Tại Festival 16 ở Caracas, ông Lập được nhiều đoàn thanh niên các nước gọi là chiến sĩ quốc tế. Ông là đại biểu danh dự của Đoàn đại biểu thanh niên Cộng sản Hy Lạp sang Caracas tham dự Festival 16.
Cuộc đời ông là chuỗi dài những câu chuyện gắn liền với mảnh đất Việt Nam.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8- 1945, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chàng thanh niên Kostas Sarantidis bấy giờ đang bị bắt đi lao động khổ sai ở Đức, sau đó sang Italy, và kẹt lại đó vì đất nước Hy Lạp lúc đó còn trong nội chiến. Mấy người bạn rủ ông ghi danh vào đội lính lê dương Pháp để được sang Algieria. Sau đó, được lệnh lên đường hành quân bằng tàu biển sang Sài Gòn để thu súng của người Nhật.
Ông kể: “Chàng trai Kostas Sarantidis và hai người bạn Hy Lạp sang đến nơi mới biết bị lừa. Chả thấy người Nhật đâu. Thay vào đó là được lệnh đi bắn nhau với Việt Minh! Chúng tôi là người dân từng bị đô hộ gần 400 năm, từ người trẻ đến già có ai muốn đánh nhau, đi xâm chiếm ai đâu”...
Sau sáu tháng ở Việt Nam và nhận ra sự thật đó, ông tình cờ gặp người vợ một viên chức sứ quán Pháp, tên là Lylie. Đó chính là người được Việt Minh giác ngộ, và bà nói cho ông biết thêm về những người cách mạng đang thực hiện lý tưởng cao đẹp, quyết giành lại độc lập, tự do cho đồng bào mình.
Ông còn nhớ như in, đó là ngày 4-6-1946, người lính Kostas Sarantidis đào ngũ trốn theo Việt Minh cùng người bạn ở đơn vị lính lê dương người Tây Ban Nha Santo Merínos (sau này đi bộ đội được đặt tên là Nguyễn Văn Vy, và đã hy sinh ở chiến trường Lào năm 1951). Cả hai lúc đó tham gia chiến trường Liên khu 5, trực tiếp chiến đấu và vinh dự đứng vào hàng ngũ những người cộng sản Việt Nam.
Chiến sĩ Việt Minh Kostas Sarantidis tháng 6-1950 được gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, ngay tại Trung đoàn 80/83 ở Tuy Hoà, Phú Yên.
Vào bộ đội, năm 1946 ông lập gia đình, vợ là Huỳnh Thị Sơn, quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Do yêu cầu công tác, năm 1954, hai vợ chồng ra bắc, chồng vẫn trong quân ngũ, vợ vào nông trường ở Thanh Hoá, cùng chống hạn, cứu đói giúp dân. Năm sau ông được lệnh ra Hà Nội, vào Bộ Quốc phòng gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh, rồi được giao nhiệm vụ sang Trung Quốc học lái tàu biển.
Tuy nhiên, nhiệm vụ chính thức sau đó lại là phụ trách đơn vị vận tải của Trung đoàn 354, thuộc Đại đội 17, sân bay Gia Lâm. Bấy giờ, ở sân bay có hai máy bay thường trực phục vụ Uỷ ban Quốc tế gồm đại diện của Ba Lan, ấn Độ và Indonesia giám sát Hiệp định Geneva, phi công lúc đó là người Trung Quốc.
Thời gian trôi qua đã lâu, vậy mà bác ông không hề quên kỷ niệm nào trong thời kỳ gian khổ ấy.
Ông đã từng tham gia đóng nhiều bộ phim, trong đó có bộ phim đến bây giờ những người lớn tuổi vẫn còn nhớ: “Cù Chính Lan”, hay “Chiến sĩ tuổi trẻ đánh xe tăng”. – “Vì ít người nước ngoài, nên tôi phải đóng nhiều vai trong một bộ phim, vừa lính xe tăng, vừa sĩ quan chỉ huy chiến trường!”- Ông cười rung cả bộ râu đã bạc trắng của một cựu binh tuổi 77 nhưng bước đi vẫn khoẻ khoắn.
Năm 1965, theo nguyện vọng của người em gái từ Hy Lạp, bác Lập làm đơn xin tổ chức cho hồi hương.
Sau khi người vợ mất, về nước ông xây dựng gia đình và có bốn người con, đều đặt theo tên Việt Nam: Trung Thành, Bạch Tuyết, Bạch Nga, Tự Do. Gia đình ông có tám cháu nội ngoại, sinh sống ở thủ đô Athens và các thành phố khác. Từ đó đến nay, vài năm, dăm năm một lần, ông lại mời cả gia đình về Việt Nam để được ăn những món ăn Việt Nam, gặp những người bạn tri ân, và “được ngắm những tà áo dài dễ thương của phụ nữ Việt Nam”.
Tháng trước, ông trở lại Việt Nam theo lời mời của những người bạn chiến đấu cũ, đơn vị đóng quân ở thành phố Quy Nhơn. Ông về thăm quê gần một tháng, và đây là lần thứ chín ông về lại Việt Nam.
“Điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất qua những lần bác về thăm quê?”.
“Tôi về Kim Sơn, Ninh Bình, năm 1986, còn phải lo gạo để ăn. Giờ thì gạo khắc vào nhà tìm mình!”- ông chỉ nói vậy.
“Nếu có dịp được phát biểu tại diễn đàn của tuổi trẻ Festival 16, bác sẽ nói gì?”
“Tôi muốn nói với các bạn trẻ quốc tế và thanh niên Việt Nam: Chúng ta phải luôn nhớ về những ngày hôm qua. Nếu không thế, thì không phải là mình”.
Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập, người Đảng viên Cộng sản Đông Dương, Đảng viên Cộng sản Hy Lạp, báo tin mừng với chúng tôi là các đồng chí ở Hy Lạp đã đồng ý cho ông thu xếp quay lại Việt Nam tham dự lễ Quốc khánh 2-9 tới kỷ niệm 60 năm thành lập nước Việt Nam độc lập.
Văn Nghiệp Chúc Từ Caracas
|