Ngôi trường của tình thương
Các Website khác - 29/03/2006
Thầy trò trường Hoa Sữa
trong giờ học nấu ăn.
Tại lễ trao giải thưởng nhân quyền cuối năm 2005 ở Paris, có một nhà giáo từ Hà Nội sang nhận giải. Đó là cô Phạm Thị Vy, Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế Du lịch Hoa Sữa, nơi dạy nghề và tìm việc làm cho hàng nghìn thanh thiếu niên tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam.
Thủ tướng Pháp Ðơ Vi-lơ-panh đánh giá cao những nỗ lực của Trường Trung học Kinh tế Du lịch Hoa Sữa trong việc hỗ trợ các thanh thiếu niên tàn tật và có hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam, thông qua việc đào tạo nghề miễn phí, sắp xếp họ vào làm tại các nhà hàng, khách sạn, hiệu bánh, cửa hàng thêu, may mặc.

Ông nhấn mạnh đây là nỗ lực đáng kể trong cuộc chiến chống đói nghèo, giảm số trẻ em lang thang đường phố, nâng cao bình đẳng giới và đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch, nhà hàng còn non trẻ tại Việt Nam.

Chân dung một nhà giáo

Sau 30 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, nhà giáo ưu tú Phạm Thị Vy xin về hưu làm từ thiện giữa lòng thủ đô Hà Nội. Ði nhiều, bà có dịp tiếp xúc với các trung tâm khuyết tật và trẻ mồ côi, nhận thấy một thực tế các em được nuôi dưỡng và ăn học cho tới 18 tuổi. Khi không được bao bọc, các em ra ngoài đời với một hành trang kiến thức ít ỏi, cho dù có biết chữ cũng khó tìm được việc làm. Thiếu một định hướng sống đúng đắn và cơ hội có một nghề nghiệp ổn định các em có nguy cơ lớn rơi vào vòng xoáy lang thang-tệ nạn-đói nghèo luẩn quẩn.

Thế rồi, năm 1993, sáu người phụ nữ về hưu ở độ tuổi xế chiều với một bầu nhiệt huyết đã hăm hở xây dựng một ngôi trường từ thiện dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Những bước đi ban đầu còn bỡ ngỡ và đầy khó khăn cùng một ít kiến thức trong lĩnh vực nữ công gia chánh, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề, cần tới thứ gì, các cô phải mang từ nhà đi. Nhưng 20 cô trò lúc nào cũng sống trong không khí rộn ràng, trong bếp ngoài sân say sưa với những công thức nấu ăn, với kỹ thuật dù còn vụng về nhưng đầy vẻ quyết tâm sắt đá hy vọng tìm được một nghề kiếm sống sau khi kết thúc khóa học.

Trời không phụ lòng người

12 năm trôi qua sự cố gắng của thầy trò trường Hoa Sữa được đền đáp. Gần 3.000 học viên ra trường tìm được những công việc có thu nhập ổn định. Có tới hơn 10 em trở thành những ông chủ doanh nghiệp, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập trường đã quay về thăm trường, thăm cô, sau là để nhận học viên về doanh nghiệp của mình, giúp trường tìm đầu ra cho học viên.

Ðiển hình như em Nguyễn Ðức Thật ở Ðông Anh, chủ lò bánh, đã mua được nhà, được ô-tô; nhiều em trở thành bếp trưởng và trưởng bộ phận làm bánh tại các khách sạn lớn ở Hà Nội và các thành phố lớn.

Nguyễn Ðình Văn, hiện làm bếp bánh tại khách sạn Melia kể lại cho những tân học viên mới nghe về câu chuyện của mình: Tôi là đứa trẻ mồ côi. Bố mẹ nuôi làm ruộng nhưng sau khi họ có con tôi lại là đứa trẻ mồ côi một lần nữa, lang thang kiếm sống. Năm 1990 tôi gia nhập tổ bán báo xa mẹ, tuổi thơ dài u ám của tôi kéo dài bất tận nếu như không có một ngày một người phụ nữ Hà Lan giới thiệu tôi đến với Hoa Sữa. Tôi là một trong số học sinh đầu tiên của trường. Ngày ấy trường còn nghèo lắm, thiếu thốn duy chỉ có tình người là không bao giờ thiếu. Chúng tôi phần lớn là những trẻ em đường phố, học hành không tới nơi, giờ giấc chẳng ai quản, nhưng sự tận tình giúp đỡ của bác Vy và các bác trong trường đã dạy bảo kèm cặp, thái độ sống của tôi dần tích cực hơn. Thời gian đầu đi làm chưa có kinh nghiệm, có lúc tôi đã buộc phải thôi việc. Mỗi lần như vậy tôi lại tìm về trường để tìm sự an ủi và khuyên bảo của các bác. Năm 1999 tôi chính thức được nhận vào làm tại khách sạn Melia. Hiện nay, tôi có gia đình nhỏ hạnh phúc và căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Ra đi từ ngôi trường Hoa Sữa thân yêu tôi mang theo hành trang là kiến thức văn hóa, một cơ hội lập nghiệp và một bài học: không có sự vươn lên nào được trải bằng nhung lụa, chỉ có sự quyết tâm và nỗ lực mới giúp con người ta đến được với thành công.

Ngoài ra, những em có năng lực sư phạm, điểm học tập xuất sắc được giữ lại trường làm giáo viên như Nguyễn Xuân Hải, trước đây ở Tổ bán báo xa mẹ, em Sâm là con liệt sĩ có thành tích học tập xuất sắc. Hầu hết các giáo viên trong trường đều có cơ hội đi tu nghiệp ở Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ.

Cô Vy nói vui: Sau năm lần chuyển nhà hiện giờ gia đình lớn của chúng tôi nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nhiệt tình ủng hộ đã có một cơ ngơi khang trang tọa lạc trên một khu đất rộng 8.000 mét vuông với 5 tòa nhà cao tầng tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất để cô trò yên tâm tiếp tục cống hiến và học tập.

Trường còn gây dựng được uy tín với nhiều địa phương có nhu cầu gửi con em xuống học, phối hợp nghiên cứu để phát triển ẩm thực địa phương xây dựng và nâng cao gía trị các sản phẩm du lịch. Ðối tượng học sinh ngày càng được mở rộng, thường xuyên duy trì mục tiêu từ thiện, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Cho tới nay, ngoài các đối tượng chính sách con thương binh, liệt sĩ, mồ côi, lang thang, con gia đình nghèo, một số thanh nhiên khuyết tật và thanh niên dân tộc thiểu số được tham gia các khóa học của trường.

Hiện nay trường hợp tác với 12 tổ chức quốc tế trong việc đào tạo và tài trợ. Ðây cũng là một thế mạnh của trường nhằm đạt mức tiêu chuẩn nghề của khu vực và quốc tế để học sinh có điều kiện tham gia thị trường lao động chuyên nghiệp và có chất lượng cao. Hiện tại học viên ra trường được nhận chứng chỉ quốc tế do Pháp cấp.

Hoa Sữa không chỉ giúp cho các học viên thoát khỏi cảnh đói nghèo, mà còn giúp cho những mảnh đời bất hạnh khác. Cô giáo Ngô Thị Lưu, giáo viên nấu ăn nhớ lại: "Trước khi tìm tới Hoa Sữa, tôi không có công ăn việc làm, cuộc sống gia đình khó khăn. Khi tìm tới ngôi trường này, tôi trải qua nhiều công việc trông xe, quét dọn, mua hàng, nấu cơm cho học viên ăn . Hiện nay, tôi quản lý hoạt động căng tin của trường. Tôi luôn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm việc tại Hoa Sữa, có cơ hội tham gia công tác đào tạo, công tác xã hội. Hoa Sữa giúp nhiều người như tôi tìm thấy lẽ sống và thay đổi vị trí của mình trong xã hội".

Giải thưởng nhân quyền

Những ngày cuối năm 2005, cô trò trường Trung học tư thục Hoa Sữa phấn chấn và hồi hộp hướng về Paris, nơi mà cô hiệu trưởng dự lễ trao giải thưởng nhân quyền quốc tế của Cộng hòa Pháp, do Ủy ban quốc gia về Nhân quyền tổ chức.

Trường Hoa Sữa là một trong năm tổ chức của các nơi trên thế giới đoạt giải thưởng nhân quyền năm 2005. Giải thưởng nhân quyền quốc tế là giải thưởng hằng năm được phát động bởi Ủy ban quốc gia về nhân quyền của Pháp. Tất cả các tổ chức phi chính phủ của các quốc gia trên thế giới, không phân biệt quy mô và phạm vi hoạt động, có thể dự thi là một dự án cụ thể xoay quanh hai chủ đề của năm là Bãi bỏ án tử hình, các cuộc hành quyết không qua xét xử và đấu tranh chống bóc lột lao động trẻ em.

Cô Vy nhớ lại: Vào những tháng cuối năm 2005, cô có nhận được một thư mời tham gia cuộc thi của ông Ðại sứ Pháp tại Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, trường Hoa Sữa đã đệ trình một dự án về hỗ trợ tuyển sinh thanh thiếu niên thiệt thòi Việt Nam cho hoạt động đào tạo nghề và đào tạo nghề miễn phí của nhà trường. Dự án này đã được lựa chọn là một trong năm dự án xuất sắc nhất về nhân quyền năm 2005. Năm tổ chức đó là: Trường Hoa Sữa (Việt Nam); Hiệp hội bảo vệ tù nhân (Iran), Cùng nhau chống lại án tử hình (Pháp), Cứu trợ trẻ em (Honduras), Hành động để loại bỏ lao động trẻ em (Niger). Cùng với giải thưởng là 15.000 euro để thực hiện dự án đã trình.

Cô Vy cho biết đây, chỉ là một góc của một dự án lớn mà thày trò trường Hoa Sữa đã và đang tiến hành.

Ðiều khác biệt hẳn với bốn nước còn lại là bốn dự án của bạn chỉ là trên giấy. Nhưng dự án của trường Hoa Sữa đã được thực hiện. Cô bày tỏ: Khi dự thi tôi không nghĩ tới việc mình được giải hay không, chỉ muốn đem công việc mình đã làm được đem ra thế giới để họ ghi nhận Việt Nam cũng có nhân quyền, chứ không như một số nước gán ghép cho đất nước mình cái mác phi nhân quyền. Giải thưởng có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của thầy trò trường Hoa Sữa trong sự nghiệp dạy nghề và đào tạo việc làm cho thanh thiếu niên thiệt thòi.Chứng tỏ sự công nhận của quốc tế đối với hoạt động của một tổ chức xã hội Việt Nam phấn đấu vì những quyền cơ bản của con người, quyền được tiếp cận với giáo dục, được bình đẳng về cơ hội và được coi trọng trong xã hội.

Tạm biệt cô trò trường Hoa Sữa, tôi càng cảm phục tấm lòng nhân hậu của những người phụ nữ như cô Vy cũng như đội ngũ thầy cô nơi đây. Họ xứng đáng là những bông hoa đẹp trong một rừng hoa đẹp người tốt, việc tốt của dân tộc trong những ngày xuân, càng trở nên tươi thắm và rạng ngời sắc xuân.

THANH HÀ