Nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám thể hiện trước hết ở việc Ðảng ta luôn bám sát tình hình thế giới và trong nước, dự báo sớm con đường phát triển của cách mạng và khả năng xuất hiện thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương, phương pháp đấu tranh đúng đắn, phù hợp từng giai đoạn, từ thấp đến cao tiến tới Tổng khởi nghĩa.
Hai là, Ðảng lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, chủ động xây dựng lực lượng và thực lực cách mạng về mọi mặt, nỗ lực chủ quan góp phần thúc đẩy thời cơ chín muồi.
Ba là, khi thời cơ xuất hiện, biết nắm lấy cơ hội ngàn năm có một, kiên quyết tổ chức, phát động quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, giành quyền độc lập tự do cho Tổ quốc.
Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng và ngay lập tức Người khẩn trương chuẩn bị triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 8 (5-1941). Hội nghị phân tích tình hình, xác định rõ kẻ thù và đề ra chủ trương chiến lược, đối sách đúng đắn, sắc bén và tiếp tục khẳng định giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc.
Sau Hội nghị Trung ương 8, Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dốc sức xây dựng lực lượng và thực lực cách mạng, trước hết tập trung xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp của quần chúng, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng nhằm thu hút mọi lực lượng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập (thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Ðông Dương), trong đó gồm có các tổ chức quần chúng như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... Phát-xít Ðức tiến công Liên Xô; tính chất và cục diện chiến tranh thế giới chuyển biến mau lẹ.
Trước bối cảnh mới, Ðảng đã ra thông báo khẩn cấp "Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Ðảng", sáng suốt phân tích tình hình và nhận định: Trục phát-xít nhất định ngày càng suy yếu, đi tới thất bại.
Ở Ðông Dương, Nhật ngày càng lấn Pháp, đóng vai trò chính trong thống trị Ðông Dương, mâu thuẫn Pháp - Nhật ngày càng sâu sắc, do đó, thời cơ cho nhân dân Ðông Dương tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành quyền độc lập ngày càng tới gần nên cần lãnh đạo nhân dân chuẩn bị nổi dậy Tổng khởi nghĩa. Kẻ thù chính của cách mạng lúc này là phát-xít Nhật - Pháp.
Dưới ngọn cờ cứu nước do Ðảng lãnh đạo, đến đầu năm 1943, phong trào đấu tranh chống Pháp - Nhật của quần chúng phát triển sôi sục, rộng khắp cả nước. Từ ngày 25 đến 28-2-1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Ðảng họp và nhận định tình hình trong nước và thế giới biến chuyển mau lẹ, phải kịp thời có chủ trương mới. Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ chống Nhật ở Ðông Dương, lấy Mặt trận Việt Minh làm nòng cốt; đồng thời nhấn mạnh: "Chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Ðảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại".
Bước sang năm 1944 - 1945, tình thế càng trở nên khẩn trương. Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về Sửa soạn khởi nghĩa, trong đó nêu rõ: "Chúng ta phải biết nắm lấy cơ hội ngàn năm có một đặng giành quyền độc lập, đuổi kịp năm châu".
Tháng 10-1944, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc khẳng định cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải nhanh.
Ðể chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang toàn dân, cùng với Cứu quốc quân và các đội du kích cách mạng khác, ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên được thành lập.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Ðông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng họp hội nghị mở rộng dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh, kịp thời ra bản chỉ thị lịch sử: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945), chỉ ra thời cơ cách mạng và những cơ hội làm cho những điều kiện khởi nghĩa trở nên chín muồi. Ðó là chính trị khủng hoảng, kẻ thù hoang mang, nạn đói ghê gớm làm cho lòng yêu nước và căm thù giặc của nhân dân lên đến đỉnh cao; chiến tranh thế giới đến giai đoạn quyết định.
Sau cuộc đảo chính, "đế quốc phát-xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Ðông Dương", từ đó Ðảng đề ra khẩu hiệu "Ðánh đuổi phát-xít Nhật" và phát động cao trào "Kháng Nhật cứu nước".
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, phong trào cách mạng tiếp tục lên cao, trước tình hình đó, ngày 15-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ nhằm giải quyết những vấn đề quân sự đặt ra, thống nhất các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam giải phóng quân, thành lập Ủy ban giải phóng và Khu giải phóng Việt Bắc làm căn cứ địa của cách mạng cả nước.
Cũng như phát-xít Ðức, Ý, ngày 13-8-1945 phát-xít Nhật phải tuyên bố đầu hàng Ðồng minh. Thời cơ cách mạng - thời cơ Tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân ta giành độc lập đã tới. Tình thế hết sức khẩn trương. Ngày 14 và 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Ðảng họp ở Tân Trào dưới sự chủ trì của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá tình hình và chỉ rõ: "Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới".
Chớp thời cơ lịch sử ngàn năm có một này, Hội nghị quyết định: Ðảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa để giành chính quyền từ tay phát-xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai, trước khi quân Ðồng minh vào Việt Nam.
Hội nghị cũng chỉ ra ba nguyên tắc để chỉ đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi là tập trung, thống nhất, kịp thời và công bố 10 chính sách của Việt Minh, trong đó chủ trương "lập nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hoàn toàn độc lập". Ủy ban khởi nghĩa được thành lập và ra Quân lệnh số 1 - lệnh cho quốc dân, đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Quốc dân Ðại hội khai mạc tại Tân Trào. Ðại hội hoàn toàn tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Ðảng, ra nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc, thi hành lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Quốc dân Ðại hội nhấn mạnh mục tiêu: "Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập".
Chớp thời cơ lịch sử, chỉ trong vòng hai tuần (từ 14 đến 28-8-1945), nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành chính quyền trong cả nước.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thật sự là ngày hội của quần chúng, quy tụ sức mạnh của cả dân tộc. Thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám chứng minh sự lãnh đạo chỉ đạo cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Ðảng, đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt đúng thời cơ (không thể sớm hơn, cũng không thể muộn hơn), kiên quyết phát động và tổ chức quần chúng đứng lên giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám là sáng tạo độc đáo của Ðảng và nhân dân ta về khởi nghĩa giành chính quyền ở một nước thuộc địa. Bài học quý báu về nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám vẫn giữ nguyên giá trị đến hôm nay giúp toàn Ðảng, toàn dân phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, để giành thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới.
TS Phạm Văn Thạch
|