Ông Đỗ Duy Thường. Ảnh: N.T. |
Ông Đỗ Duy Thường, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN đã khẳng định như vậy với VnExpress trong cuộc trao đổi chiều 21/9. Trước đó, Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc đã có văn bản kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND các cấp bầu.
- Xin ông cho biết kiến nghị trên xuất phát từ đâu?
- Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN đã tổ chức hội nghị mở rộng trong hai ngày 24-25/8 để lấy ý kiến vào hai dự luật phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau đó, Đoàn chủ tịch có văn bản kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội và cơ quan nhà nước việc tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu. Coi đây là cơ chế giám sát chống tham nhũng của cơ quan dân cử.
- Vậy cụ thể những chức danh nào do Quốc hội bầu nằm trong diện mà Mặt trận Tổ quốc kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm?
- Có 8 chức danh do Quốc hội bầu: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chúng tôi kiến nghị điều này dựa trên cơ sở dự luật phòng chống tham nhũng có quy định hoạt động giám sát của cơ quan dân cử. Ở nước ta, cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, ở địa phương là HĐND. Hai cơ quan nhà nước đều có chức năng giám sát. Để có cơ chế cụ thể thực hiện quyền giám sát của các cơ quan quyền lực, theo chúng tôi nên tiến hành việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm và nên coi việc đó là bình thường
- Tại sao Mặt trận Tổ quốc không đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội phê chuẩn?
- Mặt trận làm việc theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, việc đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu là ý kiến của Đoàn chủ tịch thảo luận, không phải là ý kiến của cá nhân, hay là của riêng Ban thường trực trong hội nghị. Vì vậy chúng tôi trung thành với ý kiến của đoàn chủ tịch.
- Còn ý kiến của cá nhân ông?
- Việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm là việc làm cụ thể của cơ chế nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, giám sát cán bộ công chức, đại biểu dân cử. Nên bắt đầu làm từ thấp đến cao. Tôi thấy làm ở cấp xã rất tốt, một số năm làm tốt thì tiến lên đề nghị nhà nước ban hành quy định lấy phiếu tín nhiệm ở cấp huyện, huyện làm tốt thì tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh và cao hơn nữa. Đó là chuyện bình thường.
- Nhưng thực tế hiện nay Luật hoạt động giám sát của Quốc hội đã quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu rồi thưa ông?
- Điều 13, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội có quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi: Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội, hoặc kiến nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng thực tế từ khi có quy định bỏ phiếu tín nhiệm đến nay, Quốc hội chưa thực hiện lần nào vì nó không khả thi.
- Xin ông nói rõ sự không khả thi của quy định này?
- Nếu quy định 20% số phiếu thì tức là phải phát phiếu cho đại biểu Quốc hội, xem đại biểu có tán thành hay không, rồi thu phiếu về. Nếu không đủ thì không thể. Tôi cho rằng, quy định tỷ lệ 20% rất khó thực hiện.
Qua theo dõi một số kỳ họp, phát biểu của đại biểu có liên quan thấy có điều người ta băn khoăn là bây giờ đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng căn cứ vào đâu. Theo tôi, Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao, tại các kỳ họp thực hiện quyền giám sát qua việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, đại biểu Quốc hội... đều có quyền giám sát và hằng năm, các cơ quan này đều có chương trình giám sát. Qua rất nhiều kênh như vậy, không lẽ gì một đại biểu Quốc hội lại không thực hiện quyền giám sát?
- Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt của HĐND và trưởng thôn. Kết quả của quá trình thực hiện này liên quan thế nào đến kiến nghị này thưa ông?
Nghị định 79 của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ ở xã phường thị trấn có 2 điểm mới được sửa đổi. Thứ nhất, tại khoản 3, điều 14, có quy định: hằng năm Mặt trận tổ quốc xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của các thành viên Mặt trận đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND xã bầu ra. Nếu tỷ lệ số phiếu tín nhiệm thấp hơn 50% số người tham gia thì Mặt trận tổ quốc xã đề nghị HĐND xã xem xét miễn nhiệm. Thứ hai, tại điểm b, khoản 2, điều 17, quy định: hằng năm Ban công tác Mặt trận tổ quốc cùng thành viên Mặt trận ở thôn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với trưởng thôn. Nếu số phiếu tín nhiệm thấp hơn 50% số người tham gia bỏ phiếu thì đề nghị tổ chức hội nghị thôn xem xét miễn nhiệm và báo cáo lên chủ tịch UBND xã quyết định. |
- Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ chủ chốt do HĐND xã và trưởng thôn đã được triển khai và cho kết quả rất tốt. Ngày 20/7, chúng tôi đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ở 1.580 xã, phường, thị trấn với 3.068 người. Kết quả, có 2.374 người đạt số phiếu tín nhiệm từ 90 đến 100%, chỉ 25 người có số phiếu dưới 50%.
Như vậy có thể thấy, lấy phiếu tín nhiệm đâu phải nhằm bãi nhiệm. Mục đích là góp ý cho người đại biểu dân cử hằng năm thấy được ưu, khuyết của mình để phát huy mặt tốt, khắc phục mặt chưa tốt. Nếu như năm nay số phiếu của anh chưa được cao thì sang năm anh cố gắng lên. Tương tự, việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND các cấp bầu là để Quốc hội góp ý cho những người giữ các chức danh này ngày càng làm tốt hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, chứ không phải để gạt người ta ra.
- Ông nghĩ thế nào về hiệu quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng?
- Bây giờ chưa bỏ phiếu tín nhiệm nên ta chưa có kết quả để đánh giá. Nhưng tôi cho rằng việc này sẽ góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, có tác dụng phòng tham nhũng. Qua thực tiễn ở địa phương, nhiều nơi có kiến nghị với chúng tôi là đã làm tốt bỏ phiếu tín nhiệm ở cấp xã thì tiếp tục làm ở cấp huyện, cấp tỉnh.
- Tâm lý người nằm trong diện lấy phiếu tín nhiệm khá nặng nề. Ông có nghĩ đề xuất của Mặt trận Tổ quốc sẽ gặp nhiều trở ngại từ chính những người phải lấy phiếu tín nhiệm?
- Ở nước mình, các đại biểu Quốc hội dân cử chưa quen với việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng đứng về nguyên tắc mà nói, đây là nhà nước của dân, do dân, vì dân, dân bầu anh ra để đảm đương công việc nhà nước, anh phải làm cho tốt. Và muốn làm cho tốt, ngoài các hình thức khác tác động vào anh thì có kênh bỏ phiếu. Chúng ta không thể duy trì lối nghĩ vào làm việc ở một cơ quan nhà nước, nhận một chức danh là duy trì suốt cho tới khi về hưu. Quan niệm như vậy là sai, cần thay đổi. Khi đã làm từ thấp đến cao, tác động dần dần thì sẽ trở thành điều bình thường.
- Vậy theo ông bao giờ thì có thể thực hiện kiến nghị này?
- Theo quy định, Mặt trận tổ quốc VN có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước về xây dựng chính sách pháp luật. Việc Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội có chấp nhận hay không là quyền của Quốc hội và Ủy ban. Còn đề xuất này có khả thi hay thì chưa thể nói trước. Cũng không thể nghĩ rằng vì không khả thi mà chẳng bao giờ kiến nghị gì cả.
Như Trang thực hiện
▪ Nhà khoa học giúp nông dân sản xuất sạch (22/09/2005)
▪ WHO cảnh báo ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các thành phố ở Đông Nam Á và Trung Quốc (20/09/2005)
▪ Indonesia cảnh báo khẩn cấp về cúm gia cầm (20/09/2005)
▪ Ðiểm hẹn Tràm Chim (20/09/2005)
▪ Tết Đol-ta xem đua bò Bảy Núi (20/09/2005)
▪ Nhà xây trái phép trên đất quy hoạch trồng cây xanh (20/09/2005)
▪ Chúng tôi tin vào khả năng chiến thắng (20/09/2005)
▪ Lớp học Nhân Ái (20/09/2005)
▪ "Thương quyền" và ứng xử (20/09/2005)
▪ Trung thu ngày càng mang tính thương mại (20/09/2005)