Với tựa đề “Công bằng và Phát triển”, báo cáo đưa ra những thí dụ cụ thể về sự bất bình đẳng không chỉ giữa các quốc gia, mà giữa các nhóm xã hội, gia đình, cá nhân... Bất bình đẳng không chỉ phổ biến ở nước nghèo mà còn đầy rẫy ở những nước phát triển như Mỹ, Anh, New Zealand...
Tác giả Tamar M. Atinc cho biết trong cuộc họp báo tại Hà Nội rằng báo cáo của WB chỉ rõ hố sâu ngăn cách của sự bất bình đẳng trong giàu nghèo và trong cơ hội (được học tập, chăm sóc sức khỏe, được nhận viện trợ...) đã góp phần dẫn đến sự nghèo khổ với một bộ phận lớn cư dân trên Trái Đất.
Bà Tamar khẳng định giảm bất bình đẳng là chìa khóa của phát triển bền vững; đồng thời cảnh báo các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc sẽ không thể thực hiện nếu không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng.
Tác giả Michael Woolcock cho biết, những người soạn ra bản báo cáo này đều có cái nhìn tích cực đối với sự bất bình đẳng ở Việt Nam và cách giải quyết nó. Xuất hiện hơn 20 lần trong bản báo cáo, Việt Nam được nêu lên như một trong những thí dụ về sự thay đổi chính sách theo hướng ủng hộ sự công bằng như ở một số quốc gia khác, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo...
Ông Michael nhấn mạnh rằng, WB không chỉ dừng lại ở lý thuyết như trong bản báo cáo mà đã và đang triển khai những hành động cụ thể cùng Chính phủ, Nhà nước Việt Nam nỗ lực giảm bất bình đẳng thông qua các dự án, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi. Những dự án này không chỉ giảm khoảng cách giàu nghèo mà còn giúp người dân vùng nông thôn, miền núi có cơ hội được học hành, chăm sóc y tế và vui chơi... như ở thành thị.
Ông Michael và bà Tamar cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong nỗ lực giảm bất bình đẳng với những chính sách cụ thể như hỗ trợ cho người nghèo các khoản tín dụng ưu đãi thông qua hệ thống ngân hàng, ưu tiên giáo dục, chăm sóc y tế cho vùng sâu, vùng xa... Những chính sách như vậy đã được thực hiện ở một số nước và thu được nhiều kết quả trong xóa bỏ bất bình đẳng. Cũng theo các tác giả, Việt Nam đã chọn hướng đi đúng trong xóa bỏ bất bình đẳng nên công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội mới đạt được những thành quả như hiện nay. Điều này khác với một số nước châu Phi, nơi việc cải cách kinh tế không thu được nhiều thành quả do không thực hiện tốt sự bình đẳng.
Các tác giả cho biết bất bình đẳng giữa các quốc gia ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng và có nhiều ảnh hưởng hơn bất bình đẳng trong lòng một quốc gia do quá trình toàn cầu hóa và thương mại hóa.
Thực tế những năm qua cho thấy, do bị đối xử chưa được công bằng trong các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi. Chính vì vậy, ông Michael cho rằng Việt Nam cần chủ động, tích cực và năng động hơn nữa trong các mối quan hệ quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa và chính trị để được đối xử công bằng hơn.
Theo ông Michael, tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, kể cả song phương và đa phương, cũng như việc đáp ứng những điều kiện nhất định để được nhận các khoản viện trợ của quốc tế, trong đó có WB, là những bài học cụ thể nhất về tầm quan trọng của xóa bỏ bất bình đẳng đối với phát triển. Theo các tác giả, việc giảm thiểu bất bình đẳng trong nước, phát triển kinh tế cũng chính là điều kiện quan trọng để Việt Nam có được sự bình đẳng trên trường quốc tế.
|