"Méo mặt" cô dâu, chú rể
Các Website khác - 03/12/2005
"Gánh nặng" mùa cưới năm nay lại càng nặng hơn vì cúm gia cầm. Các nhà hàng, khách sạn đua nhau lên giá cỗ cưới vì lý do phải thay món gà chủ lực.
Cỗ cưới không gia cầm, giá lên chóng mặt

Muốn biết "vai trò" của gia cầm thế nào trong mùa cưới thì hãy đi "dạo quanh thị trường" một vòng. Tại Hà Nội, những nhà hàng, khách sạn chuyên làm tiệc cưới đã tăng giá lên gấp rưỡi. 600.000đồng/mâm cho 6 người ăn cũng có, nhưng món ăn sơ sài. Nhiều người đi ăn tiệc cưới về khôi hài: ăn tiệc mất 110 nghìn đồng, 100 nghìn tiền mừng và 10 nghìn để ăn phở, vì cỗ cưới không có gì ăn.

Để tránh việc khách đi ăn cưới về phải ăn thêm phở, nhiều người tổ chức đám cưới mùa này phải đặt tiệc đến trên dưới 1 triệu đồng/mâm. Tại khách sạn ASEAN, giá cỗ cưới loại mèng mèng cũng 800 nghìn đồng/mâm. Tháp Hà Nội hay Daewoo, cỗ cưới có giá đến hơn 1 triệu đồng/mâm.

Nguyên, một chú rể là kỹ sư xây dựng, kể: "Đám cưới của em phải tổ chức ở tận thị xã Hà Đông, mặc dù nhà cô dâu, chú rể đều ở Hà Nội. Chỉ vì ở thành phố đặt cỗ quá đắt, mà đã cưới thì không thể không mời ăn được".

Một số cô dâu chú rể khác phải bỏ qua sĩ diện để tổ chức tiệc cưới tại những nhà hàng không có tiếng tăm. Thế nhưng tình trạng tăng giá mùa cúm gia cầm cũng không bỏ qua những địa chỉ như vậy. Một số nhà hàng vốn dĩ là quán bia hơi nâng cấp ở Hà Nội cũng từ chối làm những tiệc cưới giá dưới 500 nghìn đồng/mâm.

Không có gia cầm, có thể làm tiệc từ nhiều nguồn thực phẩm khác. Giá thị trường của thịt bò, dê, lợn... cũng không tăng đột biến như khi mới xuất hiện dịch mấy năm trước, nhưng vin vào dịch những người nhận làm tiệc cưới đã không từ bỏ cơ hội để kiếm lời.

Không ăn thịt gia cầm chỉ ăn trứng gia cầm

Khách sạn ASEAN (đường Chùa Bộc) cỗ cưới mùa trước là 500 nghìn/mâm (có thịt gà). Cũng thực đơn như thế, năm nay (không có gà) giá là 700 nghìn (chưa kể đồ uống).
Nhà hàng Vạn Tuế (Láng Hạ) năm trước là 550 nghìn, năm nay cũng thực đơn như thế (thay món gia cầm) giá từ 750-800 nghìn.

KS Daewoo thực đơn mùa trước là 700 ngàn, năm nay hơn 1 triệu/mâm.

Chủ nhà hàng trong Công viên Tuổi trẻ cho biết, thịt thỏ rất đắt, nhưng nhiều người vẫn đặt để cho khách ăn tiệc không bị "hẫng hụt" vì thiếu gà.


Cứ theo thông lệ, thịt gà là món "chủ đạo" của cỗ cưới. Có gà, cỗ mới sang, mới hoành tráng. Sau gà là vịt hầm, chim quay... Thế nên, khi dịch cúm gia cầm đã cận kề "đại dịch", nhiều gia đình vẫn tranh thủ đặt cỗ cưới với gà, chim, vịt.

Một cô dâu kể: "Quê em ở Hải Dương, đám cưới tổ chức cả trên phố, cả ở quê. Trên phố, cỗ đặt thịt gà bị ế xưng xỉa. Thông tin cập nhật đến từng nhà, không ai dám ăn. Nhưng vì "để cho sang" bố mẹ em vẫn cứ đặt gà". Nhiều vùng khác cũng vậy, dân ở nông thôn hình như không sợ dịch. Càng có dịch càng ăn, chỉ với 5.000 đồng/kg gà, không ít người ham rẻ mà quên nỗi sợ dịch bệnh.

Mà thực tế thì những người làm cỗ với thịt gà ở quê cũng có cái lý của họ, rằng vùng họ ở chưa phải là vùng dịch, gia cầm làm cỗ là gia cầm sạch, sao lại cấm làm cỗ?

Thực tế, chuyện ăn hay không ăn thịt gia cầm và chế phẩm từ gia cầm hiện vẫn còn là vấn đề tranh cãi của các nhà chức trách trong ngành y tế. Ông Trịnh Quân Huấn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia khẳng định: "Tốt nhất là không nên ăn gia cầm, kể cả gia cầm đã nấu chín". Nhưng những quan chức bên Cục thú y lại cho rằng: "Gia cầm sạch có thể ăn bình thường". Vấn đề ở chỗ không phải ai cũng phân biệt được đâu là gia cầm sạch, đâu là gia cầm có nguy cơ. Và trong lúc các quan chức cãi nhau, người dân vẫn cứ thịt gia cầm làm cỗ.

Ngay thành phố, nhiều đám cưới đã "linh hoạt" đổi món từ thịt gia cầm sang trứng gia cầm. Nhất là các đám cưới tự tổ chức nấu. Họ giải thích: Không có trứng, khó có thể làm các món đặc trưng của cỗ cưới. Thí dụ như canh bóng phải có trứng chim cút, súp khai vị phải có trứng gà mới ngon...

Một đám cưới có cả trăm người ăn, ngộ nhỡ ăn phải thực phẩm mắc dịch, hậu quả sẽ không nhỏ. Thế nhưng không có luật nào cấm đám cưới chỉ được làm những món gì.

Đằng sau tiệc cưới

Thông lệ, dự đám cưới thời dịch cúm gia cầm như đã được ghi vào giấy trắng mực đen: Tiền mừng phải tùy theo... địa điểm mời cưới. Thí như ăn cưới ở Tháp Hà Nội, Daewoo, phong bì bét nhất cũng phải 300 - 400 nghìn đồng. Ăn cưới ở các nhà hàng bình thường cũng phải 200 nghìn.

Một tháng vào mùa cưới có chục đám, tiền mừng sẽ là bao nhiêu?

Một số người làm việc trong cơ quan Nhà nước, sinh viên mới ra trường, đã chọn kế "thượng sách": Gửi phong bì mừng cưới mà không đến dự. Nguyên do vì phong bì chỉ có 100 nghìn đồng, mà nếu ăn tiệc tại khách sạn sang thì sẽ phải bỏ thêm vào đó 200- 300 nghìn nữa. Thế mới có chuyện một số đám cưới đã chống ế bằng cách lưu ý ở phía dưới thiệp cưới một dòng chữ nhỏ "Nếu không đến dự tiệc được, xin vui lòng liên hệ lại với chúng tôi". Căn cứ vào số người "có khả năng" đi đám cưới, các gia chủ tính toán để đặt số lượng mâm cưới.

Theo Thể thao và Văn hóa