Ðây là bằng chứng và là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế gắn liền với sự quan tâm phát triển con người.
Một điều đáng tự hào là vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng theo chỉ số HDI cao hơn nhiều nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Chỉ số HDI của Việt Nam liên tục được cải thiện trong thời gian qua, từ 0,583 năm 1985 tăng lên 0,605 vào năm 1990; năm 1995 là 0,649, năm 2002 và 2003 là 0,688 và năm 2004 là 0,691 phản ánh những thành tựu phát triển con người chủ chốt như mức sống, tuổi thọ, y tế và giáo dục. Tuổi thọ của người dân Việt Nam tăng từ 68,6 năm 2003 lên 69 tuổi năm 2004 và 70,5 tuổi năm 2005. Mức thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua của Việt Nam tăng từ 2.300 USD năm 2004 lên 2.490 USD năm 2005. Thống kê của UNDP cho thấy, 1 USD ở Việt Nam có thể mua được lượng hàng gấp năm lần ở nước khác. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Việt Nam giảm mạnh. Với mức tăng trưởng kinh tế tương đương và mức thu nhập thấp hơn, Việt Nam đã vượt nhiều nước về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Thành tựu về tăng chỉ số phát triển con người của Việt Nam thật đáng ghi nhận trong bối cảnh ảm đạm về phát triển con người trên toàn thế giới năm nay. 18 nước với 460 triệu dân ở khu vực cận Sahara của châu Phi và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) bị thụt lùi về chỉ số HDI. So sánh với các nước có cùng trình độ phát triển về kinh tế và thu nhập, Việt Nam được coi là một thí dụ tiêu biểu cho sự thành công về khả năng cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển con người.Cùng là những nước có chỉ số kinh tế tương đương, chỉ số phát triển con người của Việt Nam ở một đẳng cấp khác. Ðạt được thành tựu này là do Ðảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội ngay trong từng bước phát triển, chú trọng nhân tố con người.
Trưởng Ðại diện UNDP tại Việt Nam G.Ryan đánh giá cao những thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm công bằng xã hội, thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đạt nhiều tiến bộ đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) đối với các nước đang phát triển. Việt Nam đứng thứ 47 trong tổng số 103 nước đang phát triển được xếp hạng về chỉ số nghèo tổng hợp (HPI). Tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm một nửa từ 58,1% năm 1993 xuống còn 24,1% năm 2004. Từ năm 2000 Việt Nam đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ học sinh nhập học cao, đạt 97,5% năm 2004. Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 24% năm 2005. Việt Nam đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực bình đẳng giới và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực về chỉ số phát triển giới. Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam C.S. Volkerman khẳng định, trong việc thực hiện MDGs, Việt Nam đã làm được những việc mà nhiều nước giàu chưa làm được. Với những thành tựu đạt được trong năm năm thực hiện MDGs, Việt Nam tin tưởng sẽ hoàn thành đúng thời hạn các cam kết trong Tuyên bố Thiên niên kỷ.
Thành công trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam có thể coi là một điều kỳ diệu đối với một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, hậu quả do chiến tranh để lại vô cùng nặng nề. Việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường; huy động tối đa các nguồn lực trong nước; đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành; khơi dậy các nhân tố tích cực trong các tầng lớp nhân dân đã góp phần mang lại thành công to lớn này cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, như khoảng cách chênh lệch về phát triển và thu nhập giữa các vùng và các nhóm dân cư còn lớn, bất bình đẳng giới vẫn còn, diễn biến về HIV/AIDS phức tạp... Quy chiếu với mức chuẩn nghèo mới thì Việt Nam vẫn còn 4,6 triệu hộ thuộc diện nghèo vào cuối năm 2005.
Thành tựu về phát triển con người của Việt Nam thật đáng tự hào. Ðể giữ được mức tiến bộ về HDI, Ðảng và Nhà nước ta tiếp tục nỗ lực thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua khoản đầu tư từ 60 nghìn đến 62 nghìn tỷ đồng trong năm năm tới (2006 - 2010) để tạo bước đột phá trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Với những nỗ lực mới, chúng ta tin tưởng rằng, đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn, từng bước nâng cao mức sống cho các tầng lớp nhân dân, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân.
|