Đã hơn hai năm sau sự kiện “hầm chui Văn Thánh 2”, ông Trình, ông Hạnh vẫn thường xuyên đi lại kiểm tra cây cầu, đường hầm, chỉ rành mạch từng vết nứt cũ, phát hiện ngay những chỗ mới được chêm gỗ, chêm gạch y như kiểm tra các ngóc ngách trong nhà mình...
Những tấm ảnh xót lòng
Lật giở lại tập hồ sơ về vụ việc “hầm chui Văn Thánh” gây xôn xao dư luận một thời, thấy rõ một cái tên nổi lên xuyên suốt: Đào Trình. Không phải là người đầu tiên cung cấp tin tức cho báo chí, nhưng chính ông là người đầu tiên đặt nghi vấn: ống nước trong hầm chui bị vỡ là do móng cầu lún đè vào.
Lật trong tập đơn thư dày cộm và ố vàng ông đã từng gửi cho các cơ quan chức năng và báo đài, chúng tôi đọc được trong lá đơn đầu tiên của ông: “Dân chúng tôi làm nhà khi xử lý móng đã phải đóng cọc 250x250 vào sâu lòng đất hơn 32m cho một tim. Với công trình cầu đường to, nặng, tải trọng động lớn như cầu Văn Thánh 2, chúng tôi quan sát thấy bên thi công đóng cừ tràm to bằng cẳng tay, dài 2-3m, dùng gầu xe xúc ấn xuống, sau đó đổ cát, đá 5x10 lên, rồi đan lưới thép và đổ bê-tông 20cm, cuối cùng dựng cột chịu tải cho dầm, cho trụ cầu… Như vậy cầu không lún; đà, dầm không cong mới là chuyện lạ. Nghĩ thật xót cho tiền của dân…”.
Sự việc được phản ánh lên báo. Con đường Phú Mỹ đã nhỏ lại trở nên chật chội vì những nhà báo, đoàn kiểm tra, thanh tra và cả chật chội vì những toán công nhân, vật liệu xây dựng được gấp rút điều tới để chữa cháy cho công trình.
Những nhà báo đến rồi đi, đoàn thanh tra, kiểm tra đến rồi đi, còn những người dân thì ở lại. Ông Đào Trình tay cầm máy ảnh, cứ lội ra lội vào trên đoạn đường dài mấy trăm mét từ nhà ông đến hầm chui.
Có hôm ông ngồi bệt luôn trên con lươn ngăn đôi hầm, dầm chân dưới nước ngập trước cặp mắt dò xét của những công nhân, thầu khoán đang hối hả chêm cọc, trát xi-măng.
Đã rất nhiều người can ngăn: “Những vụ việc ở phường này có đáng gì đâu mà mấy chú cứ làm ầm lên. Chẳng thấy lợi gì cho mình mà chỉ có hại, còn bao nhiêu vụ sai phạm gấp trăm, gấp nghìn lần…”.
Ông Hạnh quả quyết: “Tôi không tiếc công sức mình đã bỏ ra để chứng minh anh này bớt xén vài trăm nghìn, chị kia biển thủ mấy chục triệu. Đó chẳng phải là cả một tài sản của người dân nghèo hay sao! Thấy một đồng của Nhà nước, của nhân dân bị sử dụng sai mục đích, chúng tôi cũng xót xa không chịu được”.
Những bức ảnh sống động mà đa số nhà báo không thể nào đến kịp để ghi nhận đã được ông chụp lại: cảnh người ta đóng cọc cừ tràm vào cao độ của hầm để… chống lún, cảnh những vết nứt được trám xi-măng rồi quét sơn trắng để đánh lừa thị giác đoàn thanh tra, cả cảnh đơn vị thi công hối hả đúc thêm cột xi-măng thay thế cọc chống bằng cừ tràm khi nghe tin sẽ có bộ trưởng đến kiểm tra…
Có những chi tiết thật bất ngờ như cây cọc gỗ không đủ dài phải chêm thêm vài hòn gạch, vừa buồn cười vừa đáng rùng mình mà chỉ có những người đã thuộc tới từng centimet trong hầm như ông mới phát hiện.
Lật giở lại những tấm ảnh mang tên mình đã từng gây chấn động trên mặt báo, ông Trình không vui mà lại buồn: “Tôi là phóng viên chiến trường mà, tôi cũng thường xuyên chụp ảnh nghệ thuật. Ống kính tôi đã từng ghi nhận những gương mặt anh hùng, tôi lại rất thích chụp những danh lam, thắng cảnh, bỏ bao công sức để giữ được một khoảnh khắc đẹp. Vậy mà bây giờ tôi lại phải chụp những tấm ảnh thật đau lòng…”.
Không chỉ có vụ việc tại hầm chui Văn Thánh 2, trong tập hồ sơ lưu của ông Trình, ông Hạnh còn cả xấp đơn thư, bản vẽ tố cáo việc san lấp trái phép rạch Văn Thánh, khiếu nại việc địa bàn phường 22, Bình Thạnh nằm trong diện quy hoạch treo đã 13 năm, đơn thư đề nghị xử lý sai phạm của một số cán bộ địa phương…
Rời cơ quan nhà nước về địa phương, hai ông cùng tham gia ban thanh tra cấp phường, cùng bắt tay đấu tranh chống tiêu cực. Kể từ sự cố hầm chui Văn Thánh, nhà của ông Trình, ông Hạnh đã thường xuyên trở thành điểm tập kết của giới báo chí.
Hai ông xắn quần, xách giày dẫn phóng viên chui vào gầm cầu kiểm tra từ vết nứt, lội ra giữa đám rau muống tìm cho ra tên của người đang thuê lấp rạch xây nhà. Hai ông xoay xở, tìm mọi cách để có được tấm bản đồ qui hoạch, chứng minh bằng giấy trắng mực đen những thiệt thòi mà người dân đã phải gánh chịu…
Ngọn lửa tuổi thất tuần
Thời gian trôi qua không chỉ phủ bụi lên những lá đơn mà còn làm nản lòng những người tham gia. Ông Nguyễn Văn Đào, người đầu tiên viết thư thông báo về tình trạng vỡ ống nước trong hầm, lâm bệnh và mất.
Rồi những lá đơn không được phản hồi, rồi những lần UBND quận, phòng quản lý đô thị liên tục mời lên, yêu cầu trưng ra chứng cứ về sự việc phản ánh.
Hai ông được những người dân nghèo ủng hộ hết mình. Ông Trình kể: “Nay họ sang cung cấp tin tức này, mai lại sang mang theo bằng chứng kia. Có hôm lại mang cho tôi cả tập giấy, cuộn phim để làm đơn, chụp ảnh…”.
Và cả những người đã từng bị các ông vạch ra sai phạm cũng vẫn “chiều chiều ra quán cùng nhau uống ly bia, cười vang góc phố”. Ông Hạnh bảo: “Họ không giận, không thể giận được vì biết rõ chúng tôi không hề vụ lợi…”.
Thỉnh thoảng, xen vào giữa những bức xúc của hai ông là những kỷ niệm của một thời khói lửa “mà chúng tôi đã nhận phần may mắn là còn được sống, được làm việc, được yêu thương và được… bức xúc”. Và chúng tôi đã hiểu chất lý tưởng ngụt cháy trong hai ông lão ở tuổi thất tuần này.
Giữa những tập tài liệu, đơn thư của hai ông, tôi thấy xen lẫn những bài xã luận trên báo về đạo đức người đảng viên được cắt lại, bản điều lệ Đảng, bản chụp lại bút tích của Bác Hồ ghi những lời dặn dò học viên Trường Nguyễn Ái Quốc: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Cả hai đều đã gần 50 tuổi Đảng và đều bảo rằng: “Không ai thuê mướn, trả lương cho chúng tôi để làm những việc này, nhưng phải làm vì lời thề trước Đảng: phụng sự nhân dân. Gặp nhiều khó khăn chúng tôi không nản, không buồn nhưng cũng không vui. Không vui vì mình chưa thật sự bảo vệ được lợi ích của người dân, sau nữa là chưa thật sự bảo vệ được chính quyền”.
|
|