SỰ KIỆN & BÌNH LUẬN Cần lắng nghe đại diện người lao động!
Tô Phán
Mấy ngày gần đây, tại TPHCM đang "nóng" do hàng vạn công nhân VN tại các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đình công. Nguyên nhân cơ bản đã được xác định rõ: Do chậm điều chỉnh lương tối thiểu ở các DN FDI.
Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ bình đẳng đôi bên cùng có lợi - đó là nguyên tắc, và càng nguyên tắc hơn khi mối quan hệ đó được điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật hiện hành của VN. Một khi các lợi ích của hai bên bị lệch do sự cố ý của một bên, hay do sự vô tình trong chính sách nhà nước, thì mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động có thể xuất hiện mâu thuẫn. Sự thay đổi này ở mức độ cao hay thấp, tích cực hay tiêu cực lại tuỳ thuộc vào thái độ của hai bên và của các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền. Không cần phân tích nhiều cũng thấy rõ tình hình "nóng" ở các DN FDI tại TPHCM cơ bản do lỗi của các ban, ngành chức năng, và có một phần do lỗi của các chủ đầu tư (trả lương thấp để cạnh tranh, thu nhiều lợi nhuận - mặc dù trong thực tế chủ đầu tư không vi phạm pháp luật).
Ở đây cần nói rõ một thực tế. Tổng LĐLĐVN đã nhiều lần kiến nghị về việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong các DN FDI. Nhưng đáng tiếc là những kiến nghị này đã không được các ban, ngành chức năng lắng nghe để sớm có giải pháp. Và sự "thiếu lắng nghe" đó cho thấy ít nhiều đã không hạn chế được tình hình "nóng" ở các DN FDI tại TPHCM hiện nay. Bởi vậy có thể rút ra một điều: Đối với những vấn đề liên quan đến người lao động, các ban, ngành chức năng nên lắng nghe ý kiến của tổ chức Công đoàn.
Theo quy định của luật pháp về lao động, người lao động có quyền đình công hợp pháp để đòi quyền lợi hợp pháp của mình. Người lao động ở các DN FDI đã thực hiện quyền của mình được luật pháp bảo hộ. Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp khi một số công nhân quá khích đã đập phá tài sản của chủ DN. Điều này pháp luật không cho phép. Dù là vì bất cứ lý do gì, nhưng một khi đã đập phá tài sản là người lao động đã vi phạm pháp luật.
Ngày 1.1.2006, Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH đã thống nhất gửi tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc nâng lương tối thiểu cho người lao động trong các DN FDI, với mức tăng sẽ là 40%. Hiện tại, Thủ tướng đang xem xét và sẽ có quyết định chính thức trong thời gian sớm nhất. Xin dẫn ra đây ý kiến của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu: "Tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng luôn đứng bên cạnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Anh chị em công nhân hãy yên tâm, trở lại làm việc, giúp DN ổn định phát triển sản xuất vì việc làm, đời sống của anh chị em gắn với sự ổn định và phát triển của DN". |