên của 37 nước như: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Italy... Từ năm 2003, bệnh viện phối hợp Trường đại học Zacatecas mở lớp đào tạo cho 21 thạc sĩ châm cứu của Mexico và xây dựng được ba trung tâm châm cứu tại nước này. Với các hoạt động này, Bệnh viện Châm cứu T.Ư được đánh giá là đơn vị hòa nhập tốt nhất với thế giới về y tế.

TRUNG HIẾU