* Thưa ông, tại sao tình trạng lấn chiếm sông Hồng - vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh đê điều và Nghị định số 171 diễn ra trong thời gian dài - vẫn tái diễn?
- Ông LÊ QUÝ ĐÔN: Sông Hồng hiện nay đúng là có nhiều chỗ bị xâm hại nhằm khai thác cát, xây dựng bến bãi, thậm chí có nơi làm nhà lén lút, bất hợp pháp. Một số nơi xây dựng rất lộn xộn. Trách nhiệm thuộc về các quận, huyện. Lẽ ra, khi dân bắt đầu lấn chiếm, xây dựng phải xử lý ngay nhưng cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết dù thành phố đã chỉ đạo nhiều lần, có nhiều văn bản chỉ đạo. Theo tôi, đã đến lúc phải đưa ra cơ sở pháp lý tầm vĩ mô để giải quyết vấn đề trên và để xác định đâu là phần di dời, đâu là nơi dân được xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở, nhà ở tại bãi sông Hồng.
- Có công trình lấn chiếm, khai thác cát nhưng sau khi đoàn cán bộ đến kiểm tra, đâu vẫn hoàn đấy. Một số người dân phản ánh đó là do chính quyền sở tại bảo kê cho vi phạm. Thành phố có biết việc này?
- Có một số nơi, chỗ nọ chỗ kia có biểu hiện như vậy. Thực ra, năm 2005 thành phố đã xử lý kiên quyết một số trường hợp, nhưng xử lý để triệt tiêu vi phạm thì còn yếu. Một số địa phương hữu khuynh, để dân cơi nới, xây dựng lấn chiếm. Thành phố đã phân cấp, giao đủ quyền cho chính quyền phường, xã, quận huyện xử lý. Cơ chế xử lý ban đầu đã đầy đủ. Vấn đề là các phường xã, quận huyện có phát hiện được không, có xử lý không, khi vượt thẩm quyền có báo cáo thành phố không.
- Như ông nói, có nơi chính quyền cơ sở còn hữu khuynh, buông lỏng, thậm chí là bảo kê. Nếu thành phố không ra tay thì...
- Nếu thành phố không ra tay thì đã thành những công trường khai thác cát, những vụ vi phạm lớn rồi. Ra tay nhiều, chỉ đạo nhiều đã khắc phục được nhiều nhưng vẫn còn tình trạng như vậy. Những nơi có dấu hiệu vi phạm, các phương tiện thông tin phản ánh là chúng tôi chỉ đạo xử lý ngay. Thí dụ như công trình 528, thành phố đã thu hồi trên 1.700m2 đất. Công trình này đã được cơ quan chính quyền ở địa phương tham gia vào việc hợp lý hóa cho công trình, nhưng cuối cùng cũng bị xử lý. Tình trạng đốt lò, làm gạch ở Thanh Trì đã được xử lý. Còn những vi phạm tích tụ do lịch sử để lại thì phải chờ “ra” hành lang thoát lũ. Ở ngoài bờ sông, chính quyền lơ một chút là dân tái vi phạm ngay.
* Các quận, phường đã đủ thẩm quyền xử lý. Trách nhiệm cũng đã rõ, nhưng chưa ai bị mất chức hoặc kỷ luật vì để lấn chiếm?
- Cũng có những trường hợp bị phê bình rồi. Xử lý về mặt trách nhiệm, xử lý cán bộ thì đúng là chưa làm đến nơi đến chốn. Dù nguyên nhân để xảy ra vi phạm là rất nhiều nhưng vẫn là trách nhiệm của cán bộ trên địa bàn, muốn trốn tránh trách nhiệm cũng không được. Quận huyện phải kiểm tra, chỉ đạo xử lý rồi báo cáo kết quả xử lý lên thành phố.
- Theo ông, nơi nào xử lý vi phạm lấn chiếm sông Hồng còn yếu?
- Xử lý kịp thời, có hiệu quả, theo tôi thứ nhất là huyện Thanh Trì, thứ hai Sóc Sơn, thứ ba Từ Liêm, thứ tư là quận Hoàng Mai. Những nơi nổi lên nhiều vi phạm là ở quận Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm. Đó là những nơi có dân sống dày đặc ở bãi sông Hồng, tính chất phức tạp. Thành phố biết những nơi này chưa có nhiều tiến bộ trong khâu xử lý.
- Vậy bao giờ chấm dứt tình trạng lấn chiếm sông Hồng?
- Chỉ khi hoàn thành tuyến hành lang thoát lũ thì mới có cơ sở thực hiện. Hà Nội coi tuyến thoát lũ là cái gốc để giải quyết vấn đề bãi sông Hồng. Tuyến thoát lũ được phê duyệt nghĩa là có ranh giới nơi đâu dân được xây dựng khang trang hơn, nơi đâu làm đường, xây công viên, bãi đỗ xe, bến phà, nơi nào phải di dời làm hành lang thoát lũ. Quan điểm xử lý nhà chưa có sổ đỏ, xây dựng chưa có phép công trình lấn chiếm ở bãi sông Hồng của thành phố là: tất cả các công trình mới nảy sinh vi phạm thì phải xử lý. Những nơi do lịch sử để lại thì được giải quyết bằng các chính sách nhằm tạo điều kiện cho dân sống trong những công trình hợp pháp, đúng quy hoạch.
Pháp lệnh đê điều hiện có nhiều mâu thuẫn với thực tế, với yêu cầu chính đáng của dân, của địa phương. Nếu cuối năm nay đề án hành lang thoát lũ (đồng nghĩa với việc sửa đổi một số điều của Pháp lệnh đê điều) được thông qua thì đến năm 2010 sẽ cơ bản chấm dứt được tình trạng lấn chiếm, tạo ra bước chuyển căn bản về đô thị hiện đại ở bãi sông Hồng trên địa phận Hà Nội.
- Xin cảm ơn ông!
|